CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 10TN NĂM C&MÌNH MÁU CHÚA NĂM C/TN9C 2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 10TN NĂM C2016
Lời Chúa:1 V 17,17-24;Gl 1,11-19;Lc 7,11-17
Lc 7, 11-17
:“...Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia, và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó. Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận...”.Đó là lời Chúa.
I. PHÉP LẠ TẠI THÀNH NA-IM 
-Chúng ta thấy phép lạ cho người con trai bà góa thành Na-im chỉ có thánh Luca thuật lại, để nói lên quyền năng và lòng thương cảm của Đức Giêsu. 
-Na-im, ngày nay chỉ là một làng nhỏ, cách Capharnaum độ 7 hoặc 8 giờ đi bộ, ở hướng tây nam, về phía núi Taborê, cách Nazareth khoảng 8 cây số về phía đông nam. Người ta thường đưa đám ma vào lúc gần tối, nên hình như Đức Giêsu đã gặp đám tang này vào ban tối, khi Ngài và các môn đệ vào đến cửa thành. Đám ma được dẫn đầu bằng một đội khóc mướn, với ống sáo và thanh la của họ phát ra tiếng la ó khóc than inh ỏi. 
-Theo tục lệ Phương Đông người chết được để trong quan tài không đậy nắp và được quấn khăn liệm kỹ lưỡng. Có người cho rằng quan tài ấy không giống quan tài của chúng ta , mà là một cái rọ đan bằng mây để đem thi hài đến phần mộ. 
-Đức Giêsu không đi một mình, vì ngoài các môn đệ, còn có đám đông theo Ngài. Ngoài ra đám đông có đông đảo dân thành đi theo đưa tiễn.Các chi tiết này rất quan trọng, vì đó là bằng chứng cho thấy  phép lạ được thực hiện cách công khai. Do đó, không phải là một chuyện hoang đường hoặc bịa đặt. 
II. Ý NGHĨA CỦA PHÉP LẠ  
 -Triết gia hiện sinh vô thần, ông Jean Paul Sartre,cho rằng chết là một sự vô nghĩa(La mort est un non-sens).
-Trong Cựu ước, dân Chúa vẫn coi sự chết là một sự gở lạ. Làm sao Thiên Chúa nhân từ tạo nên vạn vật  lại để cho sự chết lẻn vào trong con người. Nhưng dần hồi, Thánh Kinh hé mở cho thấy rằng sự chết không
phải là một bức tường thành kiên cố không vượt qua được, mà là một cửa khẩu để đi đến sự sống.
-Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế đầy quyền năng.  Thầy thuốc Luca còn nêu thêm một chi tiết cá biệt nữa. Chữ “Chúa” ở đây được tác giả dùng đầu tiên trong bản văn Hy Lạp, và theo nguyên ngữ có nghĩa là “Chủ”.  Luca dùng đầu tiên hẳn ông có ý muốn nói Chúa Giêsu, vì là chủ của sự sống, nên Ngài có thẩm quyền trên sự chết.  
-Trong sự kiện này, không có người nào yêu cầu Ngài hành động, nhưng Ngài là Chúa, chủ của sự sống, Chúa hiểu nỗi cô đơn của người mẹ có đứa con trai duy nhất, Ngài động lòng trắc ẩn, Ngài hành động ngay. 
-Bà góa trong Tin mừng hôm nay đau khổ biết bao : một đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo.  Xã hội thời đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà. Không có chồng, không có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như kẻ bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. 
-Ngoài mục đích của thánh Luca là trình bầy cho các độc giả thấy tấm lòng ưu ái và hiền dịu của Con Người Giêsu, thì chúng ta dễ hiểu tại sao, trong các tác giả viết Tin Mừng, chỉ một mình vị bác sĩ này kể lại câu chuyện cảm động Chúa cứu sống người con trai của bà góa thành Na-im. Không còn bức tranh nào đầy lòng xót thương trắc ẩn như thể. 
-Thánh Luca đã dùng chữ “chạnh lòng thương” thì phải có lý do. Từ Hy Lạp, có nghĩa chính xác là “xúc động đến ruột gan”, hầu như luôn luôn được áp dụng cho tình thương yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong Tin mừng.
-Trong ngôn ngữ Hy Lạp không còn từ nào mạnh hơn để diễn tả lòng thương xót cảm thông. Và đây là một từ đã được dùng nhiều lần cho Chúa Giêsu trong Tin mừng. 
+/Sự kiện con trai bà góa thành Na-im được Ngài cho sống lại  là hình bóng báo trước biến có vô cùng lớn lao hơn.  Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của Kitô giáo. Đó là nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà tất cả chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. 
-Đây là sứ điệp Đức Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy nơi phép lạ thành Na-im không chỉ là dấu chứng lòng thương của Ngài  đối với bà góa này, cũng không chỉ là dấu hiệu minh chứng Ngài là Đấng Messia, mà còn là dấu chỉ báo trước điều Ngài sẽ thực hiện cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Ngài.Nghĩa là Ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại,  không phải chỉ với một thân xác mới mẻ về thể lý và còn với một cuộc sống trường tồn vĩnh cửu nữa. 
-Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Đứng về phương diện nhân loại, Đức Giêsu cũng có tình cảm như mọi người, nghĩa là Ngài sống như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. 
-Bài Tin mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm với người khác.Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương, một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phaolô đã khuyên bảo(Rm 12,15): Hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc”. 
+/Truyện để kết : Cái giếng cũ. Ðây là một cái giếng mà nước rất trong sạch và dịu mát làm cho ai uống vào cũng cảm thấy khoan khoái. Một điều đặc biệt nữa là chưa bao giờ giếng này cạn nước cho dù mùa hè có nắng hạn đến đâu đi nữa. Chủ nhân của cái giếng này là một bác nông dân nghèo. Nhưng đến một lúc mà hệ thống điện nước chuyển đến nông thôn, thì cái giếng của bác xem ra cũng trở thành vô dụng. Căn nhà của bác cũng được sửa chữa lại, hệ thống dẫn nước cũng được thiết lập. Không ai buồn nghĩ đến chuyện phải vất vả để kéo nước từ cái giếng đó nữa. Thế là cái giếng bị đóng lại. Bẵng đi nhiều năm trời. Một ngày nọ vì tò mò, người nhà của bác nông dân mở cái giếng cũ ra xem, thì lạ thay, giếng nước đã bị khô cạn. Bác nông dân không thể hiểu tại sao cái giếng nước trong lành của mình đã trở thành khô cạn. Mãi về sau, ông mới khám phá ra nguyên do: cái giếng cũ của ông vốn được bao nhiêu mạch nhỏ tiếp tế, càng múc nước thì nước càng tuôn chảy vào giếng. Nay đã nhiều năm qua, nước giếng không còn được múc lên nữa cho nên các mạch nước bị bít kín và phần nước còn sót lại trong đáy giếng cũng dần bị bốc hơi và khô cạn. 
-Câu chuyện về cái giếng cũ trên đây có thể là một dụ ngôn về suối nước không bao giờ khô cạn mà Thiên Chúa đã mở ra qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Từ cạnh sườn Người, khi một người lính La Mã đâm thủng thì nước hằng sống đã tuôn trào để xoa dịu nỗi khát khao của con người. Mạch nước có được mở ra để trao ban thì nguồn nước mới tuôn trào. Cái chết của Chúa Giêsu là tuyệt đỉnh của một cuộc đời hướng về tha nhân, tiêu hao vì tha nhân, dốc cạn vì tha nhân...Vừa lễ kính THÁNH TÂM CHÚA xong...

-Nhưng cũng là chân lý về cuộc đời người Ki tô hữu chúng ta.Đó là Càng trao ban, càng dốc cạn, càng được múc lấy. Càng tiêu hao, càng mất chính mình thì càng trở nên phong phú,càng trở nên chính mình hơn...Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 9TNC,LỄ MÌNH MÁU CHÚA 2016
Lời Chúa:St 14, 18-20;1 Cr 11, 23-26; Lc  9, 11b-17
PHÚC ÂM:  Lc  9, 11b-17: “...Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại...”.  Đó là lời Chúa.
-Bài đọc I (St 14,18-20) :Văn mạch của câu chuyện này là Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng.Hay tin ấy, Melkisêđê, vừa là vua, vừa là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật, gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để chúc mừng ông ; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc lành cho Abraham.Phần Abraham,mặc dù lúc ấy ông đã hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.
-Tin Mừng (Lc 9,11-17) :Phép lạ hóa bánh ra nhiều,và Cách viết của thánh Luca chứa nhiều ngụ ý :
1- Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày xưa : nơi diễn ra phép lạ là "sa mạc", một đám đông dân chúng đang đói, họ đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng, tương đương con số các chi tộc Israel.Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn nữa.
2- Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập : thời điểm diễn ra là "khi đã xế chiều" (giống bữa tiệc ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu "cầm lấy", "nhìn lên", "chúc tụng", "bẻ ra" và "chia"(giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều này nhắc lại
phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
-Tin Mừng Luca cho Chúng ta biết cử chỉ cầm bánh rượu của Ðức Giêsu nơi bàn tiệc ly đặc sắc, khiến mỗi khi nhắc lại những lần khác, mà Ðức Giêsu cầm lấy bánh rượu, các môn đệ lại nhớ đến các cử chỉ của Người ở bàn tiệc ly, và dùng chúng làm khuôn mẫu để diễn tả.Thánh Luca kể hôm ấy Chúa muốn thiết đãi những người đi theo Người nơi hiu quạnh. Người cho họ ngả mình xuống thành từng cỗ, mỗi cỗ độ năm mươi người. Rồi Người cầm lấy bánh và hai con cá. Người ngẩng mặt lên trời và chúc tụng trên bánh và cá, đoạn bẻ ra và ban cho môn đệ để họ thết đãi dân chúng.
-Dường như tác giả đã chú ý đến vai trò của các tông đồ. Lúc đó họ muốn giải tán dân vì thấy bất lực cung cấp lương thực cho dân. Nhưng được Chúa gợi ý cho dân ăn, họ nhiệt tình muốn đóng góp tất cả và sẵn sàng làm thêm.Người trao bánh cá cho họ phân phát.Cuối cùng còn thu được 12 giỏ mảnh vụn, đúng số 12 tông đồ.
-Ta cũng nên suy nghĩ Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Mình Máu Người còn trao cho chúng ta để chia sẻ, huống nữa là của cải vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người.
-Bài đọc II (1 Cr 11,23-26)cho thấy Thời đó, tín hữu có thói quen cử hành "bữa tiệc Thánh Thể",trong khung cảnh một "bữa ăn huynh đệ". Ý nghĩa của bữa ăn này là: mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.Nhưng ở Côrintô những người giàu đã vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước, không chờ những người nghèo.
-Tệ hơn nữa, những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.Để sửa chữa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể.Sau đó ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng và đúng nghĩa.Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan tâm đến việc chia sẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể.
-Những lời thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô cũng là để cho chúng ta. Nhưng mục đích cuối cùng của Phaolô không phải chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ "Bữa ăn của Chúa", mà còn khuyên chúng ta vì tính chất của bữa ăn như vậy, nên phải cử hành tiệc Thánh Thể mà gia tăng bác ái. Bữa ăn của Chúa phải là bữa ăn Huynh đệ.
-Cách đây một ít năm, bà Emilie Griffin làm nghề quảng cáo ở Nữu Ước của Hoa Kỳ đã trở lại đạo Công Giáo. Bà có viết một cuốn sách hấp dẫn,có tựa đề Turning (Trở lại), trong đó bà bàn về lý do lôi kéo bà đến với đạo Công Giáo như sau :
"Lòng sùng mộ gia tăng đối với phép Thánh Thể và niềm tin vào việc Chúa hiện diện thực sự, đã lôi kéo tôi đến các nhà thờ thuộc Công giáo Rôma và trong khi lòng sùng mộ phép Thánh Thể càng gia tăng thì tôi lại càng bị lôi cuốn đến với Công giáo Rôma".
-Thế nên hôm nay chúng ta phải suy nghĩ về cả ba bài đọc để khi long trọng mừng lễ chúa nhật kính MÌNH MÁU CHÚA, chúng ta hãy ý thức thêm về nhiệm vụ bác ái, để mỗi lần cử hành bàn tiệc của Chúa, chúng ta lại nghĩ đến bàn ăn của anh em. Nơi bàn thánh chúng ta được Chúa, thì sự sống mới chúng ta nhận được phải đưa chúng ta đến với anh em, và chia xẻ số phận với anh em, để khi trở lại dâng lễ chúng ta có bánh rượu là hoa màu ruộng đất và lao công của con người dâng lên để trở thành bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho tất cả chúng ta.Như thế, chúng ta nên cố gắng suy niệm về bí tích Thánh Thể theo gương Emilie Griffin khi bà khám phá ra mầu nhiệm khôn dò này ngay trong hiện tại,năm thánh LTXC& năm TPAHXH.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!