CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2&1 MÙA VỌNG NĂM A 2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A2016
Lời Chúa: Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
Mt 3, 1-12: “…Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng". Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối.  Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt...". Đó là lời Chúa.

*/Mở đường Chúa đến,Có câu chuyện vui kể rằng: Một lần, để phát động phong trào An Toàn Giao Thông, một tổ chức thuộc Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc thi xã luận quốc tế với chủ đề “Con đường với cuộc sống”. Sau đây là một số bài thi được ban giám khảo đánh giá cao:- Nước Pháp (2 bài): “Con đường tình yêu”, “Nên tỏ tình trên đoạn đường như thế nào?”.- Nước Mỹ: “Con đường nào có thể rút lui sau khi phát động cuộc chiến tranh?”.- Nước ý: Những con đường trong tranh trừu tượng!- Nước Anh: “Đường đến các trường Đại học và câu lạc bộ bóng đá”!- Nước Đức: “Luận về con đường trong triết học”!- Nước Singapor: “Cần phải làm gì để các con đường luôn sạch sẽ?”.- Nước Trung Quốc: “Người ta có thể làm những con đường… giả, đường nhái được không?”.- Và… Việt Nam (3 bài): “Tại sao cần đào lấp?”, “Khi đường trở thành dòng sông”, “Những con đường cát bụi”!.
-Con đường thật muôn màu muôn vẻ. Có con đường vật chất để đi và cũng có con đường là hướng đi của cả một dân tộc, một đất nước. Việt Nam ta đang đi trên con đường hướng tới xã hội chủ nghĩa. Có người bảo sẽ không bao giờ tới. Có người cho rằng tới mà rất chậm.
*/Nhà văn Lộ Tấn khi 20 tuổi được cha mẹ gửi sang du học tại Nhật. Ông theo học ngành Y. Tình cờ ông được xem một đoạn phim thời sự, trong đó có cảnh một người Trung quốc bị người Nhật hành hình, điều đáng buồn là rất nhiều người Trung quốc khỏe mạnh đứng xem với vẻ mặt đần độn, không phản ứng gì. Ông lập tức bỏ học ngành Y năm thứ 2, và chuyển sang viết văn. Bởi ông nhận thấy học chữa bệnh trong lúc này không quan trọng, bởi dân mà còn ngu muội, hèn nhát, thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ là nô lệ mà thôi. Từ đó ông muốn dùng ngòi bút để chữa bệnh tật trong tính cách dân tộc. Chính chàng trai này là tác giả của câu nói nổi tiếng để khích lệ những người mở đường: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường mà thôi”.
-Hôm nay giữa sa mạc hoang vu, Gioan mời gọi mọi người hãy làm thành một con đường. Một con đường thẳng ngay thay cho đường quanh co. Một con đường bằng phẳng thay cho đồi núi gồ ghề.Nhưng Gioan mời gọi mọi người hãy đi vào hoang địa để tạo thành một con đường sám hối ăn năn chuẩn bị cho Con Chúa Trời ngự đến.Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu với ta một cách chuẩn bị tốt nhất,đó là ăn năn sám hối.Vì thế,xin chia sẻ vài nhận xét giúp thực hiện sự ăn năn sám hối một cách chu đáo hơn.
-Nhận xét thứ nhất là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến việc nhìn vào chính mình,Đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu quá nhấn mạnh đến việc nhìn vào chính mình thì sự ăn năn sám hối sẽ rất thiếu sót.Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối rất cần nhìn lên Chúa, rất cần gặp gỡ Chúa. Thánh Gioan Tẩy giả chỉ vào Đức Kitô mà nói: Đây Chiên Thiên Chúa.Với lời đó, thánh Gioan Tẩy giả muốn ta nhìn vào Chúa Giêsu, lấy đức tin gặp gỡ Chúa Giêsu, xin Chúa thương xót, ban ơn giúp ta thấy được sự xấu xa độc hại của tội lỗi, giúp ta biết gớm ghét tội lỗi, giúp ta biết chọn lựa đàng lành.
-Nhận xét thứ hai là khi ăn năn sám hối ta thường rất chú trọng đến những bổn phận đối với Chúa, như đi lễ, đọc kinh(như các kinh: tin, cậy, mến), đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến việc đó, thì ăn năn sám hối rất thiếu sót. Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối, rất cần nghĩ tới những bổn phận đối với gia đình, bạn bè, đồng bào, xã hội, tổ quốc,cộng đoàn.Những lời thánh Gioan Tẩy giả trả lời cho từng giới người đến
hỏi ý kiến ngài, ta sẽ thấy ngài luôn khuyên mọi người giữ đức công bằng. Đừng làm hại đồng bào, dù là của cải, dù là tính mạng, dù là thanh danh, dù là thời giờ. Hơn nữa, hãy đối xử tốt theo đức công bằng với mọi người mình liên hệ.
-Nhận xét thứ ba là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”, đó là việc làm đúng.Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến những sự đó, thì việc ăn năn sám hối vẫn còn thiếu sót. Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối còn cần để ý đến những nguồn, người, gốc, đã gây nên những tội tư tưởng, tội lời nói, tội việc làm, và tội do thiếu sót. Một trong những nguồn gốc đó là tính hư nết xấu.
-Thánh Gioan Tẩy giả cố ý nói đến những đầu mối đưa tới tội lỗi(bảy mối tội đầu). Chẳng hạn như tính tự cao tự đại, tính tham lam, tính nhỏ nhen. Đó là những cong queo, đó là những đồi núi cần phải sửa lại.
*/Tin Mừng hôm nay cũng đề nghị ta thực hiện những động tác quan trọng để “ăn năn sám hối” nên/cách lọn.
1) Động tác thứ nhất là chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình.
-Đây là động tác mở đầu trong tiến trình ăn năn sám hối, cũng là động tác mở đầu cho bất cứ một sinh hoạt phượng tự nào khi con người tiếp cận với Thiên Chúa:Như ta vừa mở đầu Thánh Lễ với tâm tình thú tội ăn năn. Chính Chúa Giêsu ngày trước cũng đã mở đầu sứ vụ công khai của Người bằng lời kêu gọi không quên “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Và ngay Gioan Tẩy Giả cho dẫu trong hoang địa nắng cháy khô cằn chẳng có gì ăn, cũng hô vang đồi núi: Hãy ăn
năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần trong không gian và cũng vì Nước Trời đã gần đến trong thời gian.Động tác “nhìn nhận tội lỗi” trong mắt nhìn của những kẻ xa lạ với Tin Mừng có thể là một thứ tâm lý xa rời thực tế.Nhưng đối với những kẻ tin vào Phúc Âm đó lại là hai mắt nhìn của một tấm lòng chân thành: một mắt nhìn vào mình để nhận ra thân phận mình tội lụy và một mắt nhìn lên Chúa để nhận lấy lòng bao dung tha thứ của Ngài.
2) Động tác thứ hai được gặp thấy trong lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả:“Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”.
-Trong lời kêu gọi đơn giản của Gioan Tẩy Giả đã hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp cho một lòng ăn năn tích cực và đích thực.Lòng ăn năn tích cực không dừng lại trong ý thức nhìn nhận tội lỗi của mình.Lòng ăn năn tích cực là cả một tâm tình sống ơn tha thứ, sống do ơn tha thứ  và cũng sống cho ơn tha thứ, có nghĩa là một sức sống được chuyển dịch một cách cụ thể, qua những việc lành mọi lúc mọi nơi cho Chúa và cho anh chị em mình.Đó cũng là lòng ăn năn đích thực không đồng hóa với một thứ tình cảm chợt đến chợt đi, bởi nếu chỉ có thế, nó có nguy cơ biến dạng thành một thứ cảm tình vị kỷ theo kiểu làm việc lành cho “sướng”.Gioan Tẩy Giả không bảo làm việc lành cho “sướng” mà hãy làm việc lành cho “xứng” với lòng sám hối.
3) Động tác thứ ba là khiêm tốn đợi chờ Đấng đang đến.

-Đấng ấy không phải là người xa lạ, mà là một THỰC KHÁCH viết hoa, viết đậm của mọi Kitô hữu. Đấng ấy là Đức Kitô đã đến lần thứ nhất trong lịch sử với ngả nghiêng cây Thập Tự, sẽ đến lần thứ hai ngày cánh chung, với sự công chính và nền hòa bình viên mãn, và Người đến từng ngày cho tất cả những ai khiêm tốn đợi chờ với lòng sám hối, thông qua việc lãnh nhận và sống Bí tích Hòa Giải…Amen
....................................
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG  NĂM A2016
Lời Chúa: Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
Mt 24, 37-44: “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. "Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến...". Đó là lời Chúa.
-Vì không biết ngày và giờ Chúa đến,nên chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Ngài. Tỉnh thức có nghĩa là chúng ta phải sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng, cố gắng làm đẹp lòng Chúa trong mọi việc.
-Một vị linh mục lớn tuổi đã kể lại câu chuyện sau đây: Xưa kia ở New York,Hoa Kỳ, có một bà mẹ sống với một người con trai. Chẳng may đứa con trai bị bệnh nặng. Bà mẹ không còn mong muốn gì hơn là tìm gặp được người thầy thuốc giỏi để chữa lành bệnh cho con bà. Bà nghe người ta đồn về một ông bác sĩ rất giỏi từ Vienna, nước Áo, sẽ ghé thăm thành phố, và bà hy vọng sẽ mang đứa con trai đến cho ông chữa bệnh. Vào một buổi tối mùa đông, thời tiết rất xấu, bên ngoài trời mưa lạnh, bà nghe rõ có tiếng gõ cửa. Mở hé cửa ngó ra ngoài bà chỉ nhìn thấy một người đàn ông tóc phủ bờ vai, cùng với bộ râu dài lướt thướt.Ông hỏi bà rằng:-Thưa bà, trời đêm tối lạnh lẽo và ướt át, tôi có thể vào nhà bà được không?.Người phụ nữ trả lời:-Rất tiếc là tôi không thể đón tiếp ông được!,Rồi bà đóng sầm cánh cửa và khóa kín lại.Ngày hôm sau, người đàn bà mở tờ nhật báo ra đọc,thì Ngay trang nhất, bà đọc được hàng chữ lớn in đậm rằng: “Vị Bác Sĩ Nổi Tiếng Từ Vienna Viếng Thăm thành phố New York”, Phía dưới hàng chữ là bức hình chụp của ông bác sĩ. Với sự ngạc nhiên, buồn rầu và tiếc nuối, bà ta thầm thì:đây chính là người đàn ông tóc dài với bộ râu lướt thướt đã gõ cửa nhà tôi tối hôm qua!.
-Câu chuyện về người phụ nữ để mất cơ hội vàng,để cứu sống con mình nói trên dẫn chúng ta đến phụng vụ Lời Chúa hôm nay.Nó
nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức, đừng để ngày Chúa sắp đến mà chẳng hay biết gì.
-Như "thời ông Noe, người ta vẫn ăn uống, vẫn cưới vợ, lấy chồng",Người ta tưởng rằng thế giới mãi mãi là thế, chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì phải lo, phải sợ. Chỉ có một mình Noe, ông đã vượt ra khỏi thói quen của mọi người. Một mình ông đóng tàu,Một mình ông chuẩn bị đối phó với tai hoạ sẽ xảy đến cho ông và cho toàn thế giới. Và vì vậy, cũng chỉ một mình ông và gia đình lên tàu, còn những người khác vẫn ăn uống, vẫn đàn hát cho đến khi cơn hồng thủy đến và nhậm chìm vạn vật và hàng triệu sinh linh trên  địa cầu.
-Đức Giêsu đặc biệt lưu ý ba điều :a/ Ngày ấy sẽ đến một cách không ai ngờ, cũng như chuyện Hồng thuỷ;b/ Trong Ngày ấy, số phận loài người sẽ phân thành hai hạng khác nhau : có người sẽ "được đem đi"/ (được tiếp nhận), nghĩa là được nhận vào hưởng tương lai hạnh phúc với Chúa, nhưng có người sẽ "bị bỏ lại", nghĩa là không được hưởng hạnh phúc ấy.c/ Được tiếp nhận hay bị bỏ rơi là do người ta có chuẩn bị sẵn sàng hay không. Vì thế Đức Giêsu kết luận : "Vậy các con phải sẵn sàng".
 -Bài đọc II (Rm 13,11-14),Thánh Phaolô nói rằng Ngày đó rất gần rồi, Và Ngài giải thích thế nào là tỉnh thức sẵn sàng:a/ Trước hết, tỉnh thức sẵn sàng là "từ bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu". Nghĩa là phải tích cực chiến đấu để loại trừ sự dữ và cổ vũ cho sự thiện.b/ Kế đó, tỉnh thức sẵn sàng là thay đổi cách sống: Hãy bỏ nếp sống cũ theo xác thịt, thể hiện trong việc ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị, lo lắng
thỏa mãn những dục vọng xác thịt ; thay vào đó bằng một cuộc sống mới theo gương Đức Giêsu Kitô.
-Chuyện kể rằng,Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế diễu ông cụ là mê tín dị đoan. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:- Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu?, Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!Ông cụ bình tĩnh đáp:- Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai,Nhưng ít nhất làm như thế cũng là giúp tôi  đừng lao vào cuộc sống sa đoạ như họ.
-Câu truyện kể trên chỉ là một dụ ngôn. Nhưng trên thực tế của cựu ước là trường hợp của ông Lót ngày xưa sống trong kinh thành Sôđôm,Chính là ông già đó.Trong thư thứ hai của thánh Phêrô có ghi rằng: "Chúa cứu ông Lót ra khỏi Sôđôm, vì ông là người công chính, tâm hồn luôn luôn bị dày vò vì những cảnh đồi bại luân lý diễn ra hàng ngày quanh mình.
-Mùa vọng là mùa đợi chờ, mùa trông mong. Người ta trông mong quà cáp, thư từ, tiền lương, xum họp gia đình nhân dịp lễ Noel. Người tìn hữu được mời gọi trông mong ngày Chúa quang lâm.
-Trong khi Chúng ta đang bị vây hãm bởi sự ồn ào và những cám dỗ chia trí xung quanh. Chỉ có một điều giúp tỉnh thức là sự im lặng. Sự im lặng thực sự của tâm hồn sẽ mang lại an bình và nghe được tiếng Chúa, như lời khuyên của thánh Ingatiô Antiôkia: “Lời của Chúa phán ra trong thinh lặng”.Có bốn gợi ý sau đây cần ghi nhớ:
1. Đức Giêsu khẳng định là không một ai có thể biết được ngày giờ Người trở lại trần gian và tính toán để tìm ra ngày giờ ấy. Do đó, điều hết sức hệ trọng là luôn sẵn sàng cho biến cố ấy, tức là lưu ý đến tính bất xác, bất khả tri và bất khả tiên liệu của ngày giờ đó, hầu tránh được lối sống mù quáng.
2. Vì đã được Đức Giêsu dạy là không thể tìm ra đáp án cho các câu hỏi “khi nào và cách nào”, người Kitô hữu càng chăm chú sống y như thể ngày đó đang đến rồi. Tuy nhiên, canh thức và sẵn sàng không có nghĩa là thụ động chờ đợi nhìn về trời! Lời Chúa mời gọi chúng ta quan tâm đến những nhiệm vụ hằng ngày đã và sẽ đảm nhận. Sống và làm việc đúng như Người đã giáo huấn, đó là cách thức tốt nhất để đón Người vào ngày Người trở lại. Sự canh thức càng có tính thúc bách khi chúng ta không biết giờ cùng tận.
3. Nhìn bề ngoài, không có dấu chỉ nào giúp phân biệt người đang sống đúng thánh ý Thiên Chúa và người không sống như thế, khi mà ai nấy đều đang chìm vào giữa những thực tại trần gian. Do đó, chúng ta không được nhìn vào người khác để lượng định bản thân, và nhất là để mình rơi vào một thứ yên tâm giả tạo. Tốt nhất là hãy nhớ lại các giáo huấn Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, rà soát xem chúng ta đã đưa ra thực hành như thế nào.
4. Chúng ta nhớ rằng phải luôn lệ thuộc vào Đức Giêsu, và chúng ta luôn chịu trách nhiệm trước mặt Người. Đức Giêsu đến vào Ngày Quang Lâm không còn phải là trong tư cách Đấng Cứu thế, nhưng trong tư cách vị Thẩm Phán tối cao. Do đó, ngày Người đến sẽ là ngày giờ của sự thật, bởi vì sẽ là ngày giờ để trả lời/trả lẽ với Người về những nhiệm vụ chúng ta phải chu toàn và là ngày giờ chúng ta được vén mở/mạc khải cho hiểu biết mọi sự.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!