CHIA SẺ LỜI CHÚA LỄ CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 2016/TN30C&TN 29 NĂM C

CHIA SẺ LỜI CHÚA LỄ CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 2016/TN30C
Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Marcô/Mc 16,15-20:15 Và Đức Giêsu nói với các môn đệ : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ;còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.Đó là Lời Chúa.

+/Trong cuốn bút  ký của Đức Hồng Y Hayes, Tổng giáo phận Nữu Ước, Hoa kỳ, chính Ngài đã kể câu truyện này:Một cô gái tên Betsy, nhà nghèo, nên được ông Thomson nhận vào giúp việc trong nhà. Như ông cho biết: "Betsy là một cô gái rất tốt, có nết, đã giúp việc trong gia đình tôi lâu năm. Nó đảm đang mọi việc trong nhà. Nó rất thương con gái út  của tôi".Sau thời gian nghỉ việc giúp gia đình ông, một hôm Betsy trở lại thăm chủ cũ. Ông Thomson đã cho cô biết là ông đã trở lại với Giáo Hội Công giáo. Betsy đã tỏ mặt vui tươi hẳn lên. Cô kêu lên: "Thật Chúa tốt lành và quyền năng! Bao nhiêu năm giúp việc trong nhà ông, con đã âm thầm cầu xin Chúa cho ông trở lại với Giáo Hội Công giáo. Bây giờ con sung sướng vì Chúa đã thương đáp lời cầu nguyện và hy sinh con dâng lên để nài xin ơn này cho ông! Thật Chúa quá tốt lành và quyền năng!"
+/Nhật ký Truyền giáo,Lm Piô Ngô phúc Hậu, xb tại Alberto, Canada, năm 2000, tr.103, 1963,tại họ giáo Định Môn, Giáo phận Cần thơ, Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, đã ghi:"Hôm nay có một gia đình xin theo Công giáo. Đó là niềm vui lớn của đời truyền giáo, nhưng khi tìm hiểu/hỏi lý do thì:-Tại sao gia đình bà muốn theo Đạo Công giáo?,- Tôi thích Đạo này từ lâu lắm rồi, từ hồi còn nhỏ tôi đi nuôi mẹ tôi ỏ nhà thương Cần Thơ. Các bà phước ở đó chăm sóc cho mẹ tôi kỹ lắm. Mấy bà ấy tốt thiệt tốt.Và cha viết tiếp:Thế là mình đã thu hoạch một vụ mùa mà người Công Giáo(các sơ, các cha,các Ki tô hữu)ai đó đã gieo giống từ lâu lắm rồi.
-Ngôn sứ Isaia con trai Amót được thị kiến( trong Is 1, 1-5): “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa trong ngày sau hết”, Thánh Phaolô cho người con tinh thần của mình biết rằng(1 Tm 2, 4 – 6): “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý,và Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly rằng(Ga 20,21): “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”.Và Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây quả là một sứ mạng duy nhất, một sứ điệp duy nhất, phát xuất từ Thiên Chúa và được gửi đến cho mọi Ki tô hữu thời nay cung như mọi thế hệ, ngõ hầu được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa. 
+/ TRUYỀN GIÁO THEO GƯƠNG MẸ THÁNH TÊRÊXA CALCUTTA
-Lễ Tuyên Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta,vào ngày Chúa Nhật 4 tháng Chín.Trước đó,Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước ngày 19 tháng 10 năm 2003.Vào năm 1997, con số nữ tu dòng của Mẹ đã gần 4 ngàn và đã thiết lập được 610 nhà ở 123 quốc gia trên thế giới. Mẹ đã chấm dứt cuộc sống trần gian. được vinh dự chôn cất theo quốc táng do chính quyền Ấn Độ thực hiện, và thi thể của Mẹ được an táng tại Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ trở thành một địa điểm hành hương mau chóng và là nơi cầu nguyện cho dân chúng thuộc đủ mọi tín ngưỡng, giầu cũng như nghèo.Mẹ Thánh Têrêxa đã truyền giáo cách nào mà thành công như thế? Thưa, Mẹ đã dùng 4 phương cách sau:
-Phương cách thứ nhất: Cầu nguyện.Vì Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêxa là con người hoạt động mà thôi. Không phải thế,nhưng  Trước hết Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời cầu nguyện trong hoạt động.
-Phương cách thứ hai: Thấm nhuần Lời Chúa. Mẹ tha thiết yêu mến Lời Chúa.Lời Chúa thấm vào tận mạch máu đường gân thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa.Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta. Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi trên 5 đầu ngón tay của Mẹ là:Ngài làm cho tôi. Đó là 5 từ tóm tắt 25 chương Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Mỗi lần các con làm những việc này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, đó là các con làm cho Thy”.
-Phương cách thứ ba:Yêu mến người nghèo. Nơi Mẹ Thánh, yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời. Yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa.Tin thật Thiên Chúa đang ở trong nhng người nghèo.Vì yêu mến người nghèo,Mẹ đã tự nguyện sống nghèo. Mẹ sống trong một căn phòng đơn sơ, chỉ có một chiếc giường, một bàn nhỏ, một ngọn đèn và một chậu nước.
-Phương cách thứ tư:Phục vụ bằng tình yêu.Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa.Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường.Phải phục vụ một cách kính cẩn.Phải phục vụ bằng tình yêu.
+/Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90 với chủ đề “Giáo Hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “
...Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài...”.
+/THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, BẬC THẦY TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỀN GIÁO.Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được phong thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần.Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xaviê năm 1927, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997.Khi tuyên bố thánh Têrêxa là tiến sĩ Hội Thánh,cũng có nghĩa Đức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Thánh nữ Têrêxa là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo, nhờ sống trọn vẹn cho tình yêu và bước đi trên con đường nhỏ:
1. Tình yêu là tất cả,Ngài nói:Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra là Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu, các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc. Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu.
2. Con đường nhỏ,Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài.
-Thánh Têrêxa đã Sống thật sự như trẻ thơ, là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha.
-Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa và làm phép đền thờ Lisieur được xây cất kính Thánh nữ, đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm…”.Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung thánh Têrêxa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.
+/Qua lễ chúa nhật truyền giáo này và qua việc nghe về linh đạo của các vị thánh TÊ RÊ XA hôm nay, Chúa muốn dạy ta những bài học về việc truyền giáo:
-Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả,Phải lao động đêm ngày. Phải đầu tư sức lực và trí tuệ,Phải phấn đấu không ngừng. Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.
-Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì. Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì. Kiên trì khi đã gặp thất bại. Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời. Kiên trì khi gặp những trắc trở.
-Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân. Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện. Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi. Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện. Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa. Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc. Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế. Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu. Thánh hóa bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.

-Bài học thứ tư/cuối cùng: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa. Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng,Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần.Biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản than, để thao thức lắng nghe Lời Chúa. Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa,thì việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.Amen
.............................................
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C2016
Lời Chúa: Xh 17, 8-13; 2Tm 3,14 – 4,2; Lc 18, 1-8
Lc  18, 1-8: “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc' ". Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?..."  Đó là lời Chúa.
-Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v.v. Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật : "Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi".
-Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.Và Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy "các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí". Dụ ngôn có hai vai :- bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
- thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
-Bài đọc I (Xh 17,8-13),Chuyện này kể về thời dân do thái đang tiến vào Đất Hứa. Họ phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Đoạn này thuật cuộc giao chiến với quân
Amaléc :
- Môsê giao cho ông Giôsuê dẫn quân đi giao chiến. Phần ông thì ở trên núi giang tay cầu nguyện.
- Khi nào Môsê còn giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế ; ngược lại khi Môsê mỏi mệt quá bỏ tay xuống thì quân Israel thua. Người ta mới lấy một tảng đá kê cho Môsê ngồi, lại cử thêm hai người giúp Môsê nâng tay lên. Nhờ đó Môsê có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ, và kết quả là Israel đã toàn thắng.
-Chuyện này muốn nói rằng chiến thắng không phải do sức mạnh của quân Israel, mà nhờ sự phù hộ của Chúa do lời cầu nguyện của Môsê.
-Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con".Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa ; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
-Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện
với Ngài sao được ?- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.- Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
-Từ đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta rút ra được hai điểm liên quan đến việc cầu nguyện của chúng ta:
-Điểm thứ nhất đó là lời cầu nguyện có một năng lực to lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời chúng ta.
-Bác sĩ Carel, người đã từng đoạt giải Nobel, đã viết như sau: Cầu nguyện là hình thức năng lực hùng mạnh nhất mà con người có thể phát sinh ra, ành hưởng trên tâm hồn và thân xác chúng ta, không khác gì hấp lực của trái đất.
-Điểm thứ hai đó là hãy kiên trì trong lời cầu nguyện của mình.
Hình ảnh của Maisen qua bài đọc thứ nhất đã là một mẫu gương cho chúng ta noi theo, mặc dù mệt mỏi, Maisen vẫn cứ kiên trì cầu nguyện, nhờ sự giúp đỡ của bè bạn ông. 
-Một em nhỏ đã kể lại cho bè bạn biết sở dĩ cậu ta có thể kiên trì cầu nguyện mỗi ngày là vì có bà mẹ giúp đỡ. Họ đồng ý với nhau là: mỗi sáng cả hai cùng thức dậy cùng một giờ, rồi mỗi người cầu
nguyện riêng 15 phút trong phòng mình, đoạn cùng nhau ăn sáng, rồi bà mẹ thì đi lo công việc của mình, còn cậu thì đi đến trường. Cậu bé nói điều đã giúp cho cậu rất nhiều, đó là biết được rằng đang khi cậu cầu nguyện trong phòng mình, thì mẹ cậu cũng đang cầu nguyện trong phòng của bà.
-Để kết luận, chúng ta ghi nhận Bài học : một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
-Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : "Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?", bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì :
- Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.
- Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.
- Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.
- Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.
- Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN