CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16&15 THƯỜNG NIÊN NĂM C 2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM C2016
Lời Chúa: St. 18, 1-10a; Cl. 1, 24-28; Lc. 10, 38-42
Lc 10, 38-42: “...Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất...". Đó là lời Chúa.
-Sáng ngày 13 tháng 7 ĐTC Phanxicô đã bất thình lình đến thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh, trước sự ngạc nhiên vui sướng của các nhân viên.Ngài đến gõ cửa văn phòng của Ủy ban trong khi các nhân viên đang họp để bàn về việc cử hành Năm Thánh Lòng  Thương Xót tại Bogotà thủ đô Colombia. Trước sự ngạc nhiên của các nhân viên ĐTC nói: “Tôi muốn nhảy sang thăm anh chị em một lát”. Với thái độ đơn sơ và thân tình ĐTC xin được họp chung với mọi người. Sau đó một nhân viên đã báo cho ông Guzman Cariquiry thư ký Ủy ban biết, và ông đã vội vàng đón tiếp ĐTC. Ngài hỏi ông: “Anh có giờ nói chuyện một chút không?” Và ĐTC đã chuyện vãn với ông nửa giờ đồng hồ, chào và hỏi chuyện từng nhân viên hiện diện và chụp hình lưu niệm. Ngài nhắc lại các chuyến viếng thăm Ủy ban khi còn là TGM Buenos Aires. 
-Hiếu khách là một đức tính tốt. Một người hiếu khách là người có tính xã hội. Họ dám mở cửa lòng đối diện với đời và với tha nhân. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong bất cứ lĩnh vực nào như mở tiệm buôn bán, công ty, xí nghiệp, trường học, hội đường, chùa chiền, nhà thờ, tư gia…Càng có nhiều người tham gia, sinh hoạt và thăm viếng thì càng sầm uất và thành công,nên Người ta thường nói "đa khách đáo, đa ngân vào".
Đúng thế, mở một cửa tiệm hay một dịch vụ mà khách ra vào tấp nập thì việc làm ăn sẽ mau khấm khá.
-Câu truyện trong sách Sáng Thế bài đọc 1 hôm nay cũng kể rằng có ba vị khách đi ngang qua nhà ông Abraham. Ông đã vui vẻ chào đón khách một cách niềm nở.Thái độ của Abraham bày tỏ lòng thành kính và hiếu khách. Ông biết thương người và đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết. Ông tiếp rước khách một cách rất tận tình: Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!
-Và Một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng của cả hai ông bà. Ông bà đã nhận được một hồng ân quý báu trong lúc tuổi già. Ông bà sẽ sinh một cậu con trai nối dòng. Đây là lời cầu chúc tốt đẹp nhất của ba vị khách/nhờ ơn Chúa cho: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai.".
-Tin Mừng (Lc 10,38-42) hôm nay là Câu chuyện có 3 vai : vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mác-ta và Maria.Hai chị em mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau:- Mác-ta lăng xăng lo cơm nước, giường chiếu...- Maria "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy".Kẻ thì bận rộn rót nước, nấu ăn. Người thì ríu rít chuyện trò bên Chúa.
-Có người cảm thấy tiếc cho Matta, vì Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Matta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu, khi Matta đến phàn nàn, Chúa Giêsu lại nói: "Matta, Matta con lo lắng nhiều chuyện quá,chỉ có một việc cần, Maria đã chọn phần tốt nhất". Vậy là việc cô Matta làm chưa phải là tốt nhất.
-Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Matta, khi Ngài nêu bật hành vi của Maria "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.".Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì Chúa Giêsu vẫn thích người "nghe" lời Người hơn là loay hoay chuyện rót nước, dọn cơm...Ngài cũng cho biết đây là phần tốt nhất.
-Hẳn Chúa Giêsu không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Matta tất bật với việc tiếp đãi Khách, và một của Maria ngồi bên chân Khách để trò chuyện.
-Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể bằng những nghĩa cử hành động,và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự tiếp chuyện,hàn huyên tâm sự.Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Matta. Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản con
người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.Đó là cách sống khôn ngoan đích thực như xây nhà trên nền móng vững chắc.
-Gương của Matta và Maria trong Tin Mừng hôm nay bảo chúng ta rằng nhân đức không chỉ có một mặt, vì trong việc tông đồ, người này làm việc tích cực, hết sức mình, người kia quan tâm đến việc rao giảng Lời Chúa. Nếu sự quan tâm này kết hợp sâu xa với đức tin, thì sẽ rất tốt cho công việc.
-Chúng ta cũng cần có thái độ đúng đắn với Lời Chúa là phải lng nghe. Lắng nghe ở đây không phải là đãng trí,chia trí,nhưng là chú ý,phải tập trung khi Lời Chúa được công bố.

-Lắng nghe lời Chúa như cô Maria là khôn ngoan, vì đây là việc làm cao cả và hoàn hảo nhất. Lo lắng phục vụ là cần thiết, nhưng làm sao để những lo lắng phục vụ không cản trở ta đón nhận Lời Chúa từ trời xuống như mưa sa.Cũng Hãy đừng có chỉ chích phê bình hay kết án những người mà chúng ta thấy họ phải đầu tư nhiều hay làm việc tất bật để có được sự khôn ngoan đích thực nơi bàn tiệc Lời Chúa...Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN C2016
Lời Chúa: Đnl 30,10-14;Cl  1, 15-20;Lc 10, 25-37
Lc 10, 25-37:“...Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".  Đó là lời Chúa.
-Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!Ông hoàng trả lời
-:Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?Câu trả lời là:- Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.Ông Hoàng nài nỉ:- Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi. Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói:-Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?
Ông Hoàng nói:- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy. Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh. Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem
cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều. Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé.
-Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang là Thân Cận của ta.Tin Mừng (Lc 10,25-37) hôm nay cho biết:
1. "Ai là người thân cận của tôi ?", Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng suy nghĩ của ông :- Ông muốn tìm một câu định nghĩa về "người thân cận". Người do thái thời đó hiểu "người thân cận" chỉ là những đồng bào do thái với mình.- Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng suy nghĩ của Chúa Giêsu:- Định nghĩa về "người thân cận" không quan trọng bằng thực thi bác ái với người cần giúp/thân cận .
- Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm...). Hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là do thái một người là Samari.- Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ .
- Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo khi đó cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm
Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người có đạo chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế.
-Còn chúng ta thì sao?,Chúng ta phải cố gắng trở nên là những người Samaria nhân lành của thời buổi hôm nay. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác,sống với tha nhân. Chúng ta không chỉ lo toan cho cá nhân mà còn quan tâm tới những người chung quanh. Chúng ta không chỉ nghiêm túc trong giờ phụng vụ mà còn phải nghiêm túc trong mọi lãnh vực cuộc sống,cũng như kinh doanh và sản xuất.
-Trong cộng đoàn và xã hội hôm nay, kẻ thờ ơ với tha nhân cũng nhiều, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân.
- Để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, ta phải ghi tạc lời căn dặn của thánh Phao lô:Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài món nợ tương thân tương ái, ta phải thực sự có một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến tha nhân, phải săn sóc đến những nhu cầu,những việc kế cận xung quanh ta.
-BÀI  Trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay muốn cho ta biết điều CHÚA muốn ta thực hiện quả thực là khó,nhưng vẫn có thể làm được:
 “...Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống
giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi..." 
-Có một câu chuyện tưởng tượng, tiếp nối dụ ngôn người Samaria nhân hậu, đại khái như sau: Sau khi đã tận tình cứu giúp nạn nhân bị bọn cướp đánh và bỏ rơi, người Samaria này lại có dịp đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Lần thứ hai này, ông cũng gặp một nạn nhân khác và như lần đầu, ông cũng lại ra tay cứu giúp. Và rồi tiếp theo trong những lần có dịp đi qua con đưng đó, ông đều gặp nạn nhân và đều cứu giúp, cho đến một ngày kia là lần thứ 2222, khi đến chỗ thường xảy ra những vụ cướp bóc, ông cũng lại gặp một nạn nhân. Như thường lệ, ông xuống lừa, băng bó vết thương. Xong xuôi đâu đó, ông đặt nạn nhân lên lưng lừa. Với thời gian, con lừa của ông dường như cũng quen đường cũ, đem nạn nhân đến quán trọ. Nhưng lần này ông chủ quán chỉ thấy nạn nhân nằm trên lưng con lừa cũ mà không thấy người Samaria đâu. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông chủ quán vẫn tiếp tục chăm sóc nạn nhân như thường lệ. Điều mà ông chủ quán không ngờ mãi đến lần 2222 người Samaria mới có sáng kiến giúp các nạn nhân đến nơi đến chốn. Để giải quyết tận gốc rễ, ông đã tìm đến sào huyệt của bọn cướp với hy vọng thuyết phục họ, hoặc nếu được thì giúp đỡ để họ có thể trở về sống một cuộc đời lương thiện, từ bỏ những hành động trộm cướp và giết người...Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN