CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM C 2016,TAM NHẬT THÁNH&CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM C2016
Lời Chúa: Lc 24,1-12; Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phê rô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu 
rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.Đó là lời Chúa.
-Đức Kitô đã sống lại thật! Đó là sứ điệp vĩ đại nhất, quan trọng nhất của Kitô giáo mà phụng vụ lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta trong ngày lễ mừng Chúa Phục Sinh.
-Sách Công Vụ đã ghi lại lời rao giảng của Thánh Phêrô. Ngài đã long trọng xác quyết với viên đại đội trưởng Rôma là Co nê li ô, và cả gia đình ông rằng:“Đức Kitô đã sống lại thật!”. Sau đó, ông và cả gia đình xin học đạo và được rửa tội gia nhập đạo.Thánh Phêrô còn xác quyết: Sự chết và phục sinh là cao điểm của cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Kitô phục sinh là nền tảng đời sống đức tin của người Kitô hữu.
-Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Colosê rằng: Anh em được hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh, thì hãy tìm kiếm những sự trên trời để cùng Người hưởng phúc vinh quang.
-Tin mừng hôm nay ghi lại hiện tượng ngôi mồ trống, không còn xác Chúa Giêsu ở đó qua ba nhân chứng là Maria Madalena, Phêrô và Gioan. Tất cả đều chứng kiến tận mắt ngôi mộ trống, tảng đá lấp cửa mộ được đẩy qua một bên, khăn liệm xác Chúa xếp lạ gọn ghẽ. 
+/ĐÀO SÂU HƠN các bài đọc Thánh lễ Chính Ngày,có mấy câu hỏi-thưa sau đây:
1. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?-THƯA: Bài đọc một kể lại việc ông Phê rô vào nhà một người ngoại giáo là ông Co-nê-li-ô để rao giảng về Chúa Giê su.Bằng lời đơn sơ dễ hiểu, nhưng đầy xác tín của một chứng nhân, Thánh Phê rô đã tóm tắt cuộc đời Chúa Giê su, từ lúc rời Na gia rét khởi sự rao giảng cho đến khi bị giết treo trên thập giá rồi sống
lại, và trao cho các tông đồ sứ mạng làm chứng cho Ngài.Rồi Phê rô công bố cho mọi người biết: ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội.
2. HỎI: Đâu là những điều căn bản trong các bản văn tin mừng nói về sự phục sinh?-THƯA: Có mấy điều căn bản sau đây:1. Các Thánh sử không dùng cách diễn tả nhằm đánh động trí tưởng tượng của độc giả trước biến cố lạ lùng nầy. 2. Nhưng chỉ tập trung vào nét chính yếu: là Chúa Giê su đã sống lại, mộ của ngài trống không ngay từ sáng sớm ngày Chúa Nhật, và chính Ngài đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ của Ngài. 3. Các bản văn tường thuật luôn khác nhau vì theo cái nhìn của từng tác giả.
3. HỎI: Ngôi mộ trống có phải là sự kiện có thật không?
THƯA: Ngôi mộ trống là sự kiện có thật, vì:1. Được phát giác bởi một người phụ nữ, dù lời chứng của họ không có giá trị, nhưng được kiểm soát bởi các môn đệ. 2. Các đối thủ không bao giờ hồ nghi về sự kiện ấy. Vấn đề là làm sao giải thích sự kiện ngôi mộ trống. 3. Được nói đến trong các sách Tin mừng.
4. HỎI: Kinh Thánh nói gì với chúng ta về Đức Kitô Phục Sinh?
THƯA: Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Kitô Phục Sinh là "hoa quả đầu mùa của những người đã chết" (1 Cr 15,20). Bấy giờ của đầu mùa là những hoa trái đầu tiên của mùa thu hoạch: tất cả các trái khác của cùng một cây trồng sẽ giống với những hoa trái đầu tiên. 
-Thánh Phaolô còn giải thích rằng “Chúa Giêsu Kitô sẽ thay đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên đồng hình với  thân thể vinh hiển của Ngài" (Pl 3,20-21).
5-HỎI: Và thân xác vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh như thế nào?-THƯA: Đó là một thân thể mà người ta có thể nhìn thấy và sờ được (x. Ga 20, 27). Tuy nhiên không còn bị ảnh hưởng bởi các quy luật tự nhiên nữa (như lực hấp dẫn, không gian, vv.) như thân xác trong điều kiện hiện nay. 
-Vì sự biến đối ấy, Thánh Phao lô gọi thân xác phục sinh là thân xác thần thiêng. Ngài khẳng định rằng thân xác vinh quang như cây so với hạt giống: thân xác vinh quang là cây, còn thân xác vật chất là hạt giống.
-Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có bao giờ trong lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Tình Yêu cứu độ. Những chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh cũng là những chứng nhân Tình Yêu.Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình.
-Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ “thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên lại luôn“tin tối đa”.Tình yêu bồi bổ niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.
-Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.
-Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và chỉ mong được ở bên cạnh Thầy tôn kính.
-Thưa quý OBACE, cử hành Đại lễ phục Sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi rà soát và thẩm định lại đức tin của mỗi chúng ta, để xem Mầu nhiệm Phục sinh có thực sự trở thành niềm xác tín mạnh mẽ trong cuộc đời của chúng ta, và có thực sự biến đổi chúng ta hay chưa?
-Sở dĩ có người có gia đình chưa thay đổi, chưa phục sinh, chưa vui, chưa hạnh phúc, là vì họ vẫn để cho tảng đá tội lỗi chết chóc đang đè nặng trên gia đình và trên tâm hồn của mình, kiến nhà ấy không thể thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi ù lỳ, và không thể chạy đến với Đấng Phục sinh, vì thế mà tin vui phục sinh không đụng chạm được đến.Hãy mạnh dạn đẩy những tảng đá nóng nảy, lười biếng, rượu chè, cờ bạc ra khỏi gia đình mình để làm cho bầu khí gia đình thêm vui tươi ấm cúng hơn.
-Mỗi người ta cũng đừng để cho vật chất và thế gian cùng những sự hấp dẫn của nó làm cho chúng ta xa lìa Chúa và đường lối của Ngài, đừng để cho những lời xuyên tạc của thế gian làm lung lạc đức tin của ta.Hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu PS trong Bí tích Thánh Thể và lời chúa qua Thánh lễ mỗi ngày, chúng ta sẽ gặp được Chúa Phục sinh, được nghe lời chứng của Kinh Thánh cũng như được nghe lời chứng của giáo Hội về Chúa Giêsu và cuộc phục sinh của Người giúp củng cố đức tin và gia tăng sức sống mới cho chúng ta.Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA THỨ TUẦN THÁNH 2016
-Lc 24,1-12-Ngôi mộ trống.Tại một nghĩa trang bên Đức, có mội ngôi mộ rất được chú ý, đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới đúc xi măng cột sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mộ. Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố. Thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra."
-Câu truyện trên đây có thể là một dụ ngôn về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, khi Ngài cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết để mở lối cho con người vào sự sống vĩnh cửu với Ngài. 
-Chúa đã sống lại,Ngài sống lại thật sự chứ không phải chỉ sống trong tưởng tượng, trong lòng tin của chúng ta, tuy chúng ta không thấy Ngài, tuy chúng ta chỉ nhận ra Ngài nhờ đức tin.Ngài cũng đang sống thật, đang điều khiển lịch sử nhân loại và vũ trụ bằng quyền năng Chúa Thánh Thần.
-Từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến 
Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan, khi ông nối kết những dấu chỉ với lời Kinh Thánh, để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng là: ông đã tin.
-Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử. Vì biến cố này không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. 
+/Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.
-Nếu ngôi mộ tối đã không thể giam giữ Đức Giêsu Phục Sinh, và xiềng xích của sự chết đã bị Người bẻ gẫy, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được.Vì thế, Sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh.
-Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa 
đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh.
-Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống Thinh lặng cầu nguyện,Thinh lặng sám hối. Thinh lặng để xin Chúa thương tha thứ tội lỗi. Mẹ Maria là mẫu gương dạy mọi người cầu nguyện và thinh lặng. Mẹ vốn là con người thinh lặng để nghe tiếng Chúa. Vì chỉ có thinh lặng, cầu nguyện, chiêm niệm, Mẹ Maria mới nhận ra được ý Thiên Chúa. Mẹ cũng như mọi người được sinh ra là để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.Nhưng Mẹ khác với người khác, khác với một xã hội luôn sống trong náo động, ồn ào để tìm danh vọng, lợi nhuận và thú vui. 
-Nhìn vào gương của Mẹ Maria, con người chúng ta cũng được mời gọi sống thinh lặng để nhận ra ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa yêu chúng ta, yêu từng người và hạnh phúc của chúng ta là sống cho Ngài, sống vì Ngài.
-Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại nước Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công 
giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là tin vào sự sống lại.Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát.
-Vậy Tại sao lại có hiện tượng ấy?-Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm?
-Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.
-Khi Tin Đức Kitô Phục Sinh và cảm nghiệm được ơn phục sinh, các tông đồ mở toang cửa, hăng say ra đi đem Tin mừng Phục sinh cho mọi người, bất chấp mọi khó khăn gian khổ. Người Kitô hữu tin vào Đức Kitô phục sinh, không được giữ niềm vui cho mình, mà phải loan tin vui đó cho mọi người trong gia đình, trong xã hội bằng cách giúp đỡ, chia sẻ,phục vụ mọi người trong yêu thương.Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2016
Lời Chúa:(Is 52, 13-53,12; Dt 4, 14-16. 5, 7-9; Ga 18, 1-19.42)
-Cuối năm 2006, toàn thể thế giới đều nghe nói về ba cái chết của ba nguyên thủ ba quốc gia. Ba người ba cá tính, ba cung cách lãnh đạo khác nhau. Trước cái chết của họ, có kẻ khóc, có người vui. Có kẻ ngậm ngùi thương tiếc, có kẻ khai rượu ăn mừng.Người thứ nhất đó là tổng thống Chilê, Ausgusto Pinochê đã qua đời ngày 10/12/2006.Ông đã cai trị nước Chi Lê từ năm 1973 đến 1990.Các tổ chức nhân quyền của Chi Lê đã ước lượng dưới quyền thống trị của ông, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước.Ông đã bị toà án quốc tế truy tố năm 1998 về tội diệt chủng. Ngày an táng của ông,Đức Hồng Y Karmelic đã cầu xin Thiên Chúa “quên đi những lầm lỗi của Augusto Pinochê”.Người thứ hai đó là tổng thống Geral Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ. Ông đã an nghỉ vĩnh viễn vào ngày 26/12/2006. Cuộc đời ông không có gì vẻ vang, không có chiến tích đánh đông dẹp tây, nhưng ông được nhìn nhận là người ôn hoà. Ông đã có một hành động thật phi thường là tha thứ cho cựu tổng tống Nixon khỏi bị truy tố. Ông đã nói rằng: Ông tha thứ cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì bản thân Nixon.Cuối cùng là cái chết của nhà độc tài Sadam Hussen, cựu tổng thống nước Iraq. Ông đã bị kết án treo cổ tử hình vì tội giết người vô tội. Ông là một người đã được trời ban cho mọi vinh hoa phú quý trần gian, nhưng khi chết chỉ có một dây thòng lòng cuốn quanh cổ. 
Dù rằng, ông không chấp nhận bản án, không chấp nhận cái chết nhục nhã này, nhưng định mệnh đã lấy đi mạng sống của ông khỏi trần gian.
-Ba nhân vật này đã đi vào cái chết khác nhau. Có người bình thản ra đi. Có người ra đi nhưng vẫn ôm trong lòng những ray rức lương tâm. Có người ra đi trong bất mãn tột cùng. 
-Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba tử tội đã bị kết án tử hình trên thập tự giá. Ba tử tội, tuy sinh không cùng năm nhưng lại chết cùng ngày, cùng tháng. Ba tử tội đã đi vào cái chết thật khác nhau.
-Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình. Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của. Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về cả một quá khứ lầm lạc. Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình. Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.
-Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu. Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người. Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuân mẫu 
cho mọi tình yêu. 
-Hôm nay thứ sáu tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Vì Thế,cho nên tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian. Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.
-Cả bốn tác giả Tin Mừng đều dùng hai chương để mô tả cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Cả bốn vị đều mô tả những biến cố bi thương, nhưng không giống nhau. Một số sự cố mà các TMNL không biết hoặc chỉ nhắc qua, lại được Ga mô tả rộng rãi.Một chi tiết quan trọng mà chỉ mình Gio-an để ý: đó là quân lính không đánh giập ống chân Chúa Giê-su vì Chúa đã chết, nhưng lại đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Ngài, bấy giờ máu và nước chảy ra. Như vậy, sự chết của Chúa trên cây thánh giá phát sinh sự sống. 
-Nước là sự sống, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Nước cũng là biểu tượng của bí tích thanh tẩy (rửa tội), bí tích đem lại sự sống mới cho ta. Máu là biểu tượng của sự sống, mất máu là mất sự sống, truyền máu là thông truyền sự sống. Máu của Đức Giê-su còn quý giá hơn nữa, vì đem lại sự sống trường sinh. 
-Tác giả dùng một sự cố thể lý: (máu và nước chảy ra từ thân thể Đức Giêsu) để giúp các môn đệ hiểu rằng Thánh Thần là một quà tặng của Đức Giêsu “được tôn vinh” trên thập giá.Ngài quy chiếu về hai bản văn Kinh Thánh. Bản văn đầu tiên, Xh 12,46, nói về con chiên Vượt Qua phải được giết sao cho không một cái xương nào của nó bị gãy.Bản văn thứ hai là Dcr 12,10: một lời sấm 
huyền bí nói về một người vô tội bị “đâm thâu”. Ngôn sứ Dacaria nói, tuy vậy Chúa sẽ làm cho dân chúng cảm thấy họ có tội vì điều dữ họ đã làm. Họ sẽ trở lại và nhìn xem người mà họ đã đâm thâu. 
-Thánh Bê-na-đô đã nói: “Chúa Ki-tô đã kích thích tình yêu nhân loại bằng cái chết của mình”. 
-Trong cuộc Sống ở đời, Thật ra, thái độ của chúng ta cũng không khác gì với cách hành xử của các thượng tế và dân Do-thái xưa là bao. Kinh nghiệm sống đạo cho thấy rằng chúng ta rất yếu đuối, dễ bị lôi cuốn vào những thị phi vô thường ở đời.Chúng ta dễ bị cám dỗ chiều theo dư luận xấu để chống đối, vào hùa, trở mặt, dèm pha, chối từ và tẩy chay Chúa một cách vô ơn.
-Chỉ cần một sự bất đồng ý kiến, sự hiểu lầm hoặc không thỏa mãn yêu cầu riêng tư, thì thái độ của chúng ta đã xoay quanh 180 độ.Có khi Chúng ta Vào hùa với quần chúng và con người xã hội để phê bình chỉ trích các huấn quyền và lời chỉ dạy của Giáo Hội...
-Nhưng Muốn đội triều thiên vinh quang, chúng ta phải miệt mài tu luyện và liên lỉ phấn đấu với mọi trạng huống cuộc đời. Muốn thành công mãn nguyện, cần phải trả giá. Giá càng cao, ân phúc càng tràn đầy-Amen
CHIA SẺ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2016
Lời Chúa:Xh 12,1-8.11-14;:1Cr 11,23-26;PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15
PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15: “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con". Đó là lời Chúa.
-Vì có nạn đói lớn trong vùng,nên con cháu của tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob đã di dân vào Ai-cập khoảng năm 1700 trước C.N,và cư ngụ tại đó gần 430 năm.Con dân sinh xôi nảy nở thêm đông.Thời gian dân Do-thái xuất Ai-cập khoảng năm 1300-1280 trước C.N.Thiên Chúa đã chọn Môisen để cứu dân ra khỏi vòng nô lệ. Dân chúng bắt đầu cuộc lữ hành 40 năm trong sa mạc, để chịu sự huấn luyện và thử thách. Trong ngày xuất Ai-cập, mọi người và mọi gia đình phải tuân hành tất cả các lời chỉ dạy của ông Môisen để tránh mọi hiểm họa. Đồng thời việc này cũng nói lên Đức Chúa ưu ái đùm bọc và bảo vệ dân riêng của ngài. 
-Lễ Vượt Qua đã trở thành ngày lễ tưởng niệm biến cố Chúa đã ra tay oai hùng cứu dân.Và được truyền tụng từ đời này sang đời khác qua các thế hệ.Tới ngày nay, các tín hữu Đạo Do-thái, Vào dịp lễ Vượt Qua hằng năm, vẫn cử hành đọc Lời Chúa, ca hát Thánh Vịnh và chia sẻ bữa ăn tưởng niệm với bánh không men, thịt chiên nướng và rau đắng.Nên Vào dịp lễ này của người Do-thái, Chúa Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành các nghi thức tưởng niệm này.Cũng Ngày này Chúa Giêsu đã loan báo rằng, Ngài sẽ không bao giờ tham dự lễ Vượt Qua này nữa, cho tới khi lễ này được thực hiện trong Nước Chúa. Như thế trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã tiên báo về một lễ Vượt Qua mới. Đó là việc Chúa dùng bánh để hóa nên Thân Mình Chúa, và máu ngài để nuôi dưỡng chúng ta,dưới hình bánh và hình rượu.
-Chúa cũng căn dặn các tông đồ là hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Chúa. Và Nghi thức bẻ bánh này sớm được các tông đồ ghi nhớ và thực hiện. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các cộng đoàn tín hữu đã tụ họp thực hành nghi thức bẻ bánh và hát ca Thánh Vịnh.Tuy nhiên,họ không còn cử hành ở đền thờ Giêrusalem như trước, nhưng họ tưởng niệm lễ Vượt Qua mới,Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu,là chính việc Chúa đã vượt qua sự chết để đạt tới sự sống vĩnh cửu.
-Cho nên,thánh Phao lô trong 1Cr 11,26 cho ta biết là tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là ta loan truyền Chúa đã chịu chết.
Vậy nên Khi ta cử hành Bí tích Thánh Thể là ta loan truyền sự chết và sống lại của Chúa Kitô cho đến khi Chúa lại đến. 
-Cũng Trong khung cảnh của bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập Chức linh mục,lập Bí tích Thánh Thể và trao quyền cho các tông đồ tiếp tục cử hành, để tưởng nhớ đến sự chết và sống lại của Chúa.Với thời gian,Giáo Hội đã trải qua nhiều giai đọan tiến triển việc cử hành thánh lễ này.Tuy nhiên,Chúa Giêsu cũng đã để lại một bài học phục vụ lẫn nhau,bằng hành động, Chúa đã qùy gối xuống rửa chân cho các môn đệ.
-Cũng nên biết thêm là Theo tập tục của người Do-thái, khi khách đến nhà, chỉ có các đầy tớ mới rửa chân cho khách. Nếu nhà không có đầy tớ, thì trẻ em hay người vợ trong gia đình sẽ rửa chân cho khách. Còn Ở đây, chính Chúa là Thầy và là Chúa, lại 
cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Một cử chỉ có một không hai, ngoài sự tưởng tượng của mọi người.
-Điều này Có Nghĩa là Chúa đã yêu thương và tôn trọng phục vụ toàn diện, cả thể xác lẫn tinh thần. Chúa rửa sạch thân xác qua việc rửa chân và Chúa nuôi dưỡng linh hồn bằng chức linh mục, bằng của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa.
-Hôm nay, Chúa đã dùng chính bữa tiệc mà Chúa đã lập trong đêm thứ Năm Thánh, để nói cho các môn đệ về tình yêu thương phục vụ, hiệp thông và chia sẻ.Và bữa tiệc ấy vẫn luôn hiện thực trên các bàn thờ trong các thánh lễ.
-Cụm từ YÊU ĐẾN CÙNG, một mặt muốn diễn tả sự chung thủy của tình yêu – yêu cho đến chết; mặt khác, “yêu đến cùng” còn muốn nói lên tính vượt trội, nghĩa là vượt trên tất cả những gì con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Đức Ki-tô đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế. 
-Khi trao ban những gì cao quí nhất cho những kẻ thuộc về mình, Đức Ki-tô muốn biến họ thành một cầu nối để tình yêu của Ngài được lan tỏa cho đến cùng. 
-Để tiếp tục “tình yêu đến cùng” của Chúa Giê-su, chúng ta phải cố gắng kéo dài bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ trong thánh lễ, thành bữa tiệc hiệp thông bác ái và phục vụ trong cuộc sống, nơi trường học, công sở, xí nghiệp, v.v…
-Chỉ Khi tái diễn hành động như Chúa đã làm gương trên những bàn thờ đó, chúng ta mới thực sự sống hiệp thông với Đức Giê-su.
-Phải Tập thực hành đức yêu thương và phục vụ trong những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường ngày, để dâng những công việc bác ái đó làm của lễ, mỗi khi ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể.
-Phải Siêng năng tham dự Thánh lễ và kết hiệp với Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể, để thực sự được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Ngài, và có thể yêu thương như Ngài đã yêu.
-Là người kitô hữu, chúng ta đều mong muốn được như muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau nên như một trong ý hướng và hành động vậy.
-Như Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ...
-Nếu không yêu thương phục vụ nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu.Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người đã thề sống thề chết với Chúa mà lại chối là không biết Chúa.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C 2016
-Văn sĩ Fabran Lagerkvist của nước Thụy Điển đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1966,nhờ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tựa đề là "Baraba",Bỡi vì Baraba là một tên cướp được nhắc đến trong vụ án của Chúa Giêsu.Theo các sách Tin Mừng kể lại:Baraba là một tên cướp khét tiếng đã phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật.Hằng năm vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc Rôma tại Palestin có thói quen ân xá cho một tội nhân.Năm đó,Tổng trấn Philatô đã đưa Chúa Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai. Và Toàn dân đã la lớn: tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu.Dựa vào sự kiện lịch sử này, văn sĩ Lagerkvist đã tưởng tượng ra quãng đời còn lại của Baraba. Baraba đã trở nên một con người quyền thế được mọi người biết đến. Baraba có được tất cả, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chết thay cho ông.Thế nhưng ông không hề muốn nhắc đến Chúa Giêsu và cũng không muốn biết Ngài là ai.Lý do khiến văn sĩ Lagerkvist này được trao giải Nobel văn chương là vì qua nhân vật Baraba, ông đã họa được chân dung đích thực của thân phận con người. 
-Thưa anh chị em,Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hơn hai ngàn năm. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài trên thập giá.
Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, cũng có nghĩa là do chính tội lỗi của chúng ta ngày nay.
-Biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem một cách đặc biệt,như Ngài chính là Đấng Mêsia, là vị vua được Thiên Chúa xức dầu,nên Chúng ta ghi nhận một số điểm cụ thể về việc vào thành Giêrusalem.
1. Công việc được chuẩn bị kỹ càng. Đó không phải là hành động tức thời, đột xuất.Ngài đã thương lượng trước với chủ của con lừa, đó là một mật khẩu đã được cài đặt từ trước.
2. Đó là một hành động thách thức đầy vinh hiển, đầy can đảm.Ngài vào thành một cách long trọng, công khai, khiến toàn dân phải chú ý, và Ngài trở nên trung tâm của sân khấu. Chúng ta phải nín thở khi nghĩ đến một con người mà đầu đã bị treo giá, bị đặt ngoài vòng pháp luật, lại hiên ngang cỡi lừa vào trong thành khiến mọi người phải chú ý vào mình, quả thật không thể mô tả hết được mức độ can đảm của Chúa Giêsu.
3.Đó là cách quả quyết xưng vương, là việc làm ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước. 
Ở Palestine, con lừa không phải là con vật hèn hạ như ở các nước khác, nhưng là một con vật sang trọng.Các vua cỡi ngựa khi đi đánh giặc, còn trong lúc thái bình thì các Vị cỡi lừa.Như vậy, bằng hành động này, Chúa Giêsu đã ngự giá như một vị vua đến với dân mình trong hoà bình và yêu thương. 
+/Anh chị em thân mến,Với Chúa Nhật hôm nay,Tuần Thánh đã bắt đầu.Đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất.Bởi vì Chúa biết rõ trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đã chất chứa một sức phản bội,sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên:"Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!".
-Thử đặt câu hỏi là:Nếu ta là người đương thời có liên quan đến vụ án Chúa Giêsu, ta sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào? Có làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác thập giá đỡ Chúa Giêsu? 
-Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn.Đi theo Chuá giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng.Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều.Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba.
-Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường như: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã,đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết.
-Nếu kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa kitô, thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.
-Kinh nghiệm cho thấy rõ ràng con người ta rất yếu đuối, dễ dàng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh.
-CÓ MƯỜI QUYẾT TÂM Do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu trong Năm 2016:1:Không nói xấu người khác;2:Không vứt bỏ phần ăn dư của mình;3:Dành thời giờ cho người khác;4:Chọn những món ăn bình dân hơn;5:Đích thân thăm viếng người nghèo;6:Không lên án người khác;7:Làm bạn với những ai bất đồng với ta;8:Thực hiện cam kết như đời sống hôn nhân;9:Tập thói quen kêu cầu với Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc;10:Xin hãy luôn sống vui tươi, nhân ái...Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!