CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28&27 THƯỜNG NIÊN NĂM A 2017

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A2017
Lời Chúa: Is. 25, 6-10a; Pl. 4, 12-14.19-20; Mt. 22, 1-14
PHÚC ÂM: Mt 22, 1-14/Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. {Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".}  Đó là lời Chúa.

+/Chuyện kể rằng: có một con gà rừng đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ của nó một trứng đại bàng. Đúng ngày giờ, trứng nở thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên đàn gà rừng như anh chị em ruột.Một ngày kia, đang bươi móc kiếm ăn cùng đàn gà rừng, đại bàng con bỗng thấy một con chim đại bàng lớn bay lượn trên không thật oai phong và đẹp mắt. Cậu liền hỏi mẹ gà:- Mẹ ơi! Sao mình không bay như chim kia trên trời?,gà mẹ trả lời:- Chúng ta đâu phải đại bàng mà bay được!và nó hỏi tiếp:- Thế chúng ta là ai?,gà mẹ trả lời:- Chúng ta là gà rừng!.Bỗng một ngày, đang khi bươn chải kiếm ăn trên đống rác, cậu lại thấy đại bàng mẹ bay lượn trên đầu gọi:- Bay lên con ơi, bay lên đại bàng con của mẹ. Thế giới của con là trời cao đất rộng, chứ không phải là đống rác này! Bay lên đi con.Cậu cố bay lên, nhưng lại rơi xuống. Trong khi các chú gà rừng cười cợt chế nhạo rằng:- Chúng ta là gà rừng, làm sao mà bay được.Cậu suy nghĩ, nếu ta là gà rừng sao đại bàng kia cứ bảo ta là đại bàng con. Và khi bay lên ta thấy cũng đâu có gì khó khăn, có lẽ chưa quen thôi. Nào hãy thử lần nữa xem.Thế là cậu đại bàng đủ lông đủ cánh bay lên, và bay lên mãi. Cậu bay theo mẹ về một chân trời mới. Lần đầu tiên trong đời, cậu được nhìn thế giới từ trên cao, lòng cậu mênh mang, hạnh phúc ngập tràn.
-KTACE thân mến,Như đại bàng mẹ tha thiết mời gọi đại bàng con bay lên bầu trời thênh thang lộng gió, Thiên Chúa cũng gọi mời ta là các tín hữu hãy tiến vào và tiến lên dự tiệc cưới Nước Trời.Dụ ngôn “tiệc cưới” hôm nay nhấn mạnh đến ơn cứu độ phổ quát. Dụ ngôn này chứa đựng hai bài học: “tiệc cưới thời Thiên Sai” và “tiệc cưới thời Cánh Chung” .
1. Tiệc cưới thời Thiên Sai.Như trong sấm ngôn khải huyền của Bài Đọc I, hình ảnh bàn tiệc gợi ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài trong niềm vui cứu độ. Trong dụ ngôn, Đức Vua đại diện Thiên Chúa, Người Con đại diện Đấng Mê-si-a, và tiệc cưới biểu tượng giao ước mới, giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với nhân loại. Nhưng các quan khách được mời không thèm đếm xỉa tới giao ước mới này, đó là dân Ít-ra-en, họ từ chối nhận ra Người Con là Đấng Mê-si-a.
-Có Vài khách được mời còn đi xa hơn nữa,là họ ngược đãi và sát hại các gia nhân của vua, tức là các ngôn sứ thời Cựu Ước và các tông đồ thời Tân Ước.Các quan khách đã được mời nhưng đã không đến,vì Mỗi người đã theo đuổi lợi ích riêng của mình. Họ đã không đáp trả lời mời, từ chối dự phần vào vương quốc thiên sai, hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo.
-Tiệc cưới vẫn được tiến hành,Các quan khách từ chối lời mời được thay thế.Lời mời gọi được vang lên khắp các ngã đường: “...các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai thì mời hết vào tiệc cưới...”. Như vậy, toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc,màu da ngôn ngữ, được mời gọi thế chỗ dân Ít-ra-en bất trung bất tuân.
-Tin Mừng ghi nhận các đầy tớ ra các ngã đường đến hai lần. Trong lần thứ nhất, các đầy tớ mời các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào tham dự tiệc cưới; trong lần thứ hai, tất cả những khách qua đường. Có lẽ thánh sử đã nghĩ trước hết đến những “người nghèo của Đức Chúa”, những người mà chính Đức Giê-su đã ưu ái đặc biệt; Họ đã hoan hỉ tiếp đón Tin Mừng và dự phần vào niềm vui thời Thiên Sai, vì thế, họ không thể nào bị loại ra ngoài. Hạng người thứ hai là lương dân, đây là nét tinh tế của thánh sử khi đề cập đến hạng người này.
2. Tiệc thời Cánh Chung.Từ tiệc thời Thiên Sai, dụ ngôn chuyển sang tiệc thời Cánh Chung.Dụ ngôn có nói về một khách mời bị loại trừ,Quả thật, có sự khác biệt đáng kể giữa phần trước và phần tiếp theo này.
-Trong bàn tiệc thời Thiên Sai, mọi người đều được mời tham dự, dù tốt hay xấu,công chính hay tội lỗi, dân Do thái hay dân ngoại.Còn Trong bàn tiệc thời Cánh Chung, nghĩa là trong Nước Trời, người ta chỉ được phép dự tiệc khi mặc y phục của những người công chính.Như trong dụ ngôn,Đức Vua nói: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?”.
+/ Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây chính là sự đổi mới canh tân để phù hợp thích hợp với Nước Trời,với tiệc cưới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới.
-Như vậy, qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời,dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.Dung mạo vị Vua càng hiền hậu bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.
-Trước lời mời gọi của Chúa, đời sống Đạo của một số
trong cộng đoàn ta hiện nay,không khác gì những người Dothái, nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng bậc trong Giáo Hội. Tất cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình đã đạo đức đủ, nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa chữa!
-Vì kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.Vì ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc chung với nhau.Bởi nghĩ rằng người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.Sự hóng hách, khinh thường,chê bai,chỉ trích, bè phái, luôn luôn thường trực trong trái tim vốn đã hóa đá của họ.

-Những người như vậy,họ như ly nước đã đầy,nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc.
-Quả thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước từ ơn Chúa
,như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình của ông chủ.Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM A2017
Lời Chúa: Is. 5, 1-7; Pl. 4, 6-9; Mt. 21, 33-43
Mt 21,33-43:(33) Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta". (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?"(41) Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông". (42) Ðức Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao?,Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường.Ðó chính là công trình của Chúa,công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.(43) Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.(45) Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. (46) Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ đám đông, vì đám đông cho Người là một ngôn sứ.
+/KTACE thân mến! Nếu ruộng lúa, nương khoai, khóm trúc và con trâu là những hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam, thì người Do Thái cũng có những hình ảnh thân thương đối với họ, đó là đàn chiên và vườn nho.Chúa Giêsu sinh ra là người Do Thái, cũng đã thừa hưởng nền văn hóa con chiên và cây nho ấy. Ngài đã dùng những hình ảnh quen thuộc đó để nói lên quan điểm của Ngài đối với mối tương giao giữa Thiên Chúa và Israel, cũng như mối tương giao giữa bản thân Ngài đối với các tín hữu của mình.
-Chẳng hạn trong Tin Mừng theo thánh Gioan thì Chúa Cha là người trồng nho, bản thân Ngài là cây nho, còn các môn đệ là ngành nho. Điều Ngài muốn truyền dạy là chúng ta phải sống gắn bó mật thiết với Ngài.
-Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu thì hình ảnh cây nho hay nói đúng hơn hình ảnh vườn nho được khai thác cho một đề tài khác.
-Chúa Giêsu đã nói tới lòng tốt của ông chủ vườn nho không những sẵn sàng thuê mướn mọi người, nhất là những kẻ thất nghiệp, kém may mắn, mà còn trả công đồng đều cho cả những kẻ làm việc ít giờ nhất.Ngài cũng đã nói tới những tá điền, là những người quản lý có trách nhiệm canh tác vườn nho, để giao nộp hoa lợi cho chủ. Nhưng họ đã phản bội, đã đánh đập các sứ giả và đã giết chết chính người con trai của chủ. Để rồi, chủ đã phải lấy lại vườn nho mà trao cho người khác quản lý, tức là Giáo Hội Công Giáo.
-Cũng trong bài Phúc Âm hôm nay,Chúa Giêsu nói dụ ngôn về vườn nho với những hành động bạo lực, bắt bớ, đánh đập, ném đá và giết người của các tá điền. Trong Cựu Ước, vườn nho là hình ảnh của dân Thiên Chúa, dân Do Thái, như đã được diễn tả trong sách tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Irael”.
-Trong cái nhìn của Tân Ước,khi Chúa Giêsu nói với các thầy thượng tế và kỳ lão rằng: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”. Chúng ta phải nghĩ đến hình ảnh vườn nho là cả nhân loại, gồm tất cả mọi dân tộc trên thế giới.
-William Barclay,nhà chú giải Kinh Thánh đã cắt nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân trong ba chiều hướng: chủ vườn nho là Thiên Chúa, những tá điền làm thuê là những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái, những người đầy tớ và con trai ông chủ là những sứ giả, các tiên tri và Chúa Giêsu Kitô.
-Thiên Chúa trong vai trò ông chủ vườn nho,rất tin tưởng vào những tá điền để trao cho họ sứ mạng trông coi vườn nho. Ngài rất kiên nhẫn và bao dung, gửi các tiên tri và sứ giả đến qua bao nhiêu thế kỷ để nhắc nhở và khuyên bảo, nhưng cũng đã bị đối xử tàn bạo. Sau cùng, Ngài gửi chính con trai đến, rồi cũng bị giết chết. Đến lúc này mới là phán quyết của Thiên Chúa trao vườn nho lại cho các dân tộc khác.
+/Phần cuối dụ ngôn, không được trưng ra trong bài đọc hôm nay kể lại rằng: “Các tư tế và biệt phái đều hiểu rằng Chúa Giêsu đang nói về họ”. Nói cách khác, họ nhìn vào dụ ngôn “kiếng soi” này và trông thấy chính mình,nhưng thay vì hoán cải, họ vẫn cứ tiếp tục bước đi trong đường nẻo sai lạc của mình.
-Điều này dẫn chúng ta đến một vấn nạn quan trọng, phải chăng Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này chỉ nhằm tác động đến các trưởng tế và biệt phái mà thôi không? Hoàn toàn không phải thế. Ngài còn nhắm cả đến chúng ta nữa. Như thế dụ ngôn này nói lên với chúng ta điều gì? Tôi xin đưa ra bốn điểm sau:
- Trước hết, dụ ngôn tóm lược toàn bộ Thánh Kinh nói về ơn cứu độ, nêu rõ những qui chiếu rõ rệt về Giao ước và Giao ước mới. Lần giao ước vườn đầu tiên ám chỉ đến Cựu ước. Lần giao vườn thứ hai ám chỉ đến Tân ước.
- Thứ đến, dụ ngôn này xác nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. nhân vật cuối cùng được sai đến với các tá điền không phải là một đầy tớ nào khác mà chính là con trai của chủ vườn.
- Thứ ba, dụ ngôn xác nhận các Tông Đồ của Chúa Giêsu là những nhà lãnh đạo mới của dân Chúa.
- Cuối cùng, dụ ngôn nói với chúng ta về lòng nhẫn nại mà Chúa dành cho chúng ta cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với Chúa.
-Chủ vườn nho đã cố gắng tới ba lần để giúp các tá vườn thay đổi đường lối. Khi ông ta thấy rằng có kiên nhẫn hơn nữa cũng vô ích, ông ta mới ra tay xét xử đám này và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ.
-Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta y như thế. Cha trên trời của chúng ta vô cùng kiên nhẫn. Nhưng rồi sẽ đến lúc sự kiên nhẫn của Chúa sẽ nhường bước cho sự xét xử. Và chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
-Như thế, dụ ngôn hôm nay không chỉ nói với các trưởng tế và biệt phái thời Chúa Giêsu mà còn nói với chúng ta nữa. Dụ ngôn tóm lược câu chuyện Thánh Kinh về ơn cứu độ, cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, các Tông đồ Chúa là những vị lãnh đạo mới của dân Chúa, và cuối cùng dụ ngôn ấy còn dạy chúng ta về lòng kiên nhẫn lớn lao của Chúa dành cho chúng ta, đồng thời trách nhiệm riêng chúng ta phải chịu trước mặt Ngài.
-Câu chuyện Được và mất,Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:- Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la rằng:- Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thày lang!
-Nếu chuyện ngụ ngôn nào cũng cho chúng ta một bài học, thì chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” muốn nói với chúng ta rằng: Kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm.
-Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN