CHIA SẺ LỜI CHÚA LỄ CHÚA GIÊ SU THĂNG THIÊN/CN7 PHỤC SINH NĂM C&6 PHỤC SINH NĂM C

CHIA SẺ LỜI CHÚA LỄ CHÚA GIÊ SU THĂNG THIÊN 2016
Lời Chúa:Cv. 1, 1-11; Dt. 9, 24-28; 10, 19-23; Lc. 24, 46-53
-Vào đời Vua Hùng Vương Thứ Sáu có nạn giặc Ân bên Tàu. Chúng cậy thế mạnh nên hay sang quấy nhiễu nước ta. Vua truyền hịch đi khắp nơi để tìm người tài giỏi giúp nước diệt giặc.Bấy giờ ở làng Phù Đổng có một cậu bé đã 3 tuổi mà chỉ nằm ngửa không nói được một lời nào. Nghe sứ giả nhà vua rao hịch tìm người tài diệt giặc, cậu liền nhờ sứ giả xin với Vua, đúc cho cậu một cây roi sắt và cấp cho cậu một con ngựa bằng sắt, để cậu đi đánh đuổi ngoại xâm. Nghe lời người hiền tài nhắn gởi, Vua thuận ý. Cậu bé liền vươn vai thành người to lớn, khỏe mạnh. Cậu đứng dậy, cầm roi sắt, nhảy lên yên ngựa, oai phong đi đánh giặc Ân. Dẹp xong giặc, cậu phóng ngựa lên núi Sóc Sơn rồi về trời. Vua nghĩ là thiên thần của trời cao xuống trần cứu giúp nên liền xây một đền thờ gọi là đền Phù Đổng Thiên Vương để tạ ơn và tưởng nhớ.
-Câu chuyện huyền sử trên đây nói lên khát vọng của dân tộc Việt Nam nhỏ bé luôn bị ngoại bang quấy nhiễu. Một tiểu quốc hiền hòa trước một đại hán bá quyền bành trướng.Một khát vọng ngàn đời, được tự do và độc lập, được công lý và dân chủ.
-Quả thật là Con người mọi thời đại luôn khát khao bay lên trời cao. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét, trước hàng ngàn người chứng kiến.Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng.Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi những phi hành gia bay vào vũ trụ.
-Theo Thánh Luca, biến cố Chúa về trời mang một ý nghĩa sâu xa, nhằm biến đổi các tông đồ và khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng của toàn thể Hội Thánh. Thánh Luca thuật lại biến cố này để kết thúc Tin mừng và cũng để khởi đầu sách Tông đồ Công vụ. Đoạn sách Cv 1,10 cho biết,khi Đối diện trước biến cố này, các môn đệ Đức Giê su ngỡ ngàng, mắt vẫn còn đăm đăm ngước lên trời ,Nhưng sau đó các ông đã hiểu. Đức Giêsu vừa “rời bỏ” các ông là một niềm thương nổi nhớ, Các ông buồn, nhưng sau đó các ông lại “ngập tràn niềm vui”. Bởi vì Các vị sớm nhận ra rằng khi Đức Giêsu trở về với Chúa Cha,họ sẽ lãnh nhận được nhiều hoan hỷ,đặc phúc,mà Trước hết, đó là Chúa Thánh Thần. Niềm vui đó được cắt nghĩa với những lý do vui sau:
 1. Đức Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiến nhận cái chết một cách bi thương,nhưng đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi của ta. Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.
 2. Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Chúa Cha. Nhờ Ngài và với Ngài, chúng ta được thông dự vào thế giới thần linh cùng Chúa Cha.
 3. Khi Chúa lên trời, vương quốc vĩnh cửu của Ngài bắt đầu khai mở. Vương quốc Đó đánh bại kẻ thù là Satan và ác thần. Cho nên Thánh Phêrô đã viết: “ Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.
4. Cuối cùng, Khi Đức Giêsu lên trời, Hội thánh được phú ban năng quyền để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Cho nên,Khi nói về việc Đức Giêsu sống lại và lên trời, Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô đã khẳng quyết:“...Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Giêsu, và đặt Người làm đầu toàn thể hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn...”
+-Để kết thúc,ta Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả giáo hoàng cho rằng Chúa lên trời tăng thêm đức tin cho chúng ta:…Dịp đại lễ Vượt Qua, Chúa sống lại đã là lý do vui mừng cho chúng ta thế nào, thì Chúa lên trời cũng là đề tài hoan hỷ cho chúng ta hôm nay như vậy.Chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Ki-tô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha...”
-Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục:“...Hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta lên trời. Ước gì lòng trí chúng ta cũng lên theo Người.Chúng ta hãy nghe thánh Tông Đồ nói : Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Quả thật, như Người đã lên trời và không rời xa chúng ta, thì cũng vậy, chính chúng ta đã ở đó với Người, dù trong thân xác chúng ta vẫn chưa xảy ra điều Người hứa với chúng ta.
Người đã được đưa lên các tầng trời, nhưng dưới đất, Người vẫn còn phải chịu bất cứ nỗi khổ cực nào mà chúng ta cảm thấy
, với tư cách là chi thể của Người. Người đã chứng thực điều này khi từ trên cao hô
lớn: Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?, hay khi Người nói:Xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn.
Vậy tại sao chúng ta không chịu khổ cực ở dưới đất như thế để được nghỉ ngơi với Người ở trên trời nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, khiến chúng ta được liên kết với Người?
.Khi ở trên đó, Người cũng ở với chúng ta, và chúng ta khi ở đây thì cũng ở với Người. Người có thể thực hiện điều đó là do thần tính, quyền năng và lòng yêu mến. Còn chúng ta, tuy không thể làm được như Người nhờ thần tính, nhưng có thể làm được nhờ lòng yêu mến đối với Người..”.
- Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.
-Chúa Giêsu lên trời cũng dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha,Đấng ngự trên trời.Nên Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian.Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người.
-Với niềm hy vọng đó, cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

-Ước mong cho tất cả chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể cảm nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C2016
Lời Chúa: Cv 15, 1-2. 22-29; Kh 21, 10-14. 22-23; Ga 14, 23-29
Ga 14, 23-29:“...Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.  Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin...". Đó là lời Chúa.
- Xin kể Câu chuyện có thật sau đây để chúng ta cùng suy nghĩ thế nào là bình an thật do Chúa ban: Tháng 7 năm 1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi cha Vania thi hành nghĩa vụ linh mục, ngài đã gục ngã dưới làn mưa đạn.Trong lá thư cuối cùng ngài viết cho cha mẹ già có những dòng sau đây:"Cha mẹ yêu dấu ! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống được để trở về với cha mẹ nữa hay không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước kia rất nhiều. Thế nhưng con không lo sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng cũng đừng buồn phiền về số phận của con nữa...Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều thử thách...".
-Chương 14 của Tin Mừng theo Thánh Gioan ở đây không phải là một diễn từ hay diễn văn, nhưng thực sự là những lời hết sức thân mật, tâm huyết, cuộc trò truyện hết sức ân tình, giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.
-Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14, 23-29) nằm trong bối cảnh của nỗi bất an, lo sợ. Đây là thời gian diễn ra bữa tiệc biệt ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người,trước khi Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn.Chúa cũng đã nhìn thấy sự hoang mang, dao động hiện trên khuôn mặt của những người theo Chúa. Giữa lúc sợ hãi và u sầu bao trùm tâm tư mọi người hiện diện, thì lời an ủi của Chúa lại là lời chúc bình an: "...Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng... ".
-Trong Thánh Kinh, phạm trù bình an,(tiếng Do Thái là salom) không có nghĩa là thoát ly khỏi mọi đớn đau, lo sợ. Nói đến bình an, chúng ta hay nghĩ, đó là cuộc sống thoải mái, không đụng chạm rắc rối hay đối đầu với đau khổ. Bình an mà Chúa muốn nói không như thế. Đúng hơn, đó là bình an mà thế gian phải tìm tòi.
-Nhưng ở đây, lời Đức Giêsu nói với các môn đệ không chỉ là một lời chào chúc hay là một lời từ giã thông thường, mà còn là một sự trao ban bình an thật sự.Là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua Đức Kitô, nhờ Thánh Thần của Người. Bình an nầy được trao ban từ Thiên Chúa Ba Ngôi.Trong dịp này ta có thể chia sẻ về ba khía cạnh quan trọng của sự bình an như sau:
I. BÌNH AN TRẦN GIAN BAN TẶNG
-Bình an theo quan niệm trần gian là không có chiến tranh, không hận thù chém giết, không gây nên những cuộc tranh dành đẫm máu, tan cửa nát nhà, phân tán chia ly, tha hương cầu thực, như biết bao người trong anh chị đồng bào chúng ta, đang phải hứng chịu cái hậu quả tàn khốc của chiến tranh hận thù hay thảm họa môi trường,như môi trường biển Hà Tĩnh ta và miền trung hiện nay.Bình an cũng không phải chỉ là được giầu sang phú quí, được thịnh vượng, được văn minh tiến bộ, được quyền hành thanh thế có thể áp đảo điều khiển được những kẻ yếu kém.
-Tất cả các điều trên đây tuy là những dữ kiện quí báu để góp phần xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống con người trên mặt đất; nhưng chúng vẫn chưa phải là điều kiện chính yếu, để có thể làm cho nhân loại được hưởng sự bình an chân thật Chúa trao ban cho những con cái yêu dấu của Người.
II. BÌNH AN CHÂN THẬT CỦA CHÚA
-Điều kiện để được tận hưởng sự bình an chân thật của Chúa ban tặng, chính là tâm hồn trong sạch, luôn sống trong ơn nghĩa thánh, như những tôi trung con thảo của Người, luôn trông cậy tín thác mọi sự nơi lòng thương yêu quan phòng khôn ngoan của Chúa, luôn hết lòng phụng sự và tận tình yêu mến Ngài, luôn khát khao làm hài lòng Ngài.
-Chỉ có tâm hồn khiêm hạ, luôn biết chân nhận thân phận thụ tạo yếu hèn tội lỗi của mình, không những trước tôn nhan Chúa mà còn trước mặt nhân loại, thế, không bao giờ họ dám tự kiêu tự đại đưa mình lên trên người khác,hay khinh dể ai, nhưng luôn biết tôn trọng mọi người. Không mưu mô xảo trá, không quanh quéo quỉ quyệt, không dối trá tham lam...Không bao giờ họ là nguyên nhân gây nên sự chia rẽ bất thuận, xáo trộn hận thù, làm tổn thương tình bác ái huynh đệ trong gia đình hay trong cộng đồng. Bất cứ ai họ cũng cư xử lịch thiệp như bạn thân, vì không coi ai là kẻ thù của họ; họ sống thân thiện hòa nhã với mọi người. Bởi thế, họ luôn có thêm bạn hữu và giảm bớt kẻ thù nghịch.
-Hơn nữa, họ còn sẵn sàng chịu lép vế, chịu thua thiệt, chịu hiểu lầm, để giữ được hòa khí trong anh chị em, mang lại nguồn an vui hạnh phúc cho gia đình, sự an hòa yêu thương cho cộng đồng và niềm hân hoan vui tươi cho xã hội.Do đó, không những tâm hồn họ đáng được tận hưởng sự bình an chân thật Chúa ban, mà còn trở nên sứ giả đem lại an bình cho mọi người.
III. SỨ GIẢ HÒA BÌNH CỦA CHÚA
-Là con cái Chúa, là những Tông Đồ tình yêu thương của Chúa, chúng ta phải là những Sứ Giả Hòa Bình. Ngày lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, được diễm phúc trở nên con cái Chúa, Chúa đã ủy thác cho chúng ta sứ mạng đem sự bình an của Chúa đến cho nhân loại.
-Chính Thánh Phanxicô Khó Khăn đã thấu hiểu sứ mạng cao cả Chúa trao, nên Ngài đã sung sướng dâng lên Chúa lời khẩn nguyện tha thiết, xin Chúa ban cho ngài được trở nên Sứ Giả Hòa Bình của Chúa, để ngài có thể chu toàn được sứ mạng(Kinh Hòa Bình):"Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm".Nên Đời sống tốt đẹp của người Kitô hữu phải là một trong những biểu hiện rất rõ nét cho sự hiện diện và bình an của Chúa.
+/ Ngay từ đầu bài Tin Mừng ta nghe : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy ".
-Nên cách cụ thể để hưởng sự binh an thực của Chúa là Hãy vâng nghe lời Chúa dạy qua Kinh thánh. Hãy tuân phục ý Chúa thể hiện qua những biến cố Chúa gởi đến trong đời ta, hãy sống theo lương tâm ngay lành. Cũng đừng quên nghe tiếng Chúa nói qua sự hướng dẫn của Giáo Hội, qua lời góp ý chân tình của anh chị em.
-Lời Chúa hứa rõ ràng cho ai nghe và giữ lời Chúa, là Chúa sẽ đến ở với, Nếu chúng ta hiểu Thiên Chúa chính là nguồn của mọi hạnh phúc, nên Chúa dùng từ "sẽ đến" và "ở lại" với người đó.
-Cho nên, ta thử nghiêm túc nhìn lại cách sống đạo của người Việt Nam hôm nay.Thực ra người ta vẫn đi lễ đông nghẹt; các nhà thờ VN hầu như không đủ chỗ. Như thế thì rất tốt, rất sốt sắng.Nhưng thật sự giữ đạo sống đạo hằng ngày thì chưa trọn vẹn. Thực tế cho thấy có nhiều người có đạo, nhưng vẫn còn tham lam, ganh tị, bè phái, không bao dung, tha thứ.Có những người không nhịn nhục, tha thứ cho vợ cho chồng mình; có những người Công giáo, nhưng tâm địa ác độc...Số khác thì giữ đạo sống đạo vì lợi lộc cá nhân, vì muốn yên lương tâm, vì nhu cầu xã hội, để được chồng ,được vợ...
-Ta cũng biết rõ không mua được thứ bình an này như mua sắm vũ khí, bom đạn, hoả tiễn tầm xa-tầm gần, xe tăng, chiến thuyền hay trên các bàn hội nghị quốc gia, quốc tế. Cho nên thế giới đương đại này cần những nhà lãnh đạo tài ba biết kính sợ Thiên Chúa. Những người hướng dẫn thiên liêng đạo đức như Giaon XXIII, Gioan Phaolô II, Têrêsa thành Calcutta. Chúng ta cần những Gandhi Mahatma, Luther King...
-Chúng ta cũng cần thần khí chữa lành, hàn gắn các rạn nứt trong nội bộ Giáo Hội, ta cần Thần khí ban hoà bình hoà giải trong các giáo xứ giáo họ, các làng xóm đang tranh chấp, ghen tương, kiêu ngạo, khiêm nhường giả vờ. Cũng Hãy nghĩ xem, trong khi thế gian dám đánh đổi bao công sức, tiền bạc cho hạnh phúc, bình an chóng qua, thì người Kitô hữu càng có lý do hơn để hy sinh cho hạnh phúc, bình an đích thực bền vững nơi Thiên Chúa cho chính mình và cho tha nhân.Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN