Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 3&2 Mùa Chay Năm A 2017

Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A 2017
Lời Chúa:(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
Ga 4, 5-42: “…Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?".Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói "tôi không có chồng" là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm". Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
+/Chuyện minh họa.Ngày xửa ngày xưa có một người ăn mày ngồi bên vệ đường để ăn xin, bên cạnh ông là một túi vải đựng vỏn vẹn vài hạt lúa. Bỗng ông thấy chiếc xe chở Nhà Vua đang đi tới. Ông mừng lắm, tự nhủ rằng thế nào Nhà Vua cũng bố thí nhiều tiền cho ông. Ông chạy ra đón đường và nói:- Muôn tâu bệ hạ, xin dủ lòng thương xót bố thí cho kẻ thần dân nghèo khổ này một ít tiền để sống qua ngày.Nhà vua xuống xe, đến gần người ăn mày,và nói một câu khiến ông hết sức ngạc nhiên và thất vọng rằng:-Ông có thể dâng cho hoàng thượng của ông một món quà gì không?.Không cách nào từ chối được, người ăn mày lục lọi trong túi vải một hạt lúa nhỏ nhất đưa cho nhà vua.Khi nhà vua đi rồi, người ăn mày tiếc rẻ mở túi vải ra đếm lại số hạt lúa của mình. Lạ thay, thay vào chỗ hạt lúa đã cho đi là một hạt vàng sáng lóng lánh,cũng bằng y hạt lúa ấy.Lúc đó người ăn mày vô cùng tiếc rẻ lẩm bẩm rằng: phải chi mình cho hết những hạt lúa đi thì bây giờ mình đã có một túi đầy những hạt vàng!.
-Ý nghĩa chuyện này là:người xin trở thành người cho, và người cho trở thành người nhận,như Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria vậy.
- Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) này cho biết Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao.Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà.Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái.Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát.
-Chỉ sau khi gặp được Đức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa, thì nàng mới hết khát.Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực.
-Đức Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước,sau đó ngài tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh: "Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa.Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời".
-Quả là đúng như Thánh vịnh 42 nói rằng:"...Như nai rừng mong mỏi Tìm về suối nước trong,Hồn con cũng trông mong,Tìm đến Ngài, lạy Chúa...".
-Qua lời trong Tin Mừng hôm nay,Đức Giêsu cũng cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện, mà là Đấng muốn ở tận trong con người chúng ta/lương tâm,để làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống muôn đời.Ai tin vào Ngài và trông cậy nơi Ngài, thì có Ngài ở trong người ấy,ngừơi ấy sẽ có một sức sống phong phú,chẳng những cho chính bản thân mà còn cho người khác nữa.
+/Ý tưởng về đức thờ phượng Chúa cũng được đề cập đến qua Tin Mừng hôm nay.Những người Samaria có đền thờ của mình tại núi Sichem.Trong khi đó những người Do Thái khác(như Galile và Giudea) lại khẳng định đền thờ của họ là tại Giêrusalem.Và Người phụ nữ Samari muốn nhờ Chúa Giêsu đứng ra làm trọng tài giải quyết vấn đề tranh chấp này giữa Người Samaria với người Do Thái.
-Thế nhưng,Chúa Giêsu đã nhân dịp này,mạc khải cho nàng biết là phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý, bằng cách nhận biết Thiên Chúa là Cha.Chính sự thờ phượng Thiên Chúa là Cha và việc đặt mình vào trong mối quan hệ cha con với Thiên Chúa, mới là việc thờ phượng mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.
-Chúa Giê su cũng đã dẫn dắt chị đi từ ý niệm cụ thể vật chất đến siêu nhiên.Từ việc chính Chúa khát nước, xin nước giữa trưa hè nắng,đến một sự khát bỏng của tâm hồn khô cạn ơn thánh.Người thiếu phụ này hằng khao khát hạnh phúc, và chị đã tìm sự thoả mãn trong lạc thú, với nhiều người đàn ông một lúc,thế nhưng vẫn không thoả mãn cơn khát trong lòng chị.
+/Nước Chúa ban là nước trường sinh.Nước này không có cặn bã của tham lam bất chính, của dục vọng đen tối, của đam mê lầm lạc.Nguồn nước ân thánh tinh khiết có khả năng chữa lành các thương tích của tâm hồn, và làm hồi sinh những tâm hồn đang chết trong đam mê tội lỗi.
-Chị ta là người may mắn đầu tiên được lãnh nhận nguồn nước ân thánh đó.Thế là tâm hồn chị được tha thứ, được rửa sạch và đã khát.Chị chẳng cần đến giếng Giacob uống nước nữa, chị chạy vào thành báo tin cho dân làng biết có thứ nước hằng sống, nước trường sinh mà mọi người đang khao khát, đó là Đấng Ky tô, là Thiên Chúa cứu độ, là Đấng Messia họ đang mong đợi.
-KTAEC thân mến,Hôm nay Tin Mừng vừa cho ta biết Chúa viếng thăm người thiếu phụ Samaria và bà ta đã được tỉnh ngộ,Bà đã làm lại cuộc đời.Nhưng Hằng ngày Chúa cũng đến thăm chúng ta qua thánh lễ, qua Lời Chúa và các bí tích,nhất là Thánh Thể.Nhưng liệu chúng ta đã tìm được nguồn suối ân sủng của Ngài, hay ta vẫn còn loay hoay chìm sâu trong những ảo ảnh trần gian? 
-Mùa chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình, như trả lời những câu hỏi: tôi đang khao khát những gì?,Tôi đã tìm được chúng chưa?,Tôi thường tìm thoả mãn về những điều gì?,Điều đó có giúp tôi nên thánh hay đang huỷ hoại tôi trong những cơn đói khát bất chính?

 -Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta: "ai uống nước này sẽ không còn khát nữa", chúng ta có tin và sống như thế hay không?,Hay chúng ta vẫn đói khát của cải danh vọng, quyền thế, để khi không được,chúng ta lại trách Chúa như dân Do Thái hồi ở Masa trong sa mạc năm xưa?-Amen
...................................................
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM A2017
Lời Chúa: St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9
Mt 17, 1-9: “…Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại…".
*/Cần thay đổi bản thân là trước hết.Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này”.Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”.Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con.”.Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”.
+/Sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nội tâm: trở về đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa.Biến cố biến hình nhắc người Kitô hữu nhớ rằng thời gian Mùa Chay không chỉ được dự phần vào mầu nhiệm Thương Khó và Tử Nạn, nhưng cũng được dự phần vào mầu nhiệm Phục Sinh vinh quang của Đức Giê-su. 
-St 12: 1-4/Bài Đọc I, trích từ sách Sáng Thế, thuật lại ơn gọi của tổ phụ Áp-ra-ham. Vâng theo tiếng gọi mầu nhiệm, ông Áp-ra-ham rời bỏ quê hương và gia tộc của mình để đi đến một vùng đất xa lạ. Ông gắn bó với một Thiên Chúa duy nhất, Đấng ông đã đón nhận Lời Hứa tuyệt vời của Ngài.
-2Tm 1: 8b-10/Viết cho Ti-mô-thê, người môn đệ thân yêu của mình đang trải qua thời gian thử thách, thánh Phao-lô nhắc nhớ hiệu quả tâm linh của đau khổ: vì chỉ có đau khổ mới đảm bảo cho công cuộc loan báo Tin Mừng được sinh hoa kết quả và dẫn chúng ta đến cuộc sống bất tử.
-Mt 17: 1-9/Tin Mừng hôm nay trình thuật về cuộc Biến Hình theo thánh Mát-thêu. Biến cố nầy được đặt vào trong bối cảnh Đức Giê-su loan báo lần đầu tiên về cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Lời loan báo nầy đã khiến cho các môn đệ bàng hoàng. Vì thế, như một cách thức giải tỏa sự kỳ chướng của thập giá, Đức Giê-su đã đem ba môn đệ lên núi cao, ở đó Ngài cho các ông thoáng thấy trước vinh quang Phục Sinh của Ngài, qua đó Ngài đảm bảo với các ông rằng Thương Khó và Tử Nạn là con đường cứu độ mà Ngài phải đi qua, nhưng đây không là một ngõ cụt mà khai mào cho cuộc Phục Sinh vinh quang.
-Chính ở trên núi cao nơi tách biệt nầy “Xét theo văn mạch, thì cuộc biến hình có mục đích cho các môn đệ ưu ái thấy trước Vinh quang của ngày sau hết, vinh quang nay đang tập trung trong con người của Đức Giê-su đang sống thường ngày với họ. Thiên Chúa phán với các môn đệ đầy sợ hãi rằng họ phải vâng lời đi theo Đức Giê-su trên đường dẫn tới Giê-su-sa-lem, tiến đến vinh quang qua thập giá” .Theo truyền thống Cựu ước, “núi” là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa bày tỏ mình ra.
1-Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Ngài:Thánh Mát-thêu mô tả cuộc biến đổi hình dạng của Đức Giê-su thành một con người rạng ngời vinh hiển: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.
-Qua đây,cũng mặc khải rằng con người xác thịt của Chúa được liên kết với chính Hữu Thể Thiên Chúa, có nghĩa là kể từ đây, cái chết không có quyền gì trên thân xác của Ngài; theo một cách mặc nhiên, biến cố Biến Hình là tham dự trước vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.
2-Sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Ê-li-a:Sự hiện diện của hai nhân vật này là một bảo chứng tuyệt vời cho tước vị Mê-si-a của Đức Giê-su, bởi vì cả hai ông được xem như báo trước Đấng Mê-si-a: ông Mô-sê đã báo trước rằng một vị ngôn sứ vĩ đại sẽ đến, lời của Đấng ấy sẽ là lời của chính Thiên Chúa; còn ông Ê-li-a, theo truyền thống, phải trở lại để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a ngự đến.Hơn nữa, hai nhân vật nầy hiện diện bên cạnh Đức Giê-su vinh hiển, không chỉ như biểu tượng của Lề Luật và Ngôn Sứ, nhưng cũng như những người trung gian tuyệt mức của Giao-Ước. Như vậy, họ đại diện khởi đầu và chung cuộc của Lịch Sử Cứu Độ được hoàn thành nơi Đức Giê-su. Vì thế, biến cố Biến Hình nhấn mạnh mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước.
-Biến cố Biến Hình đem lại một sự nâng đỡ tâm lý và tinh thần quan trọng nhất mà Đức Giê-su đã nhận được trong suốt sứ vụ của Ngài. Trong kiếp sống phàm nhân trên con đường tiến về cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, Chúa Giê-su được Chúa Cha an ủi cách đặc biệt bằng biến Cố Biến Hình. Qua biến cố Biến Hình, Đức Giê-su được đảm bảo rằng con đường đau khổ mà Ngài sắp trải qua, sẽ dẫn Ngài đến vinh quang, vinh quang mà Ngài đã sở hữu trước khi Nhập Thể, vinh quang nầy Ngài lấy lại trong một khoảng khắc thoáng qua của cuộc Biến Hình.
3-Ba nhân chứng : Chỉ có ba môn đệ: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, được diễm phúc chứng biến cuộc Biến Hình. Trước đây, chính ba
môn đệ nầy được Đức Giê-su cho phép chứng kiến việc Ngài phục sinh con gái ông
Gia-ia, và sau này cũng chính ba môn đệ nầy được Đức Giê-su dẫn theo với Ngài vào trong vườn Cây Dầu, ở đó họ sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Ngài.
-Việc thánh Phê-rô có mặt trong biến cố Biến Hình rất quan trọng, vì ông chứng kiến một Đức Giê-su vinh hiển thay thế cho hình ảnh về một Đấng Mê-si-a chịu đau khổ mà theo quan điểm của ông lúc này, ông không thể nào chấp nhận được. Vì thế, cuộc Biến Hình là phản đề của đồi Sọ.
-Thánh Gio-an, người môn đệ trung thành, sẽ đi cho đến cùng và sẽ chiêm ngắm một thân xác bầm dập rách nát không còn hình tượng người của Đấng bị đóng đinh trên khổ giá, chính ông sẽ viết trong Tựa Ngôn Tin Mừng của mình : “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người… Người là ánh sáng, ánh sáng thật…đầy tràn ân sủng và sự thật…”. Ẩn hiện sau bài Tựa Ngôn nầy là bức tranh về biến cố Biến Hình.
-Còn thánh Gia-cô-bê là vị Tông Đồ đầu tiên chết vì niềm tin vào Chúa Phục Sinh của mình.
4-Phản ứng của Phê-rô: thánh Mát-thêu nêu bật con người của thánh Phê-rô. Trước đây, chỉ mình thánh Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su ở Xê-da-rê, và chỉ một mình thánh nhân bày tỏ nổi bất bình khi Thầy mình loan báo cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh.Trong câu chuyện Biến Hình nầy, thánh nhân cũng là người duy nhất phản ứng. Vốn bản tính nhiệt thành, bộc trực, nghĩ sao thì nói vậy, thánh Phê-rô muốn dừng thời gian và hoạt cảnh Biến Hình nầy lại khi đề nghị dựng ba lều ở đó.Khi phát biểu như vậy, thánh nhân không nghĩ gì đến mình và các bạn đồng môn của mình.
-Khi đề nghị dựng ba lều, ông nghĩ rằng thời sau hết đã đến, và cho rằng đã đến lúc thiết lập Nước Thiên Chúa/Thiên Đàng ở trên mặt đất, ngỏ hầu cuộc Thần Hiển trong một ngày sẽ kéo dài mãi mãi.
5-Cuộc Thần Hiển :Lời công bố tước vị “Con Thiên Chúa”này không chỉ nhấn mạnh đặc tuyển, nhưng cũng nhắm đến tầm quan trọng của sứ điệp là : “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.Phải lưu ý rằng đám mây bao phủ ba vị Tông Đồ đã hiệp nhất họ với Đức Giê-su, liên kết họ làm một với mầu nhiệm của Ngài, trong mặc khải kín nhiệm mà họ không được hé lộ ra cho bất cứ ai trước khi Ngài sống lại.
*/CÂU CHUYỆN ĐỂ KẾT: HOÀNG TỬ GÙ LƯNG Nên hoàn thiện bằng tập luyện nhân đức trái với thói hư.Có một hoàng tử kia đẹp trai lại văn võ song toàn. Nhất là luôn khiêm tốn hòa nhã, nên rất được vua cha và bá quan trong triều nể phục. Hoàng tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái tật gù lưng từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng bị mặc cảm tự ti và không dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn cho người ta tạc tượng, nhưng không dám trái lệnh vua cha, chàng chỉ yêu cầu hai điều và được vua cha chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc trong tư thế đứng thẳng chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì chỉ được đặt bức tượng ấy tại phòng riêng của chàng.Từ khi có bức tượng trong phòng, mỗi ngày hoàng tử đều đến trước tượng ngắm nhìn hình ảnh của mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước tư thế của bức tượng. Sau một thời gian, mọi người đều ngạc nhiên nhận thấy hoàng tử đã được biến đổi không còn bị gù lưng như trước nữa. Trái lại chàng có dáng vẻ hiên ngang oai vệ giống hệt bức tượng trong phòng của chàng. Sau khi sửa được cái tật gù lưng, hoàng tử đã đồng ý cho trưng bày bức tượng của mình tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân mặc sức chiêm ngưỡng.
-Trong Mùa Chay này, chúng ta còn cần phải Vâng Nghe Lời Chúa và Giáo Hội Chỉ Dẫn, Kêu Gọi,để sám hối,sửa mình,cải tà quy chính.Nhất là để tìm ra mối tội làm đầu trong mỗi người, là thói xấu quan trọng đang mắc phải, và quyết tâm làm các việc cụ thể thuộc nhân đức đối lập để khắc phục thói hư…Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN