Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm A 2017&Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm A 2017
 Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34
Ga 1, 29-34: “...Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần'. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa...".  Đó là lời Chúa.

+/Tại Werden nước Đức, có một con chiên bằng đá được đặt ngay trên nóc nhà thờ. Câu chuyện kể lại rằng, xưa kia có một ông thợ đang sửa lại mái nhà thờ. Thình lình sợi dây đai an toàn bị đứt, ông bị rơi ngã xuống đất. Khu vực phía dưới xung quanh nhà thờ chất đầy gạch đá. Nhưng may mắn cho ông, có một con chiên đi ăn cỏ, lạc vào khu vực nhà thờ. Ông đã rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên bị chết ngay tại chỗ, nhưng ông thợ đã sống sót. Sau đó người thợ này đã tạc một con chiên bằng đá, đặt trên mái nhà thờ để nhớ ơn con chiên đã cứu mạng sống của mình.
-Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp món ăn ngon, Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi của nhân loại.
+/Mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn màng.Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa vừa hỏi đùa: - Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp: - "Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch? ".Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói: - Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!".Nhà vua khéo chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.Khi đất nước bị làm nhục, làm bẩn bởi ngoại bang, không có thứ nước nào có thể rửa được, mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.Nhìn theo góc độ thánh kinh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào có thể tẩy xoá được mà phải cần đến... máu!
- CON CHIÊN ĐỀN TỘI,máu bò, máu chiên không thể trừ khử được tội lỗi của loài người qua mọi thời, nên Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên một Con Chiên, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian(Dt 10, 4-7):"...Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con...”.
-Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su, nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.".Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.
-Thánh Phao-lô nhận ra Chúa Giê-su chính là Chiên Vượt Qua mới, ngài viết(1Corinto 5,7): "...Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta...".Vì Mang thân phận con chiên vượt qua, Chúa Giê-su chịu đổ máu để rửa chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi, chịu sát tế để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nên, vào đúng thời điểm dân Ít-ra-en thọc tiết chiên để mừng lễ vượt qua vào chiều thứ sáu, thì trên thập giá, Chiên Vượt Qua mới là Chúa Giê-su cũng bị tên lính đâm thủng cạnh sườn.
-Trích lại lời của Công đồng Vatican, sách Giáo lý Công giáo số 1323 nói rằng:"…Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội, việc tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt qua,trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai…".
-Sách Khải Huyền của thánh Gioan còn diễn tả sự cử hành phụng vụ ở trên trời với một vị ngự trên ngai,Đó là Đức Chúa Trời. Rồi người ta thấy Chiên Con bị sát tế đứng đó,Đó là Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh. Ngài vừa là Đấng tế lễ, và bị hiến tế, là Đấng ban và được ban phát.
+/Niềm Hy Vọng Nơi Đức Giêsu Là Chiên Thiên Chúa,Từ hình ảnh Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa,giờ phút này đã khơi lên trong tâm hồn chúng ta niềm hy vọng vững chắc nơi Ngài. Nếu như dân Do thái bên đất Ai Cập khi xưa đã được cứu sống nhờ máu con chiên, thì nhờ Máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá,đã đem lại sự sống toàn vẹn cho chúng ta.Kể từ giây phút tuyệt vời ấy, sự sống con người phải được bắt nguồn từ Đức Kitô.Hay nói cách khác,Đức Kitô Chiên Thiên Chúa chính là sự sống của con người.
-Hôm nay,tội lỗi riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất.Con Chiên Thiên Chúa mang tội lỗi của chúng ta đi, với điều kiện chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ tội lỗi của mình ra để cho Ngài mang đi.Một Chiếc xe hốt rác sẽ không giúp ích gì được cho dân chúng, nếu họ không chịu đem rác ra để ở nơi đã quy định.
-Đôi khi lấy tội lỗi ra khỏi chúng ta cũng giống như lấy đồ chơi ra khỏi trẻ con.Trẻ em thường không muốn vứt bỏ đồ chơi đi, nếu nó chưa chán. Nếu chúng ta đã quen vui vẻ thoải mái với tội lỗi đến nỗi nghĩ rằng mình không thể sống mà không có nó, cũng như trẻ con không thể sống mà không có đồ chơi.Một cách tương tự,Đức Giêsu cũng không thể nào lấy tội lỗi đi cho chúng ta được,nếu Chính chúng ta không quyết tâm từ bỏ trước.
-Các nhà đạo đức thường ví tình trạng tội lỗi như một vũng bùn êm ái, sình lầy, đen đũi, thối tha và dơ bẩn. Nhưng những con trâu lại thích đằm mình vào đó,nhất là trong những buổi trưa hè nóng nực. Sống trong tình trạng tội lỗi cũng như thế, chúng ta không muốn đứng lên, từ bỏ vũng bùn tội lỗi mà cất bước ra đi, chỉ vì sợ mất khoái cảm thoải mái, cho dù biết rằng nó xấu xa tội lỗi. Bước khởi sự cho việc từ bỏ đàng tội lỗi là lòng ăn năn sám hối với sự hoán cải và đổi mới đời sống.
-Cho đến tận thế,Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế thánh thể hằng ngày. Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ, linh mục dùng lại lời của thánh Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục hiến tế cứu độ thế gian rằng: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian....".
-William Barlay, nhà chú giải Thánh Kinh rất được ưa thích hiện nay, có lần đã nói rằng có hai ngày quan trọng nhất trong đời người: "Ngày chúng ta được sinh ra và ngày chúng ta khám phá ra tại sao chúng ta đã được sinh ra".Vì thế chúng ta hãy chịu khó đào sâu Kinh Thánh, và chăm chỉ siêng năng học hỏi Lời Chúa, đ khám phá ra lý do hiện hữu của ta trong cõi đời này,và để thanh tẩy, thánh hóa cuộc đời mình trong việc năng lĩnh nhận các bí tích của Chúa.

-Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên chiên Thiên Chúa với Chúa Giê-su, để cùng Ngài dâng hiến cuộc đời chúng ta làm hy tế cứu độ thế gian.Amen
.......................................
CHIA SẺ LỜI CHÚA CN LỄ CHÚA HIỂN LINH NĂM A 2017
Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Mt 2, 1-12:"...Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:"Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình..." Đó là lời Chúa.
+/Nhà đại thiên văn Kepler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng Sinh, có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng, bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau, năm đó chúng sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ đã dẫn đường cho Ba Vua tìm ra Chúa Hài Nhi?
-Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai, qua việc Người đã thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Người như: Thuộc dòng dõi Đa-vít, là con một thiếu nữ đồng trinh, sinh ra tại Bê-lem quê hương và dòng dõi vua Đa-vít, các vua chúa sẽ đến thờ lạy Người.Người dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh.Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người tin vào Đức Kitô, còn vua Hê-rô-đê và dân Giêrusalem thay mặt cho những kẻ chối bỏ Đức Kitô.
-Qua cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, Giêrusalem không còn là thủ đô của dân tộc nhỏ bé Ít-ra-en nữa, nhưng nó đã trở nên “đô thành của Thiên Chúa”, và trung tâm cứu độ của toàn thể thế giới. Giêrusalem đã được chọn làm nơi “vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa”. Vì thế ngôn sứ kêu gọi Giêrusalem hãy đứng cao lên, để toàn thế giới nhận được ánh bình minh của Đức Chúa.Ngôn sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh giàu có phong phú của một quốc gia trần thế để diễn tả một thực tại thiêng liêng là vương quốc ân sủng của Thiên Chúa.Theo quan niệm Do-thái, một quốc gia hùng mạnh là quốc gia đông dân cư và giàu sang, với của cải vàng bạc từ các nước thiên hạ đổ về qua đường biển, hoặc qua đường bộ và chở đầy trên lưng đàn lạc đà không sao đếm xuể. Hình ảnh ấy tượng trưng cho sự sung mãn ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại khi Con Một xuống thế làm người tại Giêrusalem mới. Muôn dân nước “đều tập hợp, kéo đến” để nhìn nhận “vinh quang của Thiên Chúa”.
-Mầu nhiệm Đức Kitô được mặc khải cho cả Ít-ra-en lẫn dân ngoại(bài đọc Tân Ước – Ep 3,2-3a.5-6).Thần học gia Phaolô cho ta một cái nhìn thật rõ ràng về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng đối với thánh Phaolô, việc cứu rỗi không phải là việc làm của mình Thiên Chúa, mà còn phải có sự đáp trả của ta. Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ, nhưng ta là kẻ được lãnh nhận, cần phải cộng tác tích cực, sử dụng ân sủng đó để sống như con cái Thiên Chúa, hầu đạt tới mức sung mãn trong Đức Kitô. Do đó, thánh Phaolô gọi kế hoạch đó là “kế hoạch ân sủng”.Có ba điểm cốt yếu trong chân lý mầu nhiệm này. Trước hết Thiên Chúa muốn mọi người, không trừ ai, Do-thái cũng như dân ngoại, đều được cùng hưởng phần phúc gia nghiệp của Người, tức là lời hứa được cứu độ. Mầu nhiệm Đức Kitô khẳng định tính cách phổ cập của ơn cứu độ.Điểm thứ hai cho ta thấy vai trò quan trọng của Đấng thực hiện kế hoạch ân sủng là Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa không đặt kho tàng ân sủng cứu độ ấy ở trên trời hay một địa điểm đặc biệt nào đó dưới thế gian, vì như thế làm sao con người có thể tìm kiếm được. Nhưng Người đặt nguồn ơn cứu độ ấy “trong Đức Kitô Giêsu”, Đấng được Chúa Cha sai đến “làm người để chuộc tội cho thiên hạ” (Rm 8,3).Điểm thứ ba nói lên phương thức giúp mọi người nhận biết và tin vào Đấng Cứu Độ. Đó là “nhờ Tin Mừng”. Tin Mừng cứu độ này “những người thuộc các thế hệ trước”, tức là các vị ngôn sứ thời Cựu Ước, không có diễm phúc biết tới. Chỉ có các thánh Tông đồ mới là những người được biết và được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng.
+/Liên hệ bản than để Sống Lời Chúa:
1) Tên gọi “lễ Ba Vua” là tên gọi quen dùng đối với tín hữu Việt Nam, để chỉ về việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Gọi là vua vì họ là những bậc quyền quý đến từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược, như Tin Mừng vừa kể. Để rồi cứ thế theo truyền thống, Ba Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.Nhưng điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời, đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, khởi đi từ những thiện hảo tốt lành, để rồi với sự trợ giúp của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn, và bằng muôn ngàn cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài, họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.Dưới tên gọi “lễ Ba Vua”, chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin. Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta lại còn thấy cả một đối chứng đau lòng. Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng hề biết đến lời hứa để mà hy vọng, chẳng hề có được giao ước để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề được dẫn đường bởi lề luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm và sẵn sàng vượt qua những chặng đường gian khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm tìm.Và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính việc Chúa đến, không phải vì hối hận về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho cả một cơ chế họ đã bao đời gầy dựng,cơ chế ấy đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin; còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.
2)Tên gọi “lễ Hiển Linh”,Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua” vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ Hiển Linh” hơn.Chẳng phải vì tên gọi đó nghe kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng phải để tránh né những câu hỏi không cần thiết về những chi tiết, nhiều khi chỉ làm cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Đó là: Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa.
-Lễ Hiển Linh thách thức chúng ta cởi mở tâm hồn của mình ra. Khi biết cởi mở tâm hồn, là bắt đầu biết sống. Đức Giêsu không cần đến những quà tặng của chúng ta,Nhưng người khác có thể cần đến.Và nếu nhờ được biết Chúa Giêsu, mà chúng ta có khả năng mở ra kho tàng của tâm hồn mình, và chia sẻ cho người khác, thì chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy mình được trở nên phong phú.
-“Lễ Ba Vua” hay “Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết kiếm tìm. Thế nên đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay, và cho những ngày sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.
-Đã có một nghịch lý là những kẻ đến gặp Chúa đều là những kẻ thành tâm, như các mục đồng tại Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản đáng buồn. Điều tưởng như thuận lợi lại là một cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn điều tưởng chừng như bất lợi lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa. Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân không?
-Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến trách nhiệm truyền giáo.Chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù; chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương.Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
-Có một câu chuyện minh họa:Tại nước Camuron ở Phi Châu, có một vùng đất tên là Fontem, dân số khoảng 20 ngàn người, là một bộ lạc bị đe doạ tuyệt chủng vì nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh ngủ và bệnh giun chỉ.Tộc trưởng của bộ lạc Fontem đã đi cầu cứu nhiều nước và nhiều tôn giáo nhưng không kết quả. Cuối cùng, ông đã đến với Đức Cha Peeters thuộc giáo phận Buca ở Camuron, đặt vào tay ngài một số tiền và nói: “Bộ lạc chúng tôi chẳng tốt lành gì để đáng được Chúa thương nhận lời, vậy chúng tôi xin Đức Cha và các tín hữu cầu cùng Chúa cho chúng tôi, Hy vọng Chúa sẽ nhận lời”.Đức Cha Peeters và giáo dân của người không chỉ cầu nguyện mà còn hành động. Họ chung tay góp sức làm cho bộ lạc Fontem ngày càng tốt đẹp hơn. Khởi đầu là 2 bác sĩ, 1 bác sĩ thú ý, cùng với 3 phụ nữ thuộc phong trào Giáo dân Hoạt động cho Thế giới được Hiệp Nhất trong Yêu thương.Ngày nay, bộ lạc Fontem đã hoàn toàn đổi mới.Xưa kia là rừng thiêng, nước độc thì nay là phố xá đô hội. Điều bất ngờ là chính thành phố này lại là chiếc nôi của một phong trào Giáo Dân Thiện nguyện tới phục vụ ở rất nhiều nước tại Phi Châu. Số người xin học đạo và gia nhập giáo hội nhiều vô kể.
-Xin Kết thúc chia sẻ hôm nay với ý này:Ngày lễ hiển linh còn là ngày lễ của ơn sủng và niềm tin.Trích bài giảng của thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục:“. ..Hôm nay các nhà chiêm tinh đi tìm Đấng chói loà giữa các vì sao, lại thấy một trẻ thơ khóc oa oa trong máng cỏ. Hôm nay các nhà chiêm tinh ngỡ ngàng thấy Đấng lâu đời chịu sống ẩn dật giữa các vì sao, nay vinh hiển rỡ ràng trong tấm tã. Hôm nay các nhà chiêm tinh sững sờ kinh ngạc khi thấy điều xảy ra ở đó : trời ở dưới đất, đất ở trên trời, con người trong Thiên Chúa, Thiên Chúa trong con người, Đấng cả thế giới không chứa nổi lại giam mình trong tấm thân nhỏ bé. Thoạt nhìn thấy, các ông dâng tặng phẩm đầy ý nghĩa nhiệm mầu để tuyên xưng mình tin chứ không tranh luận,dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết. Chính vì vậy mà dân ngoại là những kẻ đến sau cùng lại thành người đến trước hết, vì nhờ đức tin của các nhà chiêm tinh bấy giờ mà niềm tin của lương dân được khai mở…”-Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN