CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18TN, LỄ CHÚA HIỂN DUNG NĂM A 2017&TN17A

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18TN, LỄ CHÚA HIỂN DUNG NĂM A 2017
Lời Chúa: Đn. 7, 9-10.13-14; 2Pr. 1, 16-19; Mt. 17, 1-9
Phúc Âm: Mt 17, 1-9: “...Khi ấy,Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại...".Ðó là lời Chúa.
+/Họa sĩ người Ý, Raphael (1483 – 1520), khi chết mới 37 tuổi, nhưng đã để lại một số lượng tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế. Một trong những tác phẩm danh tiếng của ông có tên là “Cuộc Biến Hình”. Trong tang lễ, bức tranh này đã được đặt trên đầu quan tài của ông. Bức tranh vẽ có hai phần. Phần trên, diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong sự sáng láng và vinh quang của Ngài,mặt Ngài chiếu sáng,áo Ngài trắng như tuyết. Bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài. Ở bên phải là Môsê, đại diện cho luật cũ, và bên trái là tiên tri Elia, đại diện cho các tiên tri của Cựu ước. Ở dưới chân của Chúa Giêsu là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong sự sửng sốt và kinh ngạc khi thấy vinh quang thiên quốc của Ngài...
-Bài Tin Mừng “Biến đổi hình dạng ở trên núi” hôm nay nằm giữa hai lần Đức Giêsu báo trước Thương Khó – Phục Sinh.Chúng ta vẫn quen gọi là “Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giêsu đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy”.
-Có lẽ nói ngắn quá nên các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mátthêu cuối thế kỷ I, và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh.Vì thế, trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng hôm nay, nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giêsu và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giêsu là ai và chúng ta phải làm gì.Ta Có thể tìm hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay qua ba mục:
1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt.3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.Nhưng thời gian chỉ cho phép ta điểm qua hai trong ba mục nói trên đây là phần 2/Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt,và phần 3/Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.
-Trước hết, Đức Giêsu không tự mình biến đổi hình dạng mà “Người được biến đổi hình dạng”.Động từ Hy Lạp này ở dạng thụ động và tác nhân được hiểu là Thiên Chúa.Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu được biến đổi hình dạng.Sự biến đổi này không chỉ là biến đổi khuôn mặt. Tiếng Pháp quen dùng động từ transfigurer có nghĩa là thay đổi (trans) khuôn mặt (figure).Từ figure có nghĩa đầu tiên là mặt. Tiếng Việt có thể dùng cụm từ “biến đổi hình dạng”.
-Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ. Nghĩa là ba môn đệ được chứng kiến sự kiện,nhưng họ đã thấy gì? Tin Mừng/Người thuật chuyện kể: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.”.
-Nếu dung nhan Đức Giêsu chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt.Nếu y phục của Đức Giêsu trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.
-Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa,đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa,đối diện với vinh quang của Thiên Chúa,nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực.Ngôn ngữ loài người không mô tả được,chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người.Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”...còn điều trông thấy thì không thể mô tả được.
-Có thể nói,trên núi cao, giữa trời và đất,ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giêsu trong thế giới của Thiên Chúa,chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giêsu không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng,chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.
-Trong thế giới thần linh ấy,các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau.Theo Kinh Thánh, Môsê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Êlia là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giêsu thế kỷ I SCN.
-Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật.Cho nên,Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa.
-Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo, nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.Lời thánh Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”.
-Lời đề nghị này vừa cho thấy các môn đệ muốn kéo dài thị kiến,vì biến cố quá hay,quá tốt,quá đẹp,vừa có nét hài hước,vì Phêrô đề nghị làm ba lều cho Đức Giêsu,Môsê và Êlia,như thể những nhân vật đã khuất như Môsê và Êlia không thuộc về thế giới này,lại cần lều để ở,còn ba môn đệ là người phàm lại không cần lều.
3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người,cụ thể là thánh Phêrô,và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai là:“Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta,Ta hài lòng về Người.Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”
-Từ kinh nghiệm thị kiến,thấy bằng mắt,chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra.Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”.Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người,tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.
-Trong trình thuật biến hình,có cả hai cách mặc khải, nhằm giúp ba môn đệ và độc giả hiểu được Đức Giêsu là ai.Lời phát ra từ đám mây gồm một lời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta”,và một mệnh lệnh:“Các người hãy nghe Người.”.Nghe lời Đức Giêsu là nghe tất cả những gì Người nói và dạy. Đặc biệt đón nhận lời loan báo Thương Khó và Phục Sinh đã được loan báo trước đó.
-Như thế, biến cố trên núi cao không phải là một biến cố tách rời khỏi các trình thuật khác.Ngược lại,lời mời gọi “nghe lời Đức Giêsu”, nối kết biến cố trên núi cao với toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu trong sách Tin Mừng.
-Khi Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”.Và Chính Đức Giêsu đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế.Nhưng biến cố ấy,những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông.
+/Kết luận,Trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trên núi cao và lời phát ra từ đám mây là những tia sáng mạnh mẽ như ánh sáng mặt trời,có khả năng soi sáng cho cuộc đời của độc giả mọi nơi mọi thời đang bước đi trong đêm tối, đang sống trong khó khăn thử thách của cuộc sống, đang nghi ngờ về căn tính của Đức Giêsu và chưa biết rõ Người là ai.
-Qua việc Mừng Kính Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung hôm nay,Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và sống ý nghĩa của sự cần thiết ‘Hiển dung’ và ‘biến đổi’ cuộc sống hàng ngày của chúng ta.Nghĩa là,Chúa thách đố chúng ta ‘biến hình’ để rồi được ‘hiển dung’ với Chúa trên Núi Thánh.
-Như một cây cảnh hay cây ăn trái chúng ta trồng chẳng hạn.Để cây có thể lớn lên,lớn lên hơn nữa, cây đó cũng phải ‘thay hình’ và ‘đổi dạng’. Phải đau đớn nứt nẻ thân cây,và ngay cả ‘lột xác’, bỏ rơi lại dưới đất những vỏ cây khô.Có như thế, cây mới cao lớn lên cao mãi được.

-Cuộc đời người Ki tô hữu chúng ta cũng vậy,muốn lớn lên mãi trong tình nghĩa tử làm con cái của Chúa,chúng ta cũng phải như thân cây.Phải can đảm hy sinh,chấp nhận mọi đớn đau trong sự ‘biến hình’ và “đổi dạng”,trút bỏ lại những cằn cỗi, già nua của những vỏ cây,là hiện thân của những tham sân si, ghen ghét, hận thù,bất công,vu oan,cáo vạ.Cũng phải trút bỏ xuống khỏi đôi vai,thân xác và ra khỏi lòng chúng ta những cồng kềnh,lỉnh kỉnh của mọi điều gian trá bất nhân,để có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM A2017
Lời Chúa: 1V. 3, 5.7-12; Rm. 8, 28-30; Mt. 13, 44-52
Mt. 13, 44-52: “...Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: 44 "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.45 Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.47 Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Ðến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu." 52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."."Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại,rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy...".
+/Vào thế kỷ thứ 18, vua Charles IV nước Tây Ban Nha đã đoán trước sự xâm lược của hoàng đế Napoleon, nên quyết định đem dấu toàn bộ sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ và những ngọc thạch trang sức quí giá trên chiếc vương miện của chánh thể quân chủ Tây Ban Nha. Nhà vua đã yêu cầu một người đầy tớ trung tín chôn giấu bộ sưu tầm đồng hồ vào một vách tường của một căn phòng trong 365 căn phòng nơi triều đình.Nhà vua cũng đã ra lệnh cho ông chôn cất kho tàng ngọc thạch trong một bức tường khác. Người đầy tớ khôn ngoan và trung tín đã cẩn thận đánh dấu căn phòng chôn giấu kho tàng bằng cách cắt một miếng vải nhỏ trên bức màn của mỗi căn phòng chứa kho tàng, để khi chánh thể quân chủ Tây Ban Nha nắm chính quyền trở lại, họ có thể tìm thấy dễ dàng.Năm 1814, vua Ferdinand VII, con của vua Charles IV, lên ngôi phục quyền cho nền quân chủ. Dĩ nhiên là ông muốn tìm lại kho tàng của mình, nhưng có một vấn đề. Ông vua bù nhìn mà hoàng đế Napoleon đã đặt lên cai trị hoàng cung Tây Ban Nha trong thời gian ngoại xâm lại rất thích việc trang trí nội cung. Ông đã thay đổi toàn bộ tất cả những bức màn trong mỗi căn phòng! Do đó vua Ferdinand phải đối diện với một sự chọn lựa hoặc là phải gỡ tất cả gạch trên mỗi bức tường xuống, hay là để y như vậy. Nhà vua đã chịu mất kho tàng và để y như vậy. Mọi người đã nghĩ rằng đây chỉ là một câu chuyện hoang đường của người Âu Châu, cho đến thời gian gần đây, khi người thợ phải sửa lại những ống dẫn nước trong một căn phòng của hoàng cung, đã khám phá ra bộ sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ. Có lẽ, một ngày nào, sẽ có người lại tìm thấy một kho tàng khác gồm những đồ trang sức bằng ngọc thạch trên vương miện còn đang bị mất ở hoàng cung trong một căn phòng nào đó.
+/Trong cuốn tiểu thuyết The Pearl, John Steinbeck đã viết lại nội dung của dụ ngôn viên ngọc quý qua câu chuyện kể về cuộc đời của Kino, một người Mễ Tây Cơ nghèo khổ làm nghề thợ lặn kiếm tìm ngọc trai dưới biển để nuôi vợ con sống qua ngày.Rồi bỗng một ngày anh tìm được viên ngọc
sáng ngời tên là “Viên ngọc của thế giới”. Thoạt tiên, anh rất phấn khởi, nhưng sau đó anh bị bao vây bởi những kẻ buôn bán ngọc trai bất lương, và những người hàng xóm ghen tức.Ngay cả đến bác sĩ cũng đòi trao đổi việc chữa trị cho đứa con của anh bị bọ cạp cắn để chiếm lấy viên ngọc. Sau hàng loạt những tai ương xảy ra, Kino đã ra biển và ném viên ngọc quý giá trở về đáy biển.
-Có những điều đắt giá tới độ phải trả bằng giá máu của cuộc sống.Bài Phúc Âm hôm nay,Chúa Giêsu đã đưa ra một loạt những dụ ngôn từ đời sống cụ thể để minh họa cho ý nghĩa và hình ảnh của nước trời. Tôi muốn tập trung vào ý nghĩa của hai dụ ngôn, kho tàng chôn giấu trong ruộng và viên ngọc quý.Vì hai dụ ngôn này cho chúng ta một sự trái ngược hữu ích,lại được xếp đặt kề bên nhau.Sự trái ngược đó là anh nông dân đã tình cờ bắt gặp kho tàng trong công việc cày bừa; còn người buôn ngọc trai phải vất vả đi tìm ngọc quý qua tiền bạc bỏ ra và kinh nghiệm của tay nghề.
-Palestine là vùng đất giao thông. Không ai thực sự muốn có đất trừ khi miếng đất đó là một phương tiện để di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác,và nó thường bị tranh giành qua lại.
Vào những thế kỷ trước Chúa Giêsu, cuộc sống rất bất ổn và mong manh.Không có ngân hàng để cất giữ của cải. Chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ… hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất cuộc sống. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất,hy vọng rằng một ngày nào sẽ trở lại, nhưng nhiều người đã ra đi vĩnh viễn.Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.
-Sau khi dùng những dụ ngôn nói về Nước Trời,Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu điều gì?
1. Chúa Giêsu nói về kho tàng và viên ngọc mà người cày ruộng và buôn ngọc dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy nó. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng,dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó.
-Điều gì là giá trị nhất mang lại nguồn vui trong cuộc sống của chúng ta?, Nếu phải vứt bỏ tất cả mọi sự trên đời, cái gì khó nhất cho ta phải khước từ:gia đình,sức khỏe,nghề nghiệp,hay của cải? Cái mà ta không thể sống mà
không có,sẽ rất khác nhau đối với từng người,và sự chọn lựa cái giá trị tối thượng của người này có khi xem ra lại rất phi lý đối với người khác!
2. Đức tin là món quà được ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng cũng có thể là kết quả của sự kiếm tìm thao thức lâu dài của con người.Có người may mắn giống như anh nông dân cày ruộng,họ tìm thấy và đón nhận đức tin một cách dễ dàng ngay trong những biến cố hằng ngày của cuộc sống.Có người lại giống như anh buôn ngọc,phải vất vả, lao nhọc,và trăn trở cả đời trên cuộc hành trình trí thức và tinh thần mới gặp gỡ được đức tin.Lại có người đã được mời gọi đến với đức tin rồi,nhưng những thiệt thòi,khó khăn và thử thách do chính đức tin gây ra lại làm họ bị mất đức tin!
3. Sau khi đã nhận ra kho tàng,cả anh thợ cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì là quan trọng,họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định.Vậy,Là một Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu luôn kêu gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: “Vì thế,anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì,hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia,Người sẽ thêm cho.
-Sách Giáo lý Công giáo cũng đã khuyên dạy chúng ta rằng: Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài,nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài.Qua các dụ ngôn này,Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được Nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi”.
-Lời nói của Chúa rõ ràng khiến người ta liên tưởng đến thái độ khôn ngoan mà Chúa đã đề cập đến ở một nơi khác.
-Người nông dân và người lái buôn trong hai dụ ngôn vắn hôm nay rõ rệt là hai người khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa. Đây là thái độ khôn ngoan của người công dân nước trời. Nó khác với thái độ khôn ngoan có tính cánh thế trần như sự khôn ngoan của Salomon mà bài sách thánh thứ nhất hôm nay thuật lại.
-Salomon xin Chúa cho ông được khôn ngoan, nhưng ông chỉ khoanh vùng sự khôn ngoan trong cách cai trị dân.Ông xin và Chúa đã cho ông điều
đó.Về phương diện trần thế thì phải nói là Salomon đã thành công tuyệt vời, nhưng về đời sống đạo đức thì Salomon đã hoàn toàn thất bại.Ông đã quá nhu nhược để cho ảnh hưởng ngoại giáo du nhập tràn lan vào quê hương làm băng hoại nhiều giá trị tốt đẹp của tôn giáo độc thần và đối với đời sống cá nhân của ông, ông cũng đã phạm nhiều sai lầm để rồi sau khi ông chết đi tất cả những công trình của ông cũng bị tiêu tan.
-Trong hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí, Chúa cho chúng ta thấy người nông dân và người lái buôn sau khi đã biết được giá trị của kho báu và viên ngọc quí thì sẵn sàng bán tất cả những gì mình có để sở hữu cho bằng được kho tàng và viên ngọc quí đó.Người buôn ngọc chắc phải bán nhiều hơn người nông dân, nhưng cả hai đều phải bán tất cả.Bán tất cả để mua kho báu và viên ngọc quí,đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây.
-Nếu giả sử như bây giờ Chúa đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải bán tất cả để mua lấy Nước Trời thì thử hỏi ta sẽ có thái độ như thế nào?
-Liệu chúng ta có thể có được thái độ thanh thản như hai người trong bài dụ ngôn, hay là chúng ta khó chịu như anh chàng thanh niên giầu có khi Chúa đòi hỏi anh ta phải bán tất cả những gì anh có, chia cho người nghèo khó, sau đó đến mà theo Chúa.
-Anh thanh niên giầu có đó đã không dám làm,Tại sao thế? Tại vì anh ấy chưa thấy được việc theo Chúa, việc gắn bó với Chúa là một giá trị trên mọi giá trị.Anh ta chưa thấy được Chúa là nguồn mạch sự sống, là sự sống đời đời mà anh đang khao khát tìm kiếm.Và chính vì thế mà anh không dám từ bỏ sự vững chãi của hiện tại để đi theo Chúa Giê su...Amen


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN