CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31,30&29 THƯỜNG NIÊN NĂM A2017

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM A2017
Lời Chúa:Ml.1,14b,2,2b.8-10;1Tx. 2,7b-9.13; Mt 23,1-12
ĐỌC PHÚC ÂM Mt 23,1-12: “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các luật sĩ và các người Biệt Phái ngồi trên tòa Môisen: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là ‘Thầy’. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi bằng ‘Thầy’, vì các ngươi chỉ có một thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là ‘người chỉ đạo’: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên...”.Đó là Lời Chúa. 

-Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì bị người giàu phát hiện. Người này cho gia nhân bủa đi khắp nơi quanh cái hồ mênh mông của mình để bắt cho bằng được tên trộm.Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình trong suy tư và cầu nguyện. Chỉ một ngày hôm sau tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.Thế là thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: Thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
-Anh chị em thân mến,Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây có thể là một hình ảnh không xa lạ đối với chúng ta. Một cách nào đó,có khi chúng ta cũng sơn vẽ cho mình một nước áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình, như những Luật Sĩ và Pharisêu giả hình mà hôm nay Chúa Giêsu kịch liệt chống đối.
-Đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nói về thói hư tật xấu của đám Kinh sư,Biệt phái,và đưa ra lời cảnh giác với các Môn Đệ,là Ki tô hữu chúng ta.
-Kinh sư là những ai?.Kinh sư xuất thân từ nhóm Biệt phái.Vì thế Chương 23 này Chúa liên kết giữa Kinh sư và Biệt phái.Kinh sư có nhiệm vụ dạy luật truyền khẩu và chính thức công bố những quy định, luật lệ theo Tora.Họ là chuyên viên về bản văn Kinh Thánh. Thường thì các vị này làm việc với các lãnh đạo Do Thái (Thượng tế và các kỳ mục trong thượng hội đồng), do đó họ cũng có một số quyền về chính trị cũng như tôn giáo,nghề của họ là viết các tư liệu,họ được coi như là những người chống đối Chúa Giêsu.Thánh Mattheu thì không phân biệt 2 loại người này,nhưng cho thấy Phariseu mới là kẻ thù của Chúa Giêsu.
-Biệt phái,Phariseu là những ai? Đây là một phái rất phức tạp,nhất là vào thời Chúa Giêsu.Họ có khoảng 6.000 người chia ra làm 7 loại Phariseu.Phariseu được định nghĩa là những người tách biệt,họ tổ chức thành một tập thể tôn giáo với mục đích sống sốt sắng và trung thành với lề luật.Họ là thủ lãnh tinh thần của dân Do Thái.Đa số họ kịch liệt chống đối giáo lý cũng như bản thân Chúa Giêsu.
-Cũng có ít người Phariseu muốn tạo quan hệ tốt với Chúa bằng cách mời Ngài dùng bữa,có vài người công khai bênh vực Chúa,họ có ưu điểm là có lòng nhiệt tâm,lo lắng về sự trọn lành và trong sạch,Họ giữ luật Moisen cách tỉ mỉ.
-Một số đông trong bọn họ vì quá thông hiểu luật đã muốn giết chết giới răn của Thiên Chúa,mà đề cao những truyền thống cha ông họ theo kiểu nhân loại.Họ khinh chê kẻ ít học,ngạo mạn về sự công chính của riêng họ,cho nên họ không giao tiếp với kẻ tội lỗi ,nhưng vì họ không sống được với những lý tưởng đó nên bị Chúa chê trách là giả hình.
-Họ nói mà không làm,cho nên Chúa Giêsu liên kết giữa hai nhóm người này và luôn gọi:Kinh sư và Phariseu.Chúa gọi họ là những người ngồi trên tòa Moisen,là một chỗ cao dùng để giảng dạy,mà chúng ta có thể hiểu đó là tòa giảng,cao hơn mặt đất từ 2-3 mét,chúng ta có thể thấy loại tòa giảng này nơi các nhà thờ cổ xưa.Tòa này ám chỉ dành cho những người có thẩm quyền giảng dạy luật Moisen.Ông Moisen nhận luật từ Thiên Chúa và chuyển giao,còn Kinh sư thì dạy luật/cắt nghĩa cho dân chúng.
-Thế nào là đeo hộp kinh thật lớn? Đây là 2 cái hộp bằng da,đựng 4 bản văn Kinh Thánh.Tập tục đeo hộp Kinh trên trán rất được tôn kính vì nó nói lên ý tưởng:mỗi người Do Thái phải thường xuyên ghi nhớ luật Thiên Chúa và cam kết thi hành.Để cho mọi người thấy mình đạo đức,những người Kinh sư,Biệt phái này thích đeo những hộp Kinh thật lớn trên trán.
-Tua áo thật dài ?.Đây là dây vải ghi những câu Kinh Thánh mà người Do Thái thường đính nó trên cánh tay áo hay vạt áo.Đây là dấu chỉ để cho mọi người thấy mình đạo đức,họ thường mang những tua áo thật dài màu xanh sáng.Chúa Giêsu phê phán tập tục đạo đức này như là việc phô trương trình diễn lòng đạo đức của họ.
-Sau này Thánh Phaolo khi đối diện với đám Biệt phái đồng môn trước đây của mình,Thánh nhân đã chê trách họ:Vậy bạn biết dạy người khác mà lại không thể dạy chính mình ư ?.Nếu bạn tự hào vì mình có luật mà lại vi phạm luật, như vậy bạn đã làm nhục Thiên Chúa.
-Để kết:Giáo huấn hôm nay Chúa muốn các môn đệ và cũng cho cộng Kitô hữu chúng ta,một thái độ sống chân thật: đó là phong cách thể hiện tình huynh đệ,sự bình đẳng và tinh thần phục vụ.
-Thánh Công Đồng Vatican II cách ta 50 năm, muốn cho Giáo Hội Công Giáo mang khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn, phục vụ.Con Người/Chúa đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
-Bài sách Tiên tri Malakhi trong Bài đọc I hôm nay,không chỉ muốn nói riêng với hàng tư tế,vì ở câu cuối cùng ông muốn chất vấn mọi người và gợi ý cho mọi người thấy rằng:Ai cũng cần phải thay đổi nếp sống,để sống làm sao cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.Ông trách dân tội thiếu bác ái,vì người ta chỉ muốn biến nhau thành thù địch,thay vì phải coi nhau như anh em cùng một Cha trên trời,và như là con cái của Đấng tạo thành.Malakhi nhìn Thiên Chúa như vua cả trời đất,hơn nữa Người đã ký một giao ước và coi dân Israel như là sở hữu riêng của Người.
-Theo tinh thần đó,Vi phạm luật bác ái là không duy trì tình huynh đệ,là phản bội nhau,là phá hoại giao ước,là phủ nhận quyền của người Cha chung trên Trời.

-Còn giáo dân giáo xứ chúng ta thì sống ra sao trong hoàn cảnh hiện nay đây?,câu trả lời là của mỗi người chúng ta.Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A2017
Lời Chúa: Xh. 22, 20-26; 1Tx. 1, 5c-10; Mt 22, 34-40
Đọc Mt 22, 34-40: 34 Một hôm, khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" 37 Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".Đó là Lời Chúa
+/Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến,tại San Francisco,nước Mỹ, có hai gia đình di dân sống gần nhau và thuộc cùng một xứ đạo: một gia đình người Nhật và một gia đình người Thụy sĩ. Sau nhiều năm làm việc khó nhọc, cả hai gia đình đã thành công trong nghề trồng hoa hồng. Đột nhiên, ngày 7 tháng 12 năm 1941,Nhật tấn công Trân Chân Cảng,và họ nghe đồn rằng những người Mỹ gốc Nhật sẽ bị bắt vào trại tập trung.Gia đình người Thụy Sĩ hứa sẽ tiếp tục săn sóc vườn hoa cho gia đình người Nhật,nếu thực sự họ bị bắt.Và quả thật, gia đình người Nhật đã bị bắt.Một năm,Hai năm,Rồi ba năm qua đi,gia đình người Thụy Sĩ đã hy sinh thời giờ và sức lực để trồng cấy và đem hoa ra chợ bán thay cho gia đình người hàng xóm của mình. Khi chiến tranh chấm dứt,gia đình người Nhật được trả tự do,và họ đã được gia đình người Thụy Sĩ ra tận bến xe để đón về.Về đến nhà,họ thấy một vườn hoa xanh tươi,một căn nhà sạch sẽ tươm tất,và một món tiền, sinh lời được trong ba năm họ xa nhà.Được lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy,gia đình người Thụy sĩ nói trên đây đã thực hành đúng lời Chúa đã truyền dạy:Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn,và hãy yêu thương anh em như chính mình.
+/Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là "Sư máy". Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ:đầu cúi xuống,mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn,một tay cầm chuỗi đưa lên,một tay thì gõ mõ.Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt,và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật.Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái sư máy làm được mọi sự,duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.Yêu thương là đặc điểm của con người.Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.
-Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rõ điều răn của Thiên Chúa quan trọng chính là yêu thương.
a/Có vài điều chúng ta cần hiểu rõ:
-Người pharisêu hỏi Chúa:Trong luật Môisen,điều răn nào là quan trọng hơn hết?.Luật cũ của người Do thái có tất cả 613 điều khác nhau,trong đó
có 365 điều cấm và 248 điều phải giữ.Nhiều như thế, nên phân biệt khoản nào chính,khoản nào phụ là một điều khó.Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với
Chúa Giêsu,chính là vừa để thử Chúa,vừa là vì chính họ cũng không nhất trí với nhau khoản luật nào là chính,khoản nào là phụ nữa.
-Chúa trả lời:Phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết linh hồn,hết trí khôn,Đó là điều răn thứ nhất.Còn điều thứ hai cũng quan trọng:hãy yêu tha nhân như chính mình.Hai điều răn này Chúa trích từ sách Đệ nhị luật 6,5 và sách Lêvi 19,18.Chính Chúa Giêsu là người đầu tiên nối kết hai khoản luật này lại với nhau.Người đặt luật kính mến Chúa trước tiên,sau đó là luật thương người.Vậy yêu thương chính là cốt lõi của mọi khoản luật khác,và đối tượng của tình yêu chính là Thiên Chúa và anh em mình.
b/Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay muốn dạy chúng ta điều gì?
-Chúa Giêsu xác định hai giới răn mến Chúa và yêu thương tha nhân là gồm tóm hết mọi giới răn khác.Xem ra con người không còn phải bận tâm lo giữ cả 613 điều luật.Ai chu toàn hai giới răn yêu thương này thì có thể tin mình đã chu toàn lề luật.
-Thánh Phaolô giải thích ý của Chúa Giêsu trong thư Rôma như sau:(Rm 13,8-10)"...Ai yêu người là đã chu toàn Lề luật.Thật vậy,các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình,không được giết người,không được trộm cắp,không được ham muốn,cũng như các điều răn khác,đều tóm lại trong lời này:Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy...".
-Chúa Giêsu cũng xác định luật yêu thương là quan trọng.Lòng mến Thiên Chúa phải toàn diện,liên quan đến trái tim,linh hồn,và cả khối óc của con người nữa.Tình yêu này phải là động lực thúc đẩy mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác của chúng ta.Chính vì thế mà Chúa nói:tất cả luật Môisen và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.
-Nói như thế,có thể có người sẽ hỏi lại:Tại sao luật yêu thương là trên hết,và gồm tóm mọi lề luật?.Thưa là vì Thiên Chúa là Tình yêu và bản chất của Thiên Chúa chính là Tình yêu.Kinh thánh cũng đã dạy con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; điều đó có nghĩa là con người được Thiên Chúa dựng nên chính là để yêu thương,và để yêu thương như Thiên Chúa.Bản chất Thiên Chúa chính là tình yêu,vì thế không thể nói Thiên Chúa không yêu thương,hay không thể nói Chúa dựng nên con người ta,mà
Chúa lại không yêu họ;hay cũng không thể nói,con người được sinh ra lại không yêu thương Thiên Chúa và không yêu thương nhau.
-Chúa Giêsu chính là tấm gương cao cả về việc thực thi luật yêu thương. Người luôn yêu mến Chúa Cha,sống đẹp lòng Chúa Cha,và vì vâng lời trọn hảo mà Chúa chấp nhận sinh ra làm người đền thay tội lỗi cho nhân loại chúng ta.Hơn thế nữa,Người tỏ ra lòng yêu mến Chúa Cha qua việc quan tâm yêu thương,cứu giúp hết mọi người,kể cả người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, người ngoại giáo samaritanô,những người mà các kinh sư,biệt phái xa lánh,khinh chê.Lại nữa,Chúa còn dâng mình lễ tế trên thánh giá để cứu chuộc loài người,Vì thế cái chết của Chúa trên thánh giá chính là cái chết vì TÌNH YÊU.
c/Gợi ý sống và chia sẻ:
-Mến Chúa và yêu người,là hai khoản luật Thiên Chúa quan tâm chú trọng ngay từ những ngày đầu tiên con người xuất hiện trên trái đất,và cũng là hai khoản luật con người đã lỗi phạm ngay từ những trang sử đầu tiên của nhân loại.Vì nguyên tổ đã không hết lòng tin tưởng ở Thiên Chúa, nên đã tin lời của ma quỉ;vì ghen tương,Cain đã giết chết em mình.Đến thời Xuất Hành,khi Thiên Chúa ban bộ luật cho dân Do thái,một lần nữa, hai khoản luật quan trọng vẫn là hết lòng tôn thờ một mình Thiên Chúa Giavê,và yêu thương anh em đồng loại như chính mình,cách riêng những người nghèo hèn yếu thế.
-Dẫu vậy,khi Chúa Giêsu liên kết hai giới luật này,và coi hai điều này là giới luật cao trọng nhất trong toàn bộ lề luật,Chúa đã làm một điều mới lạ. Khi truyền dạy chúng ta yêu mến Chúa hết lòng,hết sức,hết trí khôn,Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa với toàn diện con người của mình.Điều này cũng có nghĩa là mọi việc chúng ta làm đều phải qui hướng về Chúa. Thiên Chúa có quyền đòi buộc điều này,là vì chúng ta là thụ tạo của Người,và mọi cái chúng ta có đều là do Chúa ban cho.
-Một khi chúng ta quyết định sống với Chúa trong tâm tình thờ kính mến yêu,chúng ta sẽ biết phải có tâm tình nào,hành động làm sao, nói năng thế nào,trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống.Khi đó,Các giới luật khác lúc đó không còn là gánh nặng,nhưng là những nhắc nhở cho chúng ta về bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Chúa.
-Nhưng vì đối với Chúa,chúng ta không thấy,và cũng không cảm nghiệm được bằng ngũ quan giác quan,nên Chúa đã muốn chúng ta yêu mến Người qua các thụ tạo của Người.Theo ý của Thánh Augustinô,Vì chúng ta không nhìn thấy Chúa,nên Chúa đã muốn chúng ta thấy Chúa qua tha nhân.Vì khi yêu mến tha nhân,ánh mắt nhìn của chúng ta được thanh tẩy nên trong sáng hơn để có thể nhìn thấy Thiên Chúa.
-Khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta là phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.Mến Chúa trên hết mọi sự là đặt việc thờ phượng Chúa và thi hành ý Chúa trên mọi giá trị của cuộc sống.Yêu tha nhân như chính mình là nếu mình muốn người khác làm cho mình điều gì thì hãy làm cho họ như vậy-Amen.
CHIA SẺ LỜI CHÚA KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2017/TN29A
+/Một Câu chuyện:Tại Việt Nam, có một doanh nhân Hàn Quốc đến lập nghiệp / Anh ta có xưởng sản xuất và có 50 công nhân / Trong số này, có được mấy thanh niên Công giáo người Việt / Một hôm anh gặp và hỏi họ:- Các anh là đạo gốc, thế các anh đã Rao Giảng Tin Mừng cho ai chưa ?.Họ trả lời: - Chúng cháu giữ đạo còn chưa xong, làm sao dám Rao Giảng Tin Mừng / Ông chủ người Hàn bảo: thế là các anh thua tôi rồi / Tôi là bổn đạo mới, mới theo đạo khi lập gia đình / tôi mới tới lập nghiệp ở Việt Nam được 3 năm, mà tôi đã thuyết phục được 2 người vào đạo!
-Trong lời mở đầu của Sứ điệp truyền giáo năm nay(Sứ điệp Truyền giáo 2017), Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, thì Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô nữa, mà là một trong nhiều nhóm người cuối cùng chỉ phục vụ mục đích riêng của họ và qua đi.”.
-Trước khi về trời, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các Tông đồ rằng(Mc 16,15): “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” . Tiếp nối sứ mệnh của các Tông đồ, Giáo hội ở khắp mọi nơi và qua mọi thời luôn luôn thi hành sứ mệnh truyền giáo.
-Theo hồ sơ thống kê được hãng tin Fides loan báo nhân Ngày Thế giới truyền giáo năm 2017, số tín hữu Công giáo trên thế giới năm 2015 gia tăng, chiếm khoảng 17,7% dân số thế giới, với gần 1,3 tỉ tín hữu.Theo thông số của cơ quan thống kê hàng năm của Giáo hội Công giáo năm 2015 và được hãng tin Fides nghiên cứu, số tân tòng trong năm 2015 nhiều hơn năm 2014 12,5 triệu.Hồ sơ thống kê cũng cho biết: số tín hữu ở châu Phi là 222 triệu, chiếm 19,42% tổng dân số 1,1 tỉ, tăng 0,12%.
Châu Mỹ có 625 triệu tín hữu , chiếm 63,6% tổng dân số 982,2 trệu, giảm 0,08%
Châu Á có 141 triệu tín hữu, chiếm 3,24% tổng số 4,3 tỉ dân.Châu Âu có dân số gia tăng, nhưng số tín hữu lại giảm 0,21%, với 285 triệu, chiếm 39,87% tổng số dân 716 triệu.Châu Đại dương có 26,36% tín hữu, 10,2 triệu trên tổng số 38,7 triệu, tăng 0,24%.
-Trên toàn thế giới hiện có 3006 giáo phận, đại diện, giám quản tông tòa: 538 ở châu Phi, 1091 ở châu Mỹ, 530 ở châu Á, 758 ở châu Âu và 81 ở châu Đại dương.Số giám mục trong năm 2015 là 5304, tăng 67 vị, còn số linh mục là 415 ngàn 656, giảm 136 vị.Trên toàn thế giới có 351797 thừa sai giáo dân và 3 triệu 122 ngàn 653 giáo lý viên.Giáo hội Công giáo điều hành 216 ngàn 548 cơ sở giáo dục với 60 triệu học sinh và gần 5,5 triệu sinh viên đại học và trung học. Giáo hội Công giáo có khoảng 118 ngàn tổ chức xã hội và bác ái công giáo (bệnh viện, trại phong, nhà cô nhi, nhà dưỡng lão) trên thế giới.Các hội truyền giáo thuộc Bộ truyền giáo đã giúp cho các giáo hội địa phương (xây nhà thờ và chủng viên, giáo dục, hoạt động mục vụ và đào tạo), đã giải ngân 134 triệu đô la trong năm 2016. (Agenzia Fides 20/10/2017)/Hồng Thủy.
-Chính vì vậy,lời mời gọi của Đức Giêsu luôn luôn mang tính thời sự và đòi buộc mọi người kitô hữu phải có trách nhiệm thi hành.Đặc biệt,Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng nhiều vào tầng lớp giới trẻ và các hiệp hội Giáo Hoàng truyền giáo. Với giới trẻ, Ngài nói(SĐTG 2017, số 8):“Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. ‘Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”.
-Với các hiệp hội Giáo Hoàng truyền giáo, Ngài nói: “Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là một phương tiện quý giá đánh thức trong mọi cộng đồng Kitô hữu một ước ao vượt qua các giới hạn và sự an ninh của mình để rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người. Trong số đó, nhờ một linh đạo truyền giáo sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày, và liên tục cam kết nâng cao ý thức và nhiệt tâm truyền giáo, các người trẻ, người lớn, gia
đình, linh mục, giám mục và tu sĩ nam nữ làm việc để phát triển một lòng (tâm hồn) truyền giáo trong mọi người.” .
+/Ba việc làm thông thường nhưng quan trọng luôn cần phải có khi truyền giáo, đó là: Rao giảng, làm chứng và cầu nguyện.Hôm nay, trong khuôn khổ của bài chia sẻ này,tôi xin được phép gợi ý thêm một số điểm sau đây:
-Thứ nhất, đối tượng truyền giáo là tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay địa vị.Đặc biệt, đối với những người thiện tâm, họ mong muốn được Tin mừng biến đổi. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, nhắm đến tất cả mọi người nam nữ có thiện tâm, được dựa trên quyền năng biến đổi của Phúc Âm.” .Vì thế, trong mọi nơi, mọi lúc, trong các mối tương quan gặp gỡ, chúng ta luôn phải có ý thức truyền giáo.
-Thứ hai, nội dung truyền đạt của truyền giáo là Tin mừng. Bởi vì, “thế giới rất cần Tin mừng của Chúa Kitô.”. Hãy gieo Tin mừng vào tâm hồn người khác:Đọc Tin mừng cho họ nghe, giảng Tin mừng cho họ hiểu, tặng Tin mừng cho họ đọc, phổ biến Tin mừng bằng mọi cách, nhất là qua các phương tiện truyền thông. Khi họ đã nghe, đã hiểu thì chắc chắn họ sẽ sống và được biến đổi.
-Thứ ba,truyền giáo phải có tấm lòng gieo rắc tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với mọi người. Tình yêu đi liền với tinh thần phục vụ, hy sinh. Đức Giêsu đã nói(Ga 15,13):“Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”.
-Thứ tư,truyền giáo phải biết liều mình đi ra “chỗ nước sâu,” tới các “vùng ngoại vi.”Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta được thách thức đi ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng.’”.
-Chỗ nước sâu ở đây có thể là những vùng sâu vùng xa, các khu nhà ổ chuột, các trại phục hồi nhân phẩm, những nơi mà ít khi hoặc chưa bao giờ người ta được nghe Tin mừng. Chỗ nước sâu ở đây cũng có thể hiểu là nơi những tâm hồn chai đá, khô cứng, tội lỗi… Họ đang “đói khát chân lý và công lý”. Chỗ nước sâu ở đây có thể là những người vô thần, thậm chí là những người đang chống đối Thiên Chúa, chống đối Giáo hội. Đi ra chỗ nước sâu, đi tới vùng ngoại vi có thể gây nguy hiểm cho người truyền giáo,nhưng nếu truyền giáo biết “liều mình” như thế chắc chắn sẽ bắt được những “con cá lớn”.
-Cuối cùng,truyền giáo cần noi gương Mẹ Maria:Đức Thánh Cha nói:“Trong việc thực thi sứ vụ truyền giáo của chúng ta, chúng ta hãy rút cảm hứng từ Mẹ Maria, Mẹ của việc Phúc Âm hóa. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa ở tận đáy đức tin khiêm tốn của Mẹ.
*/Để kết thúc:
+/Có mấy cách truyền giáo?,thưa  Có ít nhất 6 cách :
1)Rao giảng Lời Chúa,2) Giáo dân sống gương sáng
3)Cầu nguyện, hy sinh hãm mình như Thánh Terexa Hài Đồng Yesus,4)Lần hạt mỗi ngày như Cha Thánh Đa Minh đã làm,5) Sống bác ái yêu thương như Thánh Terexa Cacutta đã sống,6) Ca hát để chúc tụng ,tôn vinh Chúa và làm cho các buổi lễ phụng vụ của Giáo hội thêm phần sốt sắng, noi gương thánh nữ Cecilia .
+/Kết bạn / kết nghĩa / kết than cũng là cách hay.
Vấn đề này chúng ta phải học hỏi ở Giáo Hội Hàn Quốc / Năm 1983 họ chỉ có 3.500.000 giáo dân / Năm đó Đức Thánh Cha thăm Giáo Hội Hàn Quốc, dịp này Ngài phong Thánh cho 103 vị tử đạo / Đức Hồng Y Stephanô Kim đã hứa với Đức Thánh Cha là sẽ hăng hái làm việc Rao Giảng Tin Mừng / Sau đó Ngài họp hội đồng Giám Mục và đưa ra chương trình:Một gia đình công giáo phải Rao Giảng Tin Mừng cho một gia đình ngoài công giáo / Mỗi người công giáo phải Rao Giảng Tin Mừng cho 1 người ngoài công giáo / Cách kết nghĩa này đã giúp Giáo Hội Hàn Quốc sau 10 năm đã tăng số giáo dân lên gấp đôi / Họ đã hăng hái làm việc truyền giáo và họ đã có kết quả / mỗi người Chúng ta nên bắt chước.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN