CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16&15 THƯỜNG NIÊN NĂM A 2017

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM A 2017
Lời Chúa: Kn. 12, 13.16-19; Rm. 8, 26-27; Mt. 13, 24-43
Mt. 13, 24-43: “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".}Ðó là lời Chúa.

+/ Ở Scotland, nghề canh nông đã được hiện đại hoá với kỹ thuật máy móc tối tân, nhưng còn một công việc cần phải được làm cẩn thận bởi bàn tay con người. Vài ngày trước khi mùa thu hoạch lúa mạch, một số đông dân chúng đi bộ băng qua cánh đồng lúa để nhổ những cây lúa dại. Lúa mạch là nguồn nông sản chính yếu cung cấp lương thực cho người dân Scotland. Một món ăn thông dụng được ưa thích khắp nơi trong nước làm từ lúa mạch là món cháo đặc, một món ăn điểm tâm vừa dễ nấu, vừa bổ dưỡng lành mạnh, không gây gia tăng chất béo, cholesterol, trong động mạch. Do đó mùa gặt lúa mạch là một sinh hoạt rất quan trọng.Điều rất đơn giản mà những người nông dân phải làm là nhổ những cây lúa mạch dại ra khỏi ruộng lúa trước khi thu hoạch. Nếu để những cây lúa dại này trong lúc gặt, những hạt giống của nó sẽ rớt xuống và mọc lên tràn ngập cánh đồng trong mùa sắp tới. Sự khác biệt giữa lúa dại và lúa mạch thật rất tinh tế.Điều lạ lùng là cây lúa dại thường lớn hơn và khoẻ mạnh hơn lúa thật.Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy rằng nhánh và hạt lúa dại dài hơn, nhưng lại lép. Điều này giúp ta hiểu tại sao những người nông dân phải chờ đợi cho đến khi mùa thu hoạch đến mới nhổ những cây lúa dại, vì chỉ khi đó mới phân biệt được rõ ràng.
+/Một nhà hiền triết dẫn các học trò đến trên bãi cỏ hoang và hỏi các học trò: Làm thế nào để diệt trừ hết cỏ hoang này?
Một học trò thưa: “Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!”Nhà hiền triết khẽ gật đầu. Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: “Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!”Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi tiếp một học trò khác. Người học trò thứ ba nói: “Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ này ạ!”. Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”. Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết mới bình thản nói: “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đó. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt”.Đây là một câu chuyện thật ý nghĩa. Muốn trở nên người tốt thì không phải chỉ bỏ tật xấu mà quan yếu là phải tập những thói quen tốt mới có thể giảm dần tính xấu.
+/Trong bài Phúc âm hôm nay,Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của nghề nông để diễn tả về thế giới, Giáo Hội, Nước Trời hay Vương quốc Thiên Chúa, qua dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải, và dụ ngôn men trong bột.
-Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua dụ ngôn cỏ lùngThái độ của con người (biểu nhiên nơi các đầy tớ) là bất nhẫn trước kẻ xấu và muốn diệt trừ.Thái độ của Thiên Chúa (chủ ruộng) là kiên nhẫn chờ cho đến thời gian phán xét (mùa gặt) mới ra tay.
- Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men vừa cho thấy sức phát triển rất mạnh của Nước Trời, vừa nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa : Ngài không nóng vội, nhưng kiên nhẫn chờ cho hạt cải thành cây to và nắm men làm dậy cả thúng bột.
+/Trong Tông Huấn Tông Huấn Tình Yêu Gia Đình của ĐGH Fx,và cũng như phần chú giải về dụ ngôn men trong bột,William Barclay đã nói lên cái thành quả của men Kitô giáo trong việc biến đổi thế giới trần gian này như sau:
1. Kitô giáo đã biến đổi đời sống các cá nhân. Trong 1Cr 6, 9-10 thánh Phaolô đã nói: Trước kia, có vài người trong anh
em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính.Sự biến đổi của Kitô giáo bắt đầu từ đời
sống cá nhân,vì qua Chúa Kitô, nạn nhân của cám dỗ có thể trở thành người chiến thắng/vị đại thánh.
2. Kitô giáo đã biến đổi đời sống của giới phụ nữ.Lời cầu nguyện của một người đàn ông Do Thái vào ban sáng là tạ ơn Thiên Chúa vì đã không tạo dựng nên ông là một người ngoại đạo,một nô lệ hay một người phụ nữ! Trong văn hóa Hy Lạp,người phụ nữ phải sống ẩn dật,và làm việc nội trợ.Trong những vùng đất ở phương đông, nhất là một gia đình du mục,người cha được ngồi trên lưng lừa,người mẹ phải đi bộ,và có thể còn phải mang vác một gánh nặng. Lịch sử chứng tỏ rằng Kitô giáo đã biến đổi thân phận và đời sống của giới phụ nữ.
3. Kitô giáo đã biến đổi đời sống của người yếu đuối và bệnh nhân.Trong cuộc sống khi chưa văn minh,họ bị coi là một mối phiền muộn.Ở thời điểm đó,một trẻ thơ khi vừa sinh ra,phải đem nộp để khám xét; nếu khoẻ mạnh,nó được phép sống; nếu yếu đuối hay dị dạng,sẽ bị phơi nắng cho đến chết ở bên sườn núi.Kitô giáo soi sáng đức tin đầu tiên,để giúp nhân loại chú ý và thánh hóa những sự đau khổ của cuộc sống.
4. Kitô giáo đã biến đổi đời sống cho người già.Giống như người yếu,người già là một sự quấy rầy.Người già, sau thời gian làm việc đã hoàn tất,không còn thích hợp với bất cứ điều gì.Hoặc là bị loại trừ ra trên đống rác của cuộc sống.Kitô giáo là đức tin đầu tiên coi con người như là những ngôi vị, chứ không phải là những dụng cụ có khả năng làm việc càng nhiều càng tốt.
5. Kitô giáo biến đổi đời sống cho trẻ thơ.Trong thời Chúa Giêsu những vụ ly dị xảy ra lan tràn.Con cái là mối phiền muộn;và theo thói quen thường xảy ra là cứ để mặc cho trẻ em chết một cách bi thảm.Trong thời xa xưa trẻ em có nhiều dịp để chết trước khi bắt
đầu sống.Chỉ một nhóm nhỏ những người Kitô giáo đã làm thay đổi tất cả vấn đề này.
+/Tóm lại,Lời Chúa nói trong các dụ ngôn cỏ lùng,Dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột không bao giờ sai.
-Ảnh hưởng của Kitô giáo được chứng minh bằng sức mạnh mang tính chất giống như men trong bột của một số nhỏ những người theo Chúa Kitô.Sách Công vụ Tông đồ đã ghi rằng khi Kitô giáo đến Thessalonica,những người Do Thái phải kêu la lên rằng:"Những người đã làm điên đảo thế giới,nay đã có mặt ở đây".
-Chính Giáo Hội và thế giới là một cánh đồng,trong đó những hột giống và những cỏ lùng,những kẻ tốt và những người xấu,đều mọc lên chung,là một nơi có chỗ để mọc,để được cải thiện và hơn hết để bắt chước gương nhẫn nại của Chúa.(Th. Augustine) nói:"Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại".
-Bài đọc thứ nhất Lời Chúa hôm nay,trích từ Sách Khôn Ngoan,cũng nói về sự nhẫn nại của Chúa,với thánh thi ca ngợi sức mạnh của Chúa rằng:"…Nhưng dầu Chúa là chủ tể sức mạnh,Chúa xét xử nhân hậu, và Chúa cai trị chúng con với nhiều khoan dung...Và Chúa đã dạy dân Chúa, bằng những việc làm này,là những kẻ công chính phải ở hiền lành,và Chúa ban cho con cái Chúa điều kiện tốt để hy vọng Chúa cho phép sám hối vì ti lỗi của họ…".

-Thiên Chúa khoan dung, độ lượng không phải để dung túng cho các tội nhân, nhưng là để cho họ thời gian thức tỉnh mà quay trở về.Chúa đã bao dung nhẫn nại với chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại thiếu nhân hậu khoan dung với tha nhân,nhân?Nhất là với kẻ tội lỗi…?-Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A 2017
Lời Chúa: Is. 55, 10-11; Rm. 8, 18-23; Mt. 13, 1-23
Mt 13, 1-23: “...Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe."Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi...".Ðó là lời Chúa.
+/Jerry Anderson khi còn trẻ rất thích đi săn vịt, và qua hình ảnh của những con vịt đi kiếm mồi, ông đã diễn tả đời sống của các Kitô hữu như sau: Vào mùa thu, khi gió lạnh từ hướng bắc thổi về, ông lấy những con vịt mồi bằng gỗ ra, lau chùi sạch sẽ, và móc những cái mỏ neo mới vào những con vịt mồi này. Khi mùa săn vịt đến, ông đã sẵn sàng. Theo ông Anderson hiện nay, những con vịt trời là những con vịt hoang sống ở các đầm lầy. Chúng bơi lội xung quanh chỗ nước cạn và kiếm ăn ngay trên những đám cỏ mọc lên ở đầm lầy. Chúng chỉ ăn những lương thực kiếm được trên mặt nước mà thôi. Dù vậy, thỉnh thoảng, ông cũng đã nhìn thấy những con vịt lặn lỏn vào trong những con vịt mồi. Chúng lặn sâu xuống đáy ao để tìm mồi, kiếm ăn trên những thảo mộc, rong rêu mọc lên từ dưới đáy hồ.
-Ngày nay, trong những cách thức nào đó, Anderson nói, những người Kitô hữu giống như những con vịt đó. Một số là những con vịt cạn ở đầm lầy, thỏa mãn với phần lương thực họ kiếm được trong những chỗ cạn của đời sống Kitô hữu. Những người khác là những con vịt lặn. Họ lặn rất sâu vào trong Lời Chúa qua sự học hỏi nghiên cứu Thánh Kinh, suy niệm, và tham gia vào trong đời sống và công việc mục vụ của Giáo Hội. Lời Chúa phát sinh hoa trái phong phú trong đời sống của họ.
+/Benjamin Franklin là một vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ. Ngày kia, ông nhn được món quà, đó là một cái chổi từ Ấn Độ.Ông nhìn thấy mấy hạt giống còn dính vào cái chổi, và thế là ông bứt ra và đem gieo những hạt giống ấy.Sau lần thu hoạch đầu tiên, ông đem phân phát tất cả những hạt giống mình có cho bà con lối xóm. Và v thu hoạch của họ cũng thành công tốt đẹp. Bằng cách này, ông trở nên người đầu tiên đưa rơm vào Hoa Kỳ, và khởi đầu cho kỹ nghệ sản xuất chổi.
-Từ các câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Chúa Giêsu ban cho chúng ta những chân lý của Người, đó là như những hạt giống chúng ta cần phải gieo trồng trong tâm trí chúng ta và trong tâm trí những người khác nữa.Những hạt giống này,Người ban cho chúng ta qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua những bài giảng huấn của linh mục quản xứ.
-Khi dùng Dụ ngôn là một câu chuyện được sáng tạo để qua đó dạy một bài học,thì Trong dụ ngôn "Người Gieo Giống" này, Ðức Giêsu dạy ta phải biết mở lòng đón nhận sứ điệp Chúa gởi tới với tinh thần tự do và có trách nhiệm. Ðiều này đặt ta trước một chọn lựa.Ðức Giêsu đưa ra bốn loại người tiêu biểu sau đây:
-Loại người thứ nhất:Nghe Lời Chúa nhưng không hiểu, và quỉ dữ đến tước đoạt mất tất cả.Người ta không hiểu vì chỉ nghe bằng đôi tai, bằng đầu óc, chứ không bằng con tim. Ðây là loại người không dám chấp nhận sứ điệp của Thiên Chúa và sợ không dám hoán cải.Vì lẽ thường, con người chỉ ưng nghe những gì họ muốn nghe và sẽ quên đi tất cả những gì họ muốn quên.Như thế, Lời Chúa không có tác động gì đến cuộc đời họ. Lời không ở trong tim họ.
-Loại người thứ hai là loại người nghe và tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu,khi bách hại xảy đến là mất tất cả.Ðây là loại người hời hợt, tuy họ có thành tâm thiện chí, nhưng như "lửa rơm" sẽ tắt ngúm khi thời thế đổi thay, Lời được nghe tai này, lọt qua tai khác và mất đi.
-Loại người thứ ba là loại người nghe Lời, nhưng những lo lắng việc đời làm chết ngạt Lời. Họ bận bịu quá, lo toan quá. Mọi việc thờ phượng Thiên Chúa chỉ là bổn phận theo luật.Ði lễ thì đứng ngoài nhà thờ, mong cho chóng xong để "bận bịu" tiếp.Họ là loại người mà Thiên Chúa không có vị trí trung tâm trong gia đình và đời sống nghề nghiệp của họ.Lời không giải quyết gì trong đời sống họ.
-Loại người thứ tư là loại người sẵn sàng nghe và đón nhận Lời Chúa. Lời đến với họ và thấm sâu vào lòng. Lời nảy sinh hoa trái bằng một đời sống tin yêu, tự do, có trách nhiệm.Với loại người này,Lời là nguồn sức sống và mang lại hạnh phúc, vì Thiên Chúa là Ðấng Cứu độ họ.
-Họ Như lời tiên báo của ngôn sứ được ứng nghiệm trong Bài Ðọc I hôm nay: Is 55, 10-11,Trích sách Tiên tri Isaia: “...Ðây Chúa phán: Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta,và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác...".
-Dĩ nhiên chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang giảng bằng dụ ngôn, và chân lý tôn giáo được núp sau hình ảnh của dụ ngôn đó. Điều này thực sự muốn nói là kết quả của lời Chúa. Lời ấy có khả năng phát triển và sinh hoa kết trái cách phi thường trong lòng người.
-Chính thánh Marcô đã cắt nghĩa dụ ngôn này một cách vắn tắt: Người gieo giống là chính Thiên Chúa và hạt giống là Tin Mừng, hay nói một cách khác, chính Chúa Giêsu là người gieo giống và hạt giống là những lời Ngài giảng dạy,còn tâm hồn chúng ta là những thửa đất.
-Thế thì những thửa đất ấy giờ đây như thế nào?
-Lời Chúa được gieo nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên vệ đường,rơi giữa bụi gai hay ở trên sỏi đá. Nhưng lời đó phải được thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta để rồi sinh hoa kết trái một cách tốt đẹp. Lời Chúa luôn có một sức sống làm nẩy sinh hoa trái, nhưng lời ấy có thực sự đem lại kết quả tốt cho tâm hồn chúng ta hay không, thì còn tuỳ thái độ đón nhận và cộng tác của chúng ta đối với lời Chúa.
+/Nói tóm lại, để trở nên đất tốt, Giáo Hội khuyên chúng ta hãy sống xứng đáng với đời sống Kitô hữu bằng việc tuân giữ:Mười điều răn của Chúa,sáu điều răn của Hội Thánh, Bài giảng trên núi và giáo lý của các tông đồ truyền lại, được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần,thì chúng ta sẽ sinh hoa trái trong Giáo Hội, cho danh Thiên Chúa sáng ngời hơn.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!