Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống Năm A2017
Lời Chúa:Cv 2,1-11; 1Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Ga 20, 19-23: “…Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần,
những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện
đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều
đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng
vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các
con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi
hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội
cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm
lại…".
+/Những dấu
vết chân trên bãi cát cho ta biết có người đã đi qua.Nhìn hàng cây xa lay động,ta
biết có gió.Đức Giêsu đã ví Thánh Thần như cơn gió: "Gió muốn thổi đâu thì
thổi...Chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu".Chúng ta chỉ thấy những
dấu vết hoạt động của Thánh Thần,như dấu chân người đi qua sa mạc cát,nhưng
không thấy được chính Ngài,cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
-Hôm nay
chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có thể nói đây là ngày khai nguyên
Giáo Hội, ngày mà cộng đồng các tín hữu đầu tiên được thành lập và ra mắt thế
giới.Trong bài này, tôi chia sẻ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong cộng đồng
các tín hữu Chúa Ki-tô.
-Trong đời
sống cộng đồng các tín hữu,Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng và cần
thiết, tương tự như vai trò của linh hồn đối với các phần mình trong thân xác
con người.Thân xác chúng ta có nhiều bộ phận, nhiều thành phần khác nhau: có
đầu, mình, chân tay, mắt mũi, miệng. Các thành phần đó hòa hợp, thông cảm với
nhau là nhờ có linh hồn bên trong. Khi linh hồn ra khỏi xác thì các phần thân
xác tuy vẫn còn, nhưng không thông cảm với nhau nữa. Khi còn linh hồn bên trong
nếu chân ta giẵm phải cái gai thì cả thân thể đều thông cảm và hiệp lực để giúp
đỡ: mắt nhìn xem gai ở đâu, mình cúi xuống, tay rút gai ra, rửa vết thương và
rịt lại cho cầm máu. Khi linh hồn lìa xác nếu ta có chặt cái chân đi thì cái
tay cũng bất động và thân thể cũng không cảm thấy đau. Thế rồi, trong ít lâu,
các tế bào tan rữa, thit xương trở nên tro bụi, tại sao thế? – Tại vì thiếu hồn
sống bên trong, có hồn sống bên trong thì các phần thân thể mới hợp nhất và
thông cảm với nhau. Không có hồn sống thì các phần thân thể sẽ bị phân hủy và
tách lìa nhau. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu cũng
tương tự như vậy. Nghĩa là Chúa Thánh Thần là linh hồn sống bên trong làm cho
các tín hữu thông cảm và hợp nhất với nhau thành Thân thể Mầu nhiệm của Chúa
Ki-tô.
-Theo sách
Tông Đồ Công Vụ thuật lại thì ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống,có
rất đông người thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhưng đều hiểu tiếng nói của Các
Tông đồ như tiếng mẹ đẻ của mình. Thánh Phê-rô thay mặt các Tông đồ giảng về
Đức Giê-su chính là Đấng Cứu thế đã
chết và
sống lại. Khi ấy họ hết sức cảm động, hỏi ông Phê-rô rằng: "Chúng tôi phải
làm gì?" – Ông Phê-rô đáp: "Anh chị em hãy thồng hối và chịu phép Rửa
tội nhân danh Chúa Ki-tô để được khỏi tội sau đó anh chị em sẽ được lĩnh ơn
Chúa Thánh Thần...". Những người tin lời ông Phê-rô đã xin chịu phép Rửa
tội, ngày đó có độ 3000 người xin theo Đạo. Các người này chăm chỉ nghe các
Tông đồ giảng dạy, siêng năng cùng nhau dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện.Các tín hữu
sống hiệp nhất và để mọi của cải làm của chung. Họ bán ruộng đất, gia sản lấy
tiền phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.
-Nếu không
có Chúa Thánh Thần thì chúng ta không thể hiểu nhau,không thể tin nhau và không
thể đoàn kết với nhau thực sự và lâu bền được, tại sao thế? – Tại vì mỗi người
đều mang trong mình tính ích kỷ và lòng tự ái.
-Tính ích
kỷ là chứng bệnh di truyền, nằm trong mình con người từ lúc sinh ra và nó còn
lớn lên với tuổi đời. Một em bé con chưa làm ích gì cho ai đã biết ích kỷ rồi:
khi cha mẹ chia quà cho các con, đứa nào cũng tranh phần hơn, khi cha mẹ chia
công việc, đứa nào cũng muốn chọn việc nhẹ, đó là ích kỷ. Lòng tự ái cũng là
con sâu mọt đục khoét sự hợp nhất. Kinh nghiệm cho thấy có những người rất
nhiệt tình trước công việc chung, nhưng chỉ nhiệt tình khi nào ý kiến của họ
được nghe theo, bản thân họ cũng được đề cao, còn khi người khác phê bình hay
bác bỏ ý kiến của họ thì họ bất mãn, phá ngang và bỏ dở công việc, tại đâu? –
Thưa: Tại lòng tự ái. Ích kỷ là chứng bệnh di truyền, tự ái là con mọt phá hoại
sự cảm thông và tình đoàn kết.
-Cũng một
câu nói, một từ ngữ mà người hiểu thế này, người hiểu thế khác,Sống chung với
nhau mà hiểu lầm nhau, chia rẽ nhau, thật là bất lợi và nguy hiểm.Ngay một đoàn
thể nhỏ như gia đình,hay giáo xứ giáo họ, vợ chồng mỗi người một ý kiến, mỗi
người một tính tình, đời sống chung rất khó chịu,nói ra thì cãi nhau, không nói
thì nặng nề, ai cũng thấy khổ nhưng không làm cách nào giải quyết.Nhưng nếu có
Chúa Thánh Thần thì người ta sẽ tránh được bao nhiêu chuyện phức tạp gây chia
rẽ và người ta sẽ cảm thông đoàn kết với nhau một cách dễ dàng.
+/Sau đây,
ta rút ra mấy bài học thực hành:
1)Ta hãy
năng cầu xin Chúa Thánh Thần đem lửa tình thương từ trời xuống,làm bùng cháy
lên trong nhân loại, để phá tan những căm thù chia rẽ đang làm xáo trộn khắp
nơi trên thế giới.2) Khi có sự bất bình chia rẽ xẩy ra trong gia đình ta hoặc
trong mối quan hệ giữa ta với người khác, ta đừng kêu ca phàn nàn, cũng đừng đổ
lỗi cho ai, như vậy chẳng giải quyết được gì, mà càng đào sâu hố ngăn cách. Tốt
hơn hết là ta hãy ngửa mặt cầu xin Chúa Thánh Thần, là Thần Hợp Nhất, ngự xuống
trong tâm hồn mỗi người để phá tan sự hiểu lầm, hàn gắn mọi chia rẽ đang đe dọa
đời sống cộng đồng của chúng ta.
-Đời sống theo
Thánh Thần, như Thánh Phaolô đã nói(Rm 8, 5): "Ai sống theo xác thịt thì hướng về những điều thuộc xác thịt, còn ai
sống theo Thánh Thần thì hướng về những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng theo
xác thịt thì chết, còn hướng theo Thánh Thần là sống và bình an".
Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, ước muốn nên
giống Ngài, sống hiếu thảo như Ngài, sống yêu thương mọi người, sống khiêm tốn,
hiến lành và phục vụ mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, chúng ta sẽ được lãnh
nhận những hiệu quả của Thánh Thần.Và hiệu quả của Thánh Thần, đó là bác ái,
hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tính, hiền hoà, tiết
độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời
ta".
-Đối với
người Công Giáo, Chúa Thánh Thần chính là nguồn bình an đích thực, đã hiện hữu
và luôn sẵn sàng giúp con người được sống bình an. Chính Chúa Thánh Thần sẽ ban
cho con người sự sống viên mãn, hạnh phúc đích thực trong Chúa Kitô. Ai sống
trong Chúa Thánh Thần thì được sự sống vui tươi, hoan lạc và bình an vĩnh
cửu.
+/Để kết
luận,tôi kể lại đây câu chuyện biến ngôn/TRANH LUẬN của một nhà văn Thụy Điển
đại ý như sau: Một hôm, vào một buổi sáng mùa hè, trời quang mây tạnh, các sinh
vật, thực vật trong một khu rừng tranh luận với nhau về ý nghĩa đời sống. Một
con họa mi mở đầu, lên tiếng nói: Đối với tôi, cuộc sống chỉ là ca hát, có thế
thôi.Nói rồi nó ngẩng cao cổ, tung lên bầu trời một giọng hát trong trẻo tuyệt
diệu.Nghe thế, con chuột chũi liền lẩm bẩm:Cuộc sống không phải là ca hát,
không, hoàn toàn không, nhưng cuộc sống là liên tục đấu tranh trong hầm tối.Một
chị bướm ngắt lời: Như vậy thì thật vô lý.Nhưng cuộc sống phải là thỏa thích
vui chơi bay lượn.Đến lượt con ong lên tiếng: Chị bướm ơi, chị lầm rồi,Đời sống
không phải là vui chơi bay lượn, nhưng là chăm chỉ làm việc.Một chú kiến vênh
râu,tỏ ý tán thành quan điểm của con ong.Bỗng một con phượng hoàng từ trời nói vọng
xuống:Tất cả các chú không ai nói đúng cả.Theo ý tôi thì cuộc sống có ý nghĩa
nhất là tự do bay bổng trên mây xanh.Tới đây, các cây trong rừng cũng nhao nhao
lên tiếng tham gia vào cuộc tranh luận: Một cây thông cao vút, cành lá reo vui
trong gió, dưới ánh bình minh,lên tiếng khen ý kiến của con phượng hoàng là
đúng:Đời sống là vươn mình lên không trung,coi thường những cái nhỏ nhen sà sà
mặt đất.Cây bìm leo liền phản đối và đồng tình với chị kiến,chú ong rằng:Đời
sống là cần lao phấn đấu.Cây hồng thắm và cây huệ trắng thì về phe với cô bướm,đồng
thanh nói:Đời sống chỉ là vui chơi bay lượn.Lúc ấy, một đám mây bay qua, buông
rơi mấy hạt mưa xuống đám sinh vật, thực vật, đồng thời phát biểu: Đời sống chỉ
là giọt lệ cay đắng và nước mắt.Một dòng suối chảy ngang qua đó cũng xen vào
một câu: Đời sống chỉ là mau qua biến chuyển không ngừng…Trong lúc mà cuộc
tranh luận về ý nghĩa đời sống giữa các sinh vật, thực vật và cả mây trời suối
nước lên tới cao điểm, nhưng không đi tới kết thúc,thì chuông nhà thờ lên tiếng
ngân vang báo hiệu mừng lễ Hiện Xuống làm cho cuộc tranh luận đang sôi nổi bỗng
im bặt.Tất cả đều nhất trí rằng câu trả lời đúng nhất về ý nghĩa đời sống là sự
bình an,vui mừng, sức mạnh và hòa hợp trong Chúa Thánh Thần.
-Trên đây
chỉ là một câu chuyện biến ngôn, không có thực,nhưng nói lên một sự thực là
Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng,vai trò chính yếu trong việc điều
hòa vũ trụ vạn vật nói chung và loài người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần
thì mọi sự sẽ hỗn độn, mọi loài sẽ bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau.
-Lạy Chúa
Thánh Thần, xin hãy đến tác tạo mọi sự và làm cho mặt đất này được đổi mới.
Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH/CHÚA LÊN TRỜI NĂM A 2017
Lời Chúa: Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23;Mt 28, 16-20
Mt 28, 16-20 : “...Khi
ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy
Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại
nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho
Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha,
và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các
con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế...". Đó là lời Chúa.
+/Sách tu đức có kể lại câu
chuyện:Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh
phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc
đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông
thánh.Ngày nọ, đang lúc ông rửa chén, bỗng một Thiên thần hiện ra và nói:
“Thiên Chúa sai ta đến để báo cho thầy biết là giờ thầy lìa đời đã đến”. Tu sĩ
vẫn điềm nhiên vui vẻ trả lời: “Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như
ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa để phục vụ cho kịp bữa cơm
chiều của tu viện, xin ngài có thể hoãn lại sau khi tôi làm xong bổn phận rửa
chén dĩa này không?” Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc một
cách hăng say, hoàn tất rồi chờ mãi mà cũng không thấy thiên thần trở lại.Bẵng
đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện
ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong
vườn và nói: “Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, [Bề trên tổng quyền lại sắp về
tu viện kinh lý!] ngài có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?”.
Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.Một ngày nọ, trong lúc
vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ
không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân đang kêu la đau đớn
trên giường bệnh. Thiên thần biến đi không nói một lời nào.Chiều đến, vị tu sĩ
trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, mãn nguyện vì đã xong bổn phận, ông cầu
nguyện: “Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con đã sẵn sàng theo Ngài về trời”.
Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa xuất hiện; vị tu sĩ mừng rỡ: “Lần này,
Thiên thần mang tôi đi, vì tôi đã sẵn sàng theo ngài về thiên quốc”. Thiên thần
trìu mến nhìn vị tu sĩ và nói: “Này ông thánh sống ơi, những ngày tháng vừa
qua, ông không nghĩ rằng ông đã ở thiên đàng rồi sao?”.
- Qua câu chuyện, tác giả sách tu
đức không phủ nhận thiên đàng đời sau dành cho những ai chu toàn bổn phận và
sống giới răn yêu thương,nhưng muốn chúng ta hiểu và sống thực tại thiên đàng
ngay tại trần thế này.
+/ Một thi sĩ người Đức có viết vần thơ sau đây:
"Bên trên thế giới này là mây trời, mây trời thuộc về thế giới,Bên trên trời
là hư vô". Vần thơ này được hàng triệu người trên thế giới chứng thực mỗi
ngày,khi họ ngồi trong các máy bay khổng
lồ,mà mỗi chuyến bay chở được mấy trăm hành khách. Các loại máy bay này thường
bay trên độ cao hơn 10,000 mét, nghĩa là trên các tầng mây. Và quả thật, trên độ
cao ấy, du khách chỉ thấy bên dưới là mây, trước mắt và chung quanh là chân trời
xanh dài vô tận và bên trên chỉ là khí, không có gì khác.
-Qua khẳng định trên đây, thi sĩ người
Đức ám chỉ một sự kiện khoa học, ông muốn diễn tả xác tín vô thần của ông là
không tin có Thiên Chúa, không tin có quê trời, không tin có thiên đàng và cuộc
sống mai sau. Cuộc đời con người kết thúc với cái chết và bên kia cái chết chỉ
là hư vô. Nghĩa là thi sĩ gián tiếp khẳng định rằng, cuộc đời con người vô
nghĩa, do đó cũng không cần phải sống tốt với tha nhân hoặc ăn ngay ở lành hay
sống đạo đức luân lý làm gì, cứ việc tham ô, gian ác, bóc lột người khác, cũng
không cần phải cầu nguyện làm gì, bởi vì nó chỉ là đối thoại với hư vô, và thế
giới này chỉ là hư vô bởi vì không có tương lai.Nhưng xác tín như vậy là thi sĩ
đã rơi vào sự lầm lẫn lớn nhất. Bởi vì trong ngày lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu
khẳng định với chúng ta rằng sau cái chết cuộc sống mới thực sự bắt đầu và bên
trên tầng mây là tất cả.
+/Sự kiện
Chúa Giêsu lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài
người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất, nhưng còn mở vào cõi vô biên.
Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ hoang nhưng vượt qua đó để tiến
vào vĩnh cửu.
-Ý của bài Tin Mừng này cũng giống bài trích sách Công vụ bài đọc
1 là
trước khi về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã trao sứ mạng cho các môn đệ : Anh
em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần".
-Bài đọc II : Êp 1,17-23,Thánh Phaolô cho chúng ta biết: Đức Kitô đã sống
lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và được làm chúa muôn loài muôn
vật: “Thiên Chúa đã đặt tất
cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh, mà
Hội thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả
được viên mãn” . Ngài còn nói(2 Cr 5,1): “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới
đất là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở
do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người
thế làm ra”.
-Qua phụng
vụ lời chúa đại lễ hôm nay,chúng ta thử hỏi: Biến cố Đức Giêsu lên trời nói gì
với mọi người chúng ta?
1. Biến cố
Đức Giêsu lên trời khẳng định cho chúng ta rằng: Có Thiên Đàng.Đây là niềm tin
căn bản của người Kitô chúng ta.Niềm tin này luôn được củng cố bởi Kinh
Thánh.
-Chính Đức
Giêsu đã khẳng định: Ngài bởi thượng giới, Ngài tự trời mà xuống,Ngài nói với
Matha rằng(Ga 11, 25): “Ta là sự sống
và là sự sống lại. Ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” .
-Ngài nói
với các Tông đồ: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không,
Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ
cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em
cũng ở đó”.
-Ngài
khuyên nhủ mọi người rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm
hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho
tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy
đi được” .
-Tóm lại,
tin vào sự sống lại,tin vào Thiên đàng là đức tin căn bản mà chúng ta tuyên
xưng trong Kinh Tin Kính:“Tôi tin xác
loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.”. Và
biến cố Đức Giêsu lên trời một lẫn nữa củng cố đức tin của chúng ta.
2. Biến cố
Đức Giêsu lên trời giúp chúng ta sống niềm hy vọng sẽ được lên Thiên Đàng.
-Thiên
Chúa giàu lòng thương xót muốn cho hết thảy mọi người được lên Thiên đàng.Bởi
vì như ngài nói: “Thiên Chúa sai Con
của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế
gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.
-Nhưng,
Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Vì vậy, để được lên Thiên đàng,
xin được nêu lên một số cách thế mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện sau
đây: Đó là những kẻ tin và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Thánh
Thần. Đức Giêsu đã trả lời với ông Nicôđêmô rằng: “Tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu
không được sinh lại bởi ơn trên”. Đó là những người đi theo con
đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nghĩa là họ trở nên
như trẻ nhỏ, vì nước trời là của những ai giống như chúng.Đó là những ai thực hiện tám mối
phúc thật.Chẳng
hạn như: Phúc thay ai bị bách hại
vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ; Đó là những người tình
nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời như các linh muc, tu sĩ,và những người từ bỏ mọi sự trần
gian vì danh Chúa.Đó
là những người tội lỗi biết ăn năn hối cải trở về với Chúa như người trộm lành, như Augustinô,
như Maria Madalêna.Đó
là những người biết làm việc từ thiện, bác ái.Đó còn là những người biết dọn mình
xứng đáng để ăn uống Mình và Máu Thánh Chúa, vì “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.
3. Biến cố
Đức Giêsu lên trời mời gọi chúng ta thực thi bổn phận loan báo Tin mừng.Mẹ
Têrêxa Calcutta kể lại rằng: Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho
những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn
mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người
giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng.
Ngài nói như sau: “Không thể để
cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi
cho người cùng khổ.”.Tôi mới tức giận nói với Ngài như
sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm
mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó,
Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng.”.
Sau giấc
mơ ấy, biết bao nhiêu người cùng khổ, cô đơn đã được chăm sóc và chết êm ái
trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têrêxa Calcutta và các nữ tu của Mẹ. Thế rồi,
cùng đi với Mẹ Têrêxa lên Thiên Đàng là một đội quân đông đảo, họ là những
người cùng khổ, cô đơn, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội. Thật
đúng như ai đó đã nói: “Không ai
lên thiên đàng một mình.” Đó là bài học cho tất cả mọi người chúng
ta hôm nay. Để lên Thiên đàng, không phải chỉ lo cho chính mình mà còn phải
giúp cho người khác nữa, bằng việc chu toàn bổn phận truyền giáo. Bổn phận đó
đã được Đức Giêsu đề cập đến trong đoạn Tin mừng hôm nay: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép
rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.”.
-Nhưng
phải loan báo Tin mừng như thế nào? Chúng ta có thể loan báo Tin mừng bằng việc
rao giảng, rao giảng lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện,để có thể nói được như Thánh
Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi
không rao giảng Tin mừng”.Chúng ta có thể
loan báo Tin mừng bằng việc cầu nguyện, hy sinh như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
đã làm.
-Đặc biệt, chúng ta có thể loan báo Tin mừng bằng một đời sống thấm
nhuần Giáo huấn của Đức Giêsu trong gia đình, trong giáo xứ và ngoài xã hội.
-Đối với gia đình: vợ chồng luôn sống đúng với những lời cam kết trong
Bí tích Hôn Phối bằng cách biết yêu thương chung thủy, giúp đỡ nhau phần hồn
phần xác; cha mẹ biết tôn trọng sự sống, sinh sản và giáo dục con cái theo đức
tin Công giáo; con cái kính trọng, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, ông bà. Tất cả mọi
thành viên trong gia đình biết siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích.
-Đối với giáo xứ: các thành viên luôn biết chu toàn những bổn phận mà
Giáo xứ đề ra như tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, đóng góp công của
xây dựng giáo xứ, sống tình liên đới với mọi người xung quanh. Đối với xã hội:
hãy luôn ý thức sống tinh thần truyền giáo nơi mỗi môi trường sống của mình
bằng đời sống công bằng, bác ái, yêu thương.Amen
Nhận xét