CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24,23&22 THƯỜNG NIÊN A2017

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A2017
Lời Chúa:Hc 27,33-28,9 ; Rm 14,7-9 ; Mt 18,21-35

Mt 18,21-35: “...(21) Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? (22) Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. (23) Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. (24) Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. (27) Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”. (29) Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. (30) Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. (31)Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. (32) Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, (33) thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. (35) Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình...”.
+/CÂU CHUYỆN NGƯỜI HÀNH KHẤT CÓ LÒNG KHOAN DUNG THA THỨ,Văn hào Nga LÊ-ÔNG TÔN-TOI (Léon Tolstoi) có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau:Có một lão hành khất kia đứng trước cửa nhà của một người phú hộ để xin bố thí. Nhưng thay vì bố thí, người phú hộ đã xua đuổi và khi thấy kẻ đó cứ ở lì,ông ta đã nhặt một hòn đá ném vào lão ăn mày.Bị hòn đá ném trúng vào mặt khiến máu chảy đầm đìa,lão hành khất tức giận lắm,nhưng không làm gì được người giàu có kia.Sau khi băng tạm vết thương,lão ta đã nhặt lấy cục đá ném trúng mặt mình cất vào bị ăn mày của mình,rồi tự nhủ: “Ta sẽ mang theo hòn đá này cho đến ngày mi bị sa cơ thất thế.Bấy giờ ta sẽ dùng chính nó để ném trả vào mặt mi”.Và Nhiều năm sau,lời chúc dữ của lão hành khất đã thành hiện thực.Lý Do biển lận công quỹ, nên người phú hộ đã bị bắt và còn bị tịch biên toàn bộ tài sản.Trong lúc lính đến vây bắt ông ta,thì lão hành khất kia cũng có mặt.Lòng căm hận ngày xưa giờ đây lại có dịp bùng phát. Lão ta cứ bám theo đám người áp tải kia,tay nắm chắc hòn đá năm xưa chờ dịp thuận tiện ném vào mặt tên phú hộ để rửa hận.Nhưng  khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy hốc hác của người này,thì lão lại động lòng thương.Lão tự nhủ rằng: “Bây giờ thì tên phú hộ này cũng chỉ là một kẻ khố rách áo ôm đâu có khác gì ta.Hắn đã bị mất hết tài sản,lại còn bị gông cùm trong ngục tối chịu tội không biết đến khi nào.Như vậy là ông Trời đã trả báo điều dữ xưa hắn đã làm cho ta rồi.Vậy ta cần chi phải báo oán nữa”. Nghĩ thế rồi, lão hành khất buông tay cho hòn đá rơi xuống đất và âm thầm bỏ đi nơi khác.
+/Đức Giê-su từ chối giới hạn tha thứ đến bẩy lần do ông Phê-rô đề nghị với Người, nhưng Người dạy môn đệ phải tha bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Ba lý do phải luôn tha thứ: Một là vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ các lỗi phạm của ta cách vô điều kiện. Hai là vì số nợ của anh em đối với chúng ta chẳng đáng là gì so với số tội và nợ ta mắc với Thiên Chúa.Ba là nếu ta đòi anh em tính sổ trả nợ sòng phẳng,thì Thiên Chúa cũng sẽ tính sổ nợ sòng phẳng đối với chúng ta.
-Về số lần phải tha thứ thì các Ráp-bi Do thái đã dạy chỉ tha thứ tối đa 3 lần: “Quá tam ba bận”. Ông Phê-rô nghĩ tha tới bảy lần là nhiều rồi, nên đề nghị với Chúa và hy vọng sẽ được khen ngợi. Nhưng ông thật bất ngờ khi nghe Thầy đòi không chỉ tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy. Nghĩa là phải tha luôn luôn, không giới hạn và vô điều kiện.Các vị giáo tổ cũng kêu gọi người ta phải biết tha thứ. Đức Phật thích Ca dạy: “Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất,Lấy ơn báo oán, hóa giải oán thù”.
-Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn lòng tha thứ cho anh em,để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội nợ lớn lao cho mình,qua câu chuyện về tên đầy tớ độc ác.Hắn ta vừa được tôn chủ tha cho số nợ vô cùng lớn lao là 10.000 nén vàng, trong khi hắn chỉ dám xin ông cho khất nợ.Nhưng hắn lại không đối xử tốt như thế với người bạn chỉ nợ hắn 100 quan tiền.Hắn đã yêu cầu tống giam bạn vào tù,cho đến khi trả hết nợ.Nghe vậy, tôn chủ đã nổi giận và xử lý với hắn giống như hắn đã hành xử với người bạn kia.Ông yêu cầu tống giam hắn vào ngục,và đòi hắn phải trả hết số nợ lớn lao, mà lẽ ra đã được tha thứ vô điều kiện.
-Như vậy lý do Đức Giê-su đòi các môn đệ của Chúa phải tha thứ, không phải vì tội nhân đã biết nhận lỗi,cũng chẳng phải để người môn đệ lập thêm công đức, nhưng chỉ vì họ đã được Thiên Chúa tha cho món nợ khổng lồ,là tội lỗi đã phạm đến Người.           
+/ĐỂ DỄ THA THỨ CẦN CÓ ƠN CHÚA:Theo bản tính tự nhiên, mỗi người chúng ta thật khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn là sự tranh chấp và oán thù.Luật “mắt đền mắt, răng thế răng” tuy là một luật giúp trả báo công minh,nhưng lại là nguyên nhân khiến cho thế giới lâm vào tình trạng chiến tranh và hận thù liên miên.Chỉ khi con người biết tha thứ cho nhau thì họ mới có thể sống an bình và hạnh phúc thực sự.Khi tha thứ là ta sẵn sàng chịu thiệt thòi, là xác tín rằng cuối cùng Tình Thương sẽ chiến thắng hận thù.Ngọn lửa tình thương chắc chắc sẽ đánh tan băng giá.Nó sẽ làm cho quả tim chúng ta lại có thể rung động và xót thương kẻ bất hạnh, giống như Thiên Chúa.
+/PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TẬP THÀNH THÓI QUEN THA THỨ ?
- Trước hết,ta phải có lòng khiêm tốn:Một hôm gà con cứ theo bám riết lấy gà mẹ. Nó vừa khóc vừa kể cho mẹ nghe về nỗi uất ức mà nó đang phải chịu.Nó nói: “Mẹ ơi, tụi thỏ dám nhạo con rằng tai con chỉ bằng một góc tai của chúng”.Gà mẹ trả lời: “Con đừng để tâm đến những lời bọn thỏ nói làm chi, và hãy tha thứ cho chúng, con nhé!”.Gà con chưa chịu thua tiếp tục tố cáo: “Nhưng bọn cò lại bảo con rằng: con chỉ cao bằng một phần năm cẳng chân của chúng!”.Gà mẹ lại an ủi con: “Con ơi! Đừng chấp với chúng làm chi!”.Nghe mẹ nói thế, gà con uất ức khóc to lên và nói: “Mẹ! Lúc nào mẹ cũng nói là phải tha cho chúng,đừng thèm chấp với chúng.Còn con thì cứ phải chịu đựng bị bọn chúng cười nhạo chế diễu hoài! Tại sao vậy hả mẹ?”.Bấy giờ gà mẹ mới ôn tồn nói với gà con: “Tại vì bọn chúng nói đúng mà con!”. Gà con không chịu thua hỏi lại mẹ: “Sao lại đúng hả mẹ?”. Bấy giờ gà mẹ mới ôn tồn trả lời: “Tại vì đúng thật con cũng chỉ là một con gà mà thôi!”.
-Giống như chú gà con kia, chúng ta thường thấy bị xúc phạm và khó lòng tha thứ cho những kẻ dám cười nhạo khinh thường chúng ta, chỉ vì chúng ta không muốn chấp nhận sự thật hèn kém của mình.Lòng khiêm tốn là điều kiện giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và bỏ qua những lời nói hành nói xấu hay những lời chế nhạo của kẻ khác đối với chúng ta.
- Tiếp đến phải nhìn kẻ thù bằng một cái nhìn mới,quả tim mới,thay thế quả tim chai đá,giống như Đức Giê-su đã làm đối với những kẻ giết hại mình. Tuy nhiên, để làm được như thế,chúng ta cần làm theo mấy bước cụ thể sau:
+ Một là xin Chúa giúp cho ta biết noi gương Chúa làm,sống Lời Chúa dạy, nhất là về lòng khoan dung tha thứ.
+ Hai là nhớ lại Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và đòi chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho anh em mình.
+ Ba là đổi mới cách nhìn đối với kẻ thù ghét chúng ta: Hãy nhìn họ như người đang bị lầm đường lạc lối, để cầu xin Thiên Chúa tha tội cho họ, như Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm kh mình(Lc 23,34): “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

-Cũng nên đọc lại một vài câu của sách Huấn Ca/Giáo Huấn Thi Ca của bài đọc một để chúng ta liên hệ thực hành...Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN A 2017
Lời Chúa: Ed. 33, 7-9; Rm. 13, 8-10; Mt. 18, 15-20
Mt 18, 15-20: “…Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế."Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ."Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".Ðó là lời Chúa.
+/ Có Bà Coritanbul, người nước Ba lan gốc nước Do thái. Thời đệ nhị thế chiến, bà đã bị giam trong trại tập trung Đức quốc xã. Sau chiến tranh, may mắn bà vẫn còn sống. Bà đi khắp châu Âu kêu gọi lòng tha thứ cho Đức quốc xã, dù trên thân thể bà đầy những vết thương tàn tích do Đức quốc xã để lại. Một hôm, một người lính Đức, trước kia đã làm nhục bà, đang đứng trước mặt bà. Nhìn thấy người đã hành khổ mình trước đây, bà như chết lặng,và sự căm thù lại bùng lên. Lúc đó, bà thầm thì với Chúa rằng: "Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể thực sự tha thứ cho người hành khổ con. Xin ban cho con tâm tình của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa dạy...".
+/Từ đây ta liên hệ đến Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.
-Ed 33, 7-9,Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ bên cạnh đồng bào của mình trong cùng cảnh ngộ lưu đày như ông ở Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên). Ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em đồng hương mình.
-Rm 13, 8-10,Thánh Phaolô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái.Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh em đồng loại là Đức Ái Ki tô giáo
-Mt 18, 15-20,thánh Mátthêu trích dẫn những lời của Đức Giêsu, mời gọi các Kitô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải hư mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách,với sự tế nhị cần thiết. 
-Trong chương 18 nầy, thánh Mátthêu tập hợp những huấn lệnh mà Đức Giêsu đã ngỏ lời với Nhóm Mười Hai, cộng đồng đầu tiên của Giáo Hội Ngài, về đời sống huynh đệ trong lòng Giáo Hội. Chương 18 này có phần thứ hai bắt đầu với việc sửa lỗi cho anh em và kết thúc với dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương.Đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc phần thứ hai,ở đây Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ cách thức sửa lỗi cho nhau trong đức ái.
1. Sửa lỗi anh em: Việc Đức Giêsu mời gọi các môn đệ sửa lỗi cho nhau, và điều này đã được Luật Mô-sê đề cập đến như được ghi trong sách Lê-vi:Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.Câu trích dẫn nầy đặt liền sau huấn lệnh: Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.Như vậy, sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
-Theo truyền thống Do thái giáo,không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư.Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực hiện tập tục tốt đẹp nầy.Đức Giêsu phục hồi tập tục nầy trong tinh thần yêu thương.Ngài đề nghị ba giai đoạn trong việc sửa lỗi huynh đệ.
- Sửa lỗi anh em trong cuộc gặp gỡ riêng tư chỉ giữa hai người, không ai khác hay biết. Nếu lần đầu tiên không có kết quả, tiếp tục lần thứ hai với sự hiện của một hay hai người khôn ngoan, để kẻ sai lạc thấu tình đạt lý.Biện pháp nầy tránh cho tội nhân khỏi bị sỉ nhục ở nơi cộng đoàn.Nếu lần nầy cũng thất bại,lúc đó mới thưa với cộng đoàn.Nếu người anh em nầy không chịu nghe cộng đoàn,chỉ lúc đó người nầy mới có thể bị khai trừ,hay bị kể như một người dân ngoại,hay một người thu thuế,tức là một người ngoan cố, không có tinh thần phục thiện,mà người ta phải tránh giao tiếp.
-Với những lời khuyên sửa lỗi cho nhau theo ba giai đoạn như trên, chắc chắn Chúa Giêsu muốn dự phòng các môn đệ của Ngài về sau họcác cộng đoàn Kitô hữu,cũng để tránh tất cả mọi hình thức khai trừ một thành viên quá tàn nhẫn.Nhưng Ngài còn muốn hơn nữa chúng ta biết noi gương vị mục tử nhân lành ra đi tìm kiếm con chiên lạc.
-Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi những lời khuyên nầy theo liền ngay dụ ngôn “con chiên lạc”,nên Giáo Hội phải bày tỏ sự ân cần như thế đối với người lỗi phạm.
2. Viễn cảnh Giáo Hội: Đức Giêsu định vị bổn phận sửa lỗi anh em và những biện pháp kỷ luật mà cộng đoàn Kitô hữu áp dụng trong khung cảnh thiết lập Giáo Hội Ngài.Chính như vậy mà Ngài mở rộng năng quyền,mà trước đây Ngài đã trao phó cho thánh Phê-rô,bây giờ cho Tông Đồ Đoàn:“Tất cả những gì dưới đất anh em cầm buộc,trên trời cũng cầm buộc như vậy; tất cả những gì dưới đất anh em tháo cởi,trên trời cũng tháo cởi”.Và Ngài sẽ tái khẳng định năng quyền nầy cho họ sau khi Ngài phục sinh vinh hiển.
-Đức Giêsu thêm vào ở đây một lời hứa khác Ngài sẽ luôn luôn hiện diện ở giữa các tín hữu của Ngài khi họ họp nhau lại mà cầu nguyện,dù chỉ hai hay ba người đi nữa.Cha Ngài, Đấng ngự trên trời sẽ lắng nghe và đáp trả lời cầu xin của họ, bởi vì Đấng cầu bầu cho họ không ai khác ngoài Ngài.
-Khi đặt tính hiệu lực của lời cầu nguyện như thế vào trong văn mạch sửa lỗi cho anh em,chắc chắn Chúa Giêsu nhắm đến không chỉ việc tiến hành sửa lỗi cho anh em theo ba giai đoạn,nhưng còn phải cầu nguyện cho anh em lỗi phạm nữa,ngõ hầu nhờ ơn Chúa giúp mà anh em nhận ra và sửa lỗi,để cộng đoàn không phải mất bất cứ người anh em nào.Tấm lòng của vị mục tử nhân lành là không muốn bất cứ con chiên nào phải hư mất.
+/Ở đây xin nhấn mạnh thêm vài điều:
1,là việc Đi thưa Hội Thánh, tức là đi thưa với Hội Thánh địa phương, vì Hội Thánh đã được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi. Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử,nhưng để tỏ lòng sám hối,khách quan hóa tội phạm và sẽ được ân xá.Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sửa lỗi, thì kẻ ấy đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh, và từ đây không còn là thành viên của Hội Thánh nữa.
2, là Kể nó như một người ngoại.Nếu kẻ có tội cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh,thì sẽ được kể là dân ngoại hay người thu thuế,nghĩa là ở ngoài Hội Thánh,là người đang sống trong sự lầm lạc về đức tin và luân lý.Từ đây Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa,chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.
+/KTACE thân mến,Không ai trong chúng ta có thể sống cô độc lẻ loi một mình như một hải đảo giữa biển khơi, hay như một phái đài biệt lập,trái lại đời sống Ki tô hữu trong cộng đoàn là sống với sống cho.Và trong cuộc sống chung này chúng ta không thể nào tránh hết những va chạm, bực bội và buồn phiền, vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Hơn nữa, nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình.
-Bởi đó trước những sai lỗi của người khác,chúng ta hãy biết nhường nhịn và chịu đựng,biết quên đi và tha thứ,vì một sự nhịn là chín sự lành, nhờ đó, chúng ta sẽ tạo được một bầu khí hoà thuận cảm thông.
-Hơn nữa, chúng ta còn phải có can đảm nói cho nhau sự thật.Nghĩa là chúng ta còn phải chọn những giây phút thuận tiện,dùng những lời nói ôn tồn để nhắc bảo nhau, hầu nhờ đó giúp nhau thăng tiến bản thân,đổi mới cuộc đời. 
-Còn đối với những sai lỗi của bản thân,khi được người khác nhắc bảo,chúng ta hãy can đảm và khiêm tốn nhận lỗi,và xin lỗi nhau bởi vì chính những sai lỗi này làm cho người khác phải đau khổ và buồn phiền.
-Nếu những lời nhắc bảo là sai hiển nhiên/rõ ràng,ta sẵn sàng tha thứ.Còn nếu đúng thì ta hãy cố gắng uốn nắn sửa đổi,để nhờ đó đổi mới cuộc đời.Cũng bởi vì như ngạn ngữ nói rằng:Ai khen ta mà khen phải là bạn ta,còn ai chê ta mà chê phải, đó là thầy ta.Amen
Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên A2017
Lời Chúa: Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27
Mt 16,21-27: “…(21) Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (23) Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (24) Rồi Đức Giê-su nói với môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? (27) Vì con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm…”.
+/Câu chuyện THÁNH GIÁ CHÚA BAN HỢP VỚI KHẢ NĂNG MỖI NGƯỜI:Cây thánh giá mà chúng ta phải chấp nhận mang vác trong cuộc sống đều hợp với khả năng của mỗi người chúng ta. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây nói lên điều này:Có một người đàn ông kia tuy có đức tin vào Chúa nhưng lại hay than trách Chúa để mặc mình phải mang cây thánh giá quá sức chịu đựng là bà vợ luôn “lắm điều nhiều lời” của ông. Lúc nào bà vợ này cũng càm ràm chê trách ông chồng đủ điều. Vào một đêm kia, ông ta nằm mơ gặp một thiên thần hiện ra phán bảo: “Ta thấy con hay than thân trách phận vì phải mang vác thánh giá nặng nề vượt quá sức con. Vậy hôm nay con hãy theo ta vào trong nghĩa trang, nơi mà những người chết được chôn cất đều để lại cây thánh giá đời họ ngay trên phần mộ. Con hãy chọn một cây thánh giá khác phù hợp thay cho cây con đang phải mang”.Ông ta liền vui vẻ mang theo cây thánh giá theo thiên thần vào nghĩa trang cách chỗ ở không xa, hy vọng sẽ kiếm ra cây thánh giá khác nhẹ hơn. Đến nơi, ông ta lần lượt đi đến các phần mộ người chết để thử hết cây này đến cây khác nhưng mãi vẫn không tìm ra cây thánh giá ưng ý. Vì cây nào nhẹ thì lại dài quá khổ; cây vừa vặn thì lại xù xì gớm ghiếc; còn cây trơn tru láng đẹp thì lại quá nặng nề…Cuối cùng ông đành thưa với thiên thần: “Thưa ngài,Con tìm mãi mà chẳng thấy cây thánh giá nào hợp với con cả. Con xin chọn lại cây thánh giá con đã mang từ nhà ra đây”.Trên đường về nhà thiên thần đã nói với ông rằng: “Thiên Chúa luôn trao thánh giá cho mỗi người phù hợp với sức của họ và Người luôn ban ơn giúp họ vác thánh giá cuộc đời đến cùng”. Có điều lạ là từ ngày chấp nhận vác cây thánh giá là chịu đựng các thói hư của vợ, ông lại thấy bà không còn xấu tính khó ưa như trước. Nhờ đó cuộc sống chung giữa hai người hòa hợp hạnh phúc trở lại như hồi mới cưới.
-Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay ghi lại con đường Chúa Giê su sắp trải qua.Ngài cũng cho biết điều kiện để trở thành môn đệ của Người rằng:“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo”.
1) TỪ BỎ CHÍNH MÌNH:Muốn theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình,nghĩa là bỏ các trở lực bên ngoài như người thân,nghề nghiệp, nhà cửa, ruộng nương...Và cả những trở lực bên trong  như các thói hư, tội lỗi, lòng ham mê địa vị quyền hành,lòng tham lam của cải bất chính,thói xấu ích kỷ, thích phô trương thành tích để tìm tiếng khen nơi người đời.
- C 24-25: Ai tự nguyện làm môn đệ Đức Giê-su,sẵn sàng cộng tác vào công việc xây dựng Nước Trời với Người. Câu này chứng tỏ Đức Giê-su luôn tôn trọng tự do của con người. Từ bỏ chính mình ở câu 24 có nghĩa là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác. Tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình.
đi/bước/theo ở đây đồng nghĩa với “học với; làm môn đệ”. Động từ này không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ.
-Đức thánh Cha Phao-lô VI trong một buổi triều yết chung(ngày 11.03.1970) đã nói:“…Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất,và cũng có thể nói ít được ưa thích nhất trong đời sống công giáo là sự từ bỏ chính mình…”.Từ bỏ chính mình nghĩa là phải loại bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Thiên Chúa.Thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua ý của cha mẹ trong gia đình,thầy cô giáo ở nhà trường,luật pháp trong xã hội.Đặc biệt là gương sáng và lời dạy của Chúa Giê-su do các mục tử trong Hội thánh rao giảng. 
-Quan sát các nhà điêu khắc, ta thấy đầu tiên họ lựa ra một phiến đá ưng ý rồi chọn kiểu mẫu và sơ phác trên phiến đá.Sau đó họ kiên nhẫn đục đẽo,mài dũa cho tới khi hoàn thành một bức tượng mỹ thuật.Cũng tương tự thế, trong việc từ bỏ bản thân,chúng ta cần phải loại trừ lòng tham lam ích kỷ, thanh luyện thói hư và những gì rườm rà để tập trung lo việc nhà Chúa.
2) VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO CHÚA:Đây là khía cạnh tích cực của việc đi theo làm môn đệ của Chúa Giê-su. Ngoài việc từ bỏ chính mình, chúng ta còn phải chấp nhận chịu đau khổ là vác thánh giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.Vác thập giá mình mà theo cũng phải chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng, phải chịu đựng những nỗi vất vả và các cơn bách hại do thế gian và các thế lực thù địch với Thiên Chúa gây ra.Có hai loại đau khổ cần phải mang vác là thập giá và thánh giá:
-Thập giá là khổ hình người Roma dùng để trừng trị nô lệ hay lê dân phạm trọng tội chống lại đế quốc. Đức Giê-su đã bị quan Tổng trấn Rô-ma là Phi-la-tô lên án tử hình thập giá,do bị áp lực của người Do thái. Đức Giê-su đã biến khổ hình thập giá trở nên thánh giá để ban ơn cứu độ cho nhân loại.Người mời gọi các tín hữu chúng ta hãy vác cây thập giá của mình hằng ngày mà theo Người.
-Giáo lý Công Giáo dạy đau khổ là hậu quả của tội lỗi,bắt đầu là tội Tổ tông và các tội riêng của loài người.Chẳng hạn:Uống rượu nhiều sẽ gây ra ung thư gan.Chúng ta có thể bị chấn thương sọ não trong tai nạn giao thong,do tài xế ngủ gục đâm xe vào giải phân cách…Hoặc do chiến tranh đi đường bị trúng bom đạn hoặc do thiên tai như lũ lụt, lở đất, sóng thần.
-Tuy nhiên vấn đề nói đây là thái độ chúng ta phải có khi gặp đau khổ: Ta sẽ phải cố gắng can đảm chịu đựng phấn đấu vượt qua cơn đau khổ chứ không bao giờ than thân trách phận. 
3) VỮNG LÒNG CẬY TRÔNG PHÓ THÁC KHI GẶP ĐAU KHỔ:Người Ki tô hữu thực sự tin vào cuộc sống vĩnh hằng đời sau, thì sẽ sẵn sàng chấp nhận thua thiệt mất mát và ngay cả mất mạng sống ở đời này,vì tin rằng Chúa sẽ đoái thương bù đắp gấp bội là hạnh phúc Nước Trời đời sau.
-Thánh Phao-lô tông đồ (2 Cr 12,9-10)cũng chia sẻ kinh nghiệm chịu đau khổ như sau: “…Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuôi, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh…” .
-Các tông đồ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa nên đã được gấp trăm cả đời này lẫn đời sau.Các vị tử đạo đã từ bỏ sự sống ngắn ngủi, để được lại sự sống muôn đời.Thánh Teresa đã từ bỏ cả tuổi thanh xuân nương mình trong chốn viện tu, để được lại biết bao linh hồn nhờ lời cầu nguyện, hy sinh âm thầm.Augustino đã từ bỏ đời sống xa hoa trụy lạc,để được lại một vị thánh giám mục khôn ngoan thánh thiện lừng danh trong Giáo Hội.Maximilien Kolbe đã từ bỏ chính mạng sống mình,chết thay cho người bạn tù,để được lại chính Chúa là nguồn sự sống.
-Người Kitô hữu Theo Chúa là “phải từ bỏ chính mình”,Nên ta Phải suy nghĩ cho thật kỹ,phải cầu nguyện cho thật sốt sắng,thật lâu,để sáng suốt nhận định về “cái được”, “cái mất” cũng là để khỏi phải hối tiếc khi đã quá muộn.Cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình,từ bỏ cái tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ,để được ngay từ bây giờ niềm vui, an bình và hạnh phúc.Trên nỗi đau của từ bỏ chúng ta thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.Sự Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của thiên đàng.Amen


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN