CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32&31 THƯỜNG NIÊN NĂM C2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM C2016
Lời Chúa: 2Mcb. 7, 1-2.9-14; 2Tx. 2,16–3,5; Lc. 20, 27-38
Lc 20, 27-38: “…Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa…".  Đó là lời Chúa.
+/ Vì biết cuộc sống này chóng qua, nên nhà thơ Xuân Diệu đã nhắc nhở mình phải “vội vàng” kẻo không còn kịp nữa:“Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm, Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn: Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều. Và non nước, và cây, và cỏ rạng,Cho chếnh choáng mùi thơm,cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi;Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
+/Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng mà công chúng phương Tây ngày càng quan tâm,đó là kinh nghiệm cận tử (tạm gọi là trải nghiệm sự chết đi sống lại).Nghĩa là Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác. Nhưng sau đó họ hồi sinh.Khi phỏng vấn 1,370 người trải qua kinh nghiệm cận tử,Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
- Có một cuộc sống khác ở "cõi bên kia" và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Điều đặc biệt là sau khi "chết đi sống lại", không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người.
- Tin Mừng: Lc 20, 27-38,Luca kể câu chuyện những người Sađốc không tin có sự sống đời sau, nên đến hỏi Chúa Giêsu về một điều luật của Môsê.
-Qua câu hỏi này thể hiện được cái nhìn của một nhóm người, rằng không có sự sống đời sau.Và giả dụ có thì sự sống đời sau cũng tiếp nối sự sống đời này. Cũng cần sinh sản để lưu truyền nòi giống. Cũng có cưới vợ lấy chồng và mọi sinh hoạt giống như ở trần thế.
-Trước hết Chúa Giêsu khẳng định có sự sống lại, vì: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Isaac và Giacop”. Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Gia-cóp dù đã từ trần từ lâu, nhưng vẫn còn đang sống.Mà nếu các vị nầy còn sống, tức là có sự sống đời sau.
Cái chết thể lý chỉ là một cửa ngõ ai cũng phải qua/ Qua Đời/ để tới một giai đoạn sự sống đời sau, sự sống mới.
-Điều thứ hai mà Chúa Giêsu tiết lộ là đời sau không như đời này: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ và cũng chẳng lấy chồng.”.
-Chính vì đời sau bất tận, chúng ta sẽ sống muôn đời, nên không cần đến việc lưu truyền nòi giống nữa. Mà không cần lưu truyền nòi giống nên chẳng cần phải cưới vợ, lấy chồng nữa.
-Có người sẽ đặt vấn đề về hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Nếu không cưới vợ lấy chồng nữa thì làm sao gọi là hạnh phúc?. Thưa, khi đối diện với Thiên Chúa thì không còn hạnh phúc nào có thể sánh bì. Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, chỉ Nước Trời, chỉ Đất Hứa, chỉ Thiên Chúa mới đem lại hạnh phúc đích thật, còn tất cả niềm vui, hạnh phúc từ tiền bạc, của cải, danh vọng, dục vọng…chỉ có ngần có hạn và không phải là vĩnh cửu. Hay như lời Thánh vịnh nói: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình”, và “ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc, đâu là an vui”.
-SỐNG NIỀM TIN VỀ SỰ SỐNG LẠI,Là điều Chúng ta phải xác tín mạnh mẽ,chúng ta phải sống làm sao để khi chấm dứt cuộc sống này được bước vào sự sống đời sau, với niềm hạnh phúc bên Chúa.Nên ngay từ bây giờ chúng ta phải sống gắn bó với Chúa và gắn bó với con người, vì “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
1. Gắn bó với Chúa.Dân Do Thái trước khi vào vùng Đất Hứa phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm. Đó là thời gian để dân Do Thái biết rõ về tương quan của họ với Thiên Chúa.Thánh Phaolô nói: "Hành trình trong sa mạc của dân Israel cũng là một biểu trưng cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa".Sự gắn bó với Chúa trong đời sống của Kitô hữu được thể hiện qua việc  có nhìn nhận Ngài là chủ tể cuộc đời không? và có sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa không?
-Nếu vậy, thì mọi ưu tiên trong cuộc sống  phải dành cho Ngài. Những giờ phút cầu nguyện, những thánh lễ, nhất là ngày Chúa Nhật, việc học hỏi Giáo lý và suy niệm lời Chúa, những việc đạo đức như lần chuỗi, dâng lễ… phải luôn chiếm ưu tiên trong cuộc đời.Phải sẵn sàng từ bỏ những thú vui, những lôi kéo khác như bài bạc, rượu chè, sắc dục.
-Thánh Augustinô là tấm gương rõ ràng nhất về việc dành mọi ưu tiên cho Chúa. Tuy với quá khứ đầy dẫy những đam mê, những tội lỗi, nhưng từ khi biết Chúa, yêu Chúa thì Ngài đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và đã thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng”.
-Nếu sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa thì phải “vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Có những đau khổ, những buồn phiền, những bệnh tật, những trái ý xảy ra, chúng ta cứ van xin hoài mà không thấy theo ý mình. Nếu trong những hoàn cảnh như vậy mà chúng ta chán nản, thất vọng, thậm chí bỏ Chúa luôn, thì rõ ràng chúng ta không chấp nhận vác thập giá theo Chúa. Hãy biết rằng, chúng ta chỉ thấy những cái trước mắt, còn Chúa thấy cả cuộc đời chúng ta.Nên nhớ rằng nếu không có thập giá thì sẽ không có Phục Sinh.
2. Gắn bó với tha nhân,Nếu gắn bó với Thiên Chúa là yêu mến Ngài “hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”, thì gắn bó với con người là “Yêu người như mình ta vậy”.Là muốn họ cũng được như ta, cũng hạnh phúc ở đời này và đời sau. Vì vậy vừa phải quan tâm đến họ trong cuộc sống này,nhất là phải quan tâm đến phần rỗi của họ.
-Thánh Phaolô đã nói: “Vui với người, khóc với người khóc”. Nghĩa là cùng chia sẻ với nhau trong mọi hoàn cảnh.Khi còn sống, phải nhắc nhở nhau để sống đạo tốt. Khi đã qua đời, hãy tha thứ những gì có thể tha thứ để anh chị em chúng ta giảm bớt thời gian thanh luyện.
-Có câu chuyện kể rằng, một lần kia ông Vontain, một triết gia vô thần đã gặp Pascal triết gia người Công Giáo và nói rằng, ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau để rồi trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh.Với  mình sống nhịn nhục, chịu thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau ông là kẻ dại dột.Pascal đã trả lời: ông nói đúng,Ông không tin linh hồn bất tử, cũng không tin có sự sống đời sau nên sống hưởng thụ thác loạn, nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi tạm đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.
-Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có kể lại một giai thoại như sau. Hồi còn bé, ban đêm ông ngủ bên mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya vắng, có tiếng khóc não nuột vang lên. Đứa bé sợ quá ôm chầm lấy mẹ. Nó hỏi mẹ:- “Mẹ ơi, chết là gì hả mẹ”. Câu hỏi của đứa bé khiến bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời làm sao. Bà bật dậy ngồi vào bàn và mở Kinh Thánh ra đọc. Trong Tin Mừng Gioan, bà đọc thấy đoạn viết(Ga 13,1): “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng”. Gấp sách lại, bà trở về giường nói với đứa trẻ:- “Con ơi, chết là trở về với Chúa Cha và yêu thương đến cùng”.
-Kết luận:Một linh mục nọ tổ chức tại giáo xứ một lễ an táng khá đặc biệt. Ngài báo trước từ lâu để đông đảo mọi người đến tham dự. Giữa nhà thờ ngài đặt một cỗ quan tài. Theo truyền thống, trước khi đưa thi hài ra phần mộ, quan tài được mở nắp để từng người đến tiễn biệt người quá cố lần cuối. Nhưng khi mọi người nhìn vào quan tài để xem người nằm trong đó là ai, họ không thấy gì, chỉ thấy một tấm gương lớn, phản chiếu chính khuôn mặt của họ. Vị linh mục chú thích:” Mỗi ngày anh chị em hãy tự mai táng chính mình”.Đây cũng là sứ điệp quan trọng mà tôi muốn chúng ta lưu ý.

-Nói tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay thật thích hợp khi chúng ta đang sống trong tháng 11, tháng cầu nguyện cho các Linh hồn. Chúng ta tin rằng có sự sống đời sau, để ngay từ bây giờ chúng ta lo gắn bó với Chúa và gắn bó với tha nhân,với xứ với họ,với đoàn thể, để có thể mai sau được hạnh phúc viên mãn ở sự sống đời sau, trong Nước Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta luôn xác tín niềm tin đó, niềm tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.Amen
...................................................
Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C2016
Lời Chúa: Kn 11,22–12,2; 2Tx 1,11–2,2; Lc 19, 1-10
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca/ Lc 19, 1-10: “…Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất". Đó là lời Chúa.
+/Truyện kể: Công tước D’Ossome, phó vương xứ Napoli, nước Ý. Một hôm, ông đi thị sát chiến thuyền Galère được chèo chống bởi một đội tù nhân đông đảo. Khi gặp các tù nhân, ai cũng kêu ca bào chữa rằng họ là những người vô tội. Chỉ có một tù nhân ngồi ở phía góc cúi đầu, chẳng nói chẳng rằng. Công tước bước đến và dịu dàng hỏi han. Anh nói: Thưa ngài, tôi chẳng có gì để bào chữa. Tôi chịu xứng với tội tôi đã phạm. Công tước quay ra nói với mọi người: Anh này là phạm nhân, hắn không xứng đáng ngồi nơi đây chung đụng với những người vô tội. Ta ra lệnh trục xuất ngay hắn ra khỏi chỗ này. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành biết nhận lỗi. Người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp nô lệ.
+/Có câu chuyện kể rằng một cha sở nọ nằm mơ, thấy Đức Giêsu thăm giáo dân đang tụ họp trong nhà thờ. Khi Đức Giêsu ra về khuôn mặt Ngài rất vui và hớn hở. Cha mới chạy theo hỏi Đức Giêsu tại sao thế? Và Chúa đáp: vì có những người nói những lời hết sức đẹp ý Ta. Thưa Chúa đó là những lời nào vậy, những lời chúc tụng ngợi khen ư? Không phải. Vậy những lời ta ơn tri ân cảm tạ phải không? Chúa trả lời cũng không đúng nữa. Không chịu thua cha sở nọ lại hỏi tiếp: hay là những lời cầu xin Chúa ban ơn này ơn no cho họ? Chúa Giêsu lắc đầu: con đoán sai cả rồi họ đã nói với ta: “Lạy Chúa xin hãy tha thứ tội lỗi chúng con”. 
-Câu chuyện kể trên liên hệ ta đến câu nói của Giakêu trong bài Tin mừng hôm nay, nó thể hiện việc sám hối bằng cả hành động:“thưa Ngài, này đây là phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
-Nhân vật chính được giới thiệu qua bốn chi tiết: (1) Tên gọi: Giakêu, (2) Nghề nghiệp: Đứng đầu những người thu thuế, (3) Địa vị xã hội: Người giàu có, (4) Ngoại hình: thấp bé mà ngôn ngữ bình dân gọi là lùn.
-Nhân vật Giakêu có những nét tương phản vừa theo quan điểm người đời, vừa theo quan điểm tâm linh. Theo người đời, Giakêu là người có địa vị, có quyền và có tiền, ba yếu tố này làm nên sức mạnh và uy thế của một con người. Ông ở cao hơn những người bình thường, nhưng ông lại thua kém họ về chiều cao, nên tầm nhìn bị thu hẹp và bị hạn chế. Ông muốn thấy Đức Giêsu, nhưng đám đông trở thành chướng ngại cho điều ông ước muốn.
-Tuy nhiên, con người không hơn nhau ở chiều cao, mà hơn nhau ở cái đầu; Giakêu quyết định thực hiện ước muốn thấy Đức Giêsu bằng cách trèo lên cây sung. Quyết định này tạo nên tương phản giữa việc ông đạt được mục đích là thấy Đức Giêsu, nhưng phải hy sinh thể diện. Một người có quyền hành và địa vị như ông mà lại leo lên cây sung, mượn cây sung để cải thiện chiều cao của mình, thì chẳng có gì hơn đề cao sự thấp bé của ông trước mọi người.
-Đáng chú ý hơn là tương phản theo quan điểm tâm linh. Ông Giakêu là người quyền thế trong xã hội, nhưng đám đông lại gọi ông là “người tội lỗi”, vì khi Đức Giêsu quyết định ở lại nhà ông, mọi người xầm xì rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Câu kết của Đức Giêsu: “Con Người đến
để tìm và cứu những gì đã mất”, câu này đã xếp Giakêu vào loại những người đã mất, nhưng được Đức Giêsu cứu.
-Tương phản trên bình diện tâm linh còn là Việc ông Giakêu dám trở trên trò cười cho thiên hạ để tiếp cận được Đức Giêsu, cho thấy thiện chí của ông. Nhờ hành động này, ông trở thành nhân vật chính của câu chuyện, với những chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Khi Đức Giêsu nhìn lên và nói với ông(19,5): “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”,Bản văn chơi chữ khi viết Đức Giêsu nhìn lên và bảo ông xuống, nghĩa là trở về với chiều cao đích thực của mình, trở về với con người thực của mình, để không những thấy Đức Giêsu mà còn để đối thoại với Người, để quyết định bán nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mình đã làm thiệt hại.
-Điều mới mẻ so với trình thuật người thu thuế Lê-vi là ở chỗ Lê-vi đã bỏ nghề thu thuế và đi theo Đức Giêsu, còn ông Giakêu có bỏ nghề đứng đầu những người thu thuế hay không, bản văn không cho biết. Trình thuật chỉ nhấn mạnh tấm lòng của ông đối với người nghèo và việc ông chú trọng sự công bằng. Có thể hiểu Giakêu tiếp tục đứng đầu những người thu thuế mà vẫn được cứu. Điều quan trọng là ước muốn gặp Đức Giêsu, thực hiện ước muốn này, và khi gặp thì mừng rỡ đón tiếp Người.
-Điểm độc đáo thứ nhất của bản văn ở ngay trong  cách trình bày nhân vật Giakêu. Ông là người vừa thấp vừa cao. Cao về địa vị xã hội, nhưng thấp bé về chiều cao. Thấp bé thể lý,nhưng cao quý trong thiện chí tìm gặp Đức Giêsu. Ông có
quyền hành và giàu có trong xã hội, nhưng bị coi là người tội lỗi, là người đã mất, cần được cứu. Nhân vật Giakêu trở thành điển hình cho hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giêsu là Người mang lại ơn cứu độ cho ông.Giakêu được giới thiệu như là người có mọi thứ: Chức vị, tiền bạc và quyền hành; nhưng ông đang thiếu và đang đi tìm cái mà tiền bạc và chức quyền không đem lại cho ông.
-Điểm độc đáo thứ hai là Đức Giêsu không dạy giáo lý cho Giakêu, Người không bày tỏ tư cách Con Thiên Chúa của Người. Ngược lại Người chỉ nói một câu tỏ bày sự thân thiện và ưu ái của Người dành cho ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.Giakêu tìm cách để thấy Đức Giêsu, còn Đức Giêsu đang tìm và cứu những gì đã mất. Chính sự gặp gỡ giữa hai con người đang tìm kiếm này làm cho Giakêu trở thành người được cứu và làm tỏ lộ sứ vụ của Đức Giêsu.
+/Bài học liên hệ cho chúng ta hôm nay là: liệu sự ở lại của Đức Giêsu nơi chúng ta có khả năng làm cho chúng ta hoán cải, có khả năng làm cho chúng ta thuộc về Người,luôn tiến bộ không,luôn làm cho chúng ta biết chia sẻ với người nghèo, và thực hành đức công bằng hay không.
-Câu chuyện Giakêu vẫn là lời chất vấn,thách thức và mời gọi chúng ta trong cách chúng ta tìm gặp và đón tiếp Đức Giêsu trong cách chúng ta sống niềm tin và thể hiện niềm tin của mình.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN