CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5&4 MÙA CHAY C 2016
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C 2016
Lời Chúa:Is 43, 16-21;Pl 3, 8-14;Ga 8, 1-11
Ga 8,1-11:"...Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa". Đó là lời Chúa.
-Tin Mừng(Ga 8,1-11),Câu chuyện về người phụ nữ này giống một bức tranh trong đó các hình ảnh đối chọi nhau, nhưng lại làm nổi bật nhau lên:Một bên là một con người tội lỗi rõ ràng vì bị bắt quả tang đang phạm tội đáng chết, bên kia là Con Thiên Chúa thánh thiện vô cùng.Một bên là thái độ hung hăng của những người biệt phái đòi giết kẻ có tội, bên kia là thái độ nhân từ hiền hậu của Đấng cứu thế.
-Bởi đó thánh Augustinô đã tóm ý nghĩa bức tranh này bằng một câu ngắn gọn rất súc tích:"Sự cùng khốn và lòng thương xót/Miseria et misericordia" .
-Người ta thường nói rằng con người chúng ta có 7 thứ tình cảm là:Hỉ Nộ Ai Cụ Ái Ố Dục. Hỉ là vui, nộ là giận, ai là buồn, cụ là sợ, ái là thương, ố là ghét và dục là muốn. Tất cả gồm 7 tình cảm/"thất tình". Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết thêm một thứ tình cảm nữa, đó là Thương Xót.
-Vậy Thương xót là gì?Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào/thương, vừa đau đớn đắng cay/xót.Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trổi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương, nhưng người ấy vừa phạm một lỗi lầm.
-Khi đó, chúng ta phải đối xử thế nào?Lên án chăng?, Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua
chăng?Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. -Vậy làm thế nào bây giờ?,Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu trong Tin Mừng vừa nghe:Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình:"Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa".Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội.
-Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa.Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội.Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa, tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.
-Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi?,Chúng ta cũng hãy tìm lý do trong bài Tin Mừng hôm nay.Và chúng ta tìm gặp trong câu Chúa nói với những người muốn giết người phụ nữ ngoại tình:"Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi".
-Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành và thánh thiện,đúng lý ra Ngài có đầy đủ lý do để lên án loài người tội lỗi chúng ta, nhưng vì thương xót,Ngài đã ban cho chúng ta biết bao cơ hội.Như Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ(Mt 18,33):"Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi".
-Bài đọc I (Is 43,16-21),được trích trong phần II sách Isaia.
Hoàn cảnh lúc đó là dân Do Thái đang bị lưu đày bên Babylon.Nên Isaia nhắc họ nhớ lại chuyện xuất hành ngày xưa,Để giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập,Chúa đã rẻ đôi Biển đỏ, đã nhận chìm quân đội Pharaon trong Biển cả.Tiếp đến, ngôn sứ hứa là Thiên Chúa sẽ thực hiện việc giải phóng đó một lần nữa, tức là giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày rằng: "Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn".
-Bài đọc II (Pl 3,8-14),Thánh Phaolô đề cao sự công chính mà Chúa Giêsu ban.Đây không phải là sự công chính do Luật Môsê đem lại (như các người biệt phái trong bài Tin Mừng) mà nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô (như người phụ nữ ngoại tình).
+/Trích khảo luận của thánh Âutinh, giám mục,về Tin Mừng theo thánh Gioan:"...Nếu Chúa Giêsu nói:“Đừng ném đá kẻ ngoại tình”,Người sẽ bị bắt lỗi phạm tội bất chính. Nếu Người nói:“ Ném đá kẻ ấy đi”, thì xem ra Người thiếu hiền lành.Vậy, Người sẽ nói:Ai sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Đó là tiếng của đức công chính.Người có tội cứ bị phạt đi, nhưng không phải bởi tay những kẻ có tội,cứ việc thi hành luật,nhưng không phải bởi những kẻ vi phạm luật.Đó là hoàn toàn tiếng nói của đức công chính.Bị đức công chính cật vấn như bị một mũi đòng đâm thâu,các ông trở về với chính mình, khám phá ra mình là sai...".
-Cho nên trong Mùa chay,ta Hãy cảnh giác với lương tâm mình để tìm thấy cái mặt lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm hồn đen đủi, xấu xa của mình. Hãy cầm lấy cục đá, không phải để ném người khác mà là để vạch lên ngực, lên tim,lên đầu óc của mình cho chảy máu ăn năn sám hối, rồi bỏ nó xuống đất. Phải làm điều đó một cách công khai trước mặt mọi người.
-Nói cách khác, lời nói và cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu đã khiến cho mọi thứ mặt nạ che giấu gương mặt, tâm hồn bệnh hoạn, phong cùi của mỗi người hiện diện rơi xuống đất cùng với viên đá trong tay họ.
-Chúa Giêsu muốn dạy cho ta biết rằng, chỉ khi nào chúng ta ý thức được tội lỗi yếu hèn của chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu sống trong sạch,vì không còn phải đeo mặt nạ, đóng kịch như Biệt Phái,Pha ri siêu nữa.
-Chúa Giêsu cũng dạy ta hãy biết có một cái nhìn mới, để hiểu rằng, một tâm hồn dầu có tội lỗi và xấu xa đến đâu đi nữa,cũng vẫn còn một góc nhỏ xíu tinh tuyền, sẵn sàng rộng mở.Và đời sống chung cộng đoàn, ta phải đi theo con đường của lòng tôn trọng,cảm thông, chấp nhận và yêu thương.
-Ðó cũng là phương thế để giúp loài người ta biến đổi từ bên trong,để bắt đầu một cuộc xuất hành mới ra khỏi tình trạng sống tội lỗi,và tiến bước trên con đường công chính, thánh thiện...
-Vua Quang Vũ nhà Đông Hán có người chị là Hồ Dương, công chúa goá chồng. Nhà vua muốn tìm cho chị người bạn trăm năm, liền đem danh sách các quan của mình ra hỏi ý kiến chị. Công chúa nói: "Tất cả bá quan trong triều đình chỉ có Tổng Hoằng là người có tư cách khác thường, những người khác không sao bì kịp. Vua Quang Vũ biết ý chị đã vừa lòng Tổng Hoằng, liền bảo chị hãy ra ngồi phía sau tấm bình phong, rồi cho đòi Tổng Hoằng đến. Nhà vua bảo:- Ta nghe tục ngữ có câu: "Giàu đổi bạn, sang đổi vợ" có phải thế không?Tổng Hoằng liền quì xuống tâu:- Bạn bè giao du với nhau còn nghèo hèn không nên quên nhau, người vợ trong cảnh hàn vi không nên cho xuống ở nhà dưới.Vua Quang Vũ biết Tổng Hoằng là người thuỷ chung, nhân nghĩa, không thể nào lay chuyển được, nên càng đem lòng yêu mến hơn. Rồi nhà vua nói với chị: "Việc hôn nhân không thành được, con người này không thể đem danh lợi và phú quí để mê hoặc".Câu chuyện trên đây là một tấm gương cao đẹp về lòng chung thuỷ, khác hẳn với câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay...Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C2016
Lời Chúa: Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
PHÚC ÂM:Lc 15, 1-3. 11-32:"...Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình."Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo:'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' ". Đó là lời Chúa.
-Tin Mừng hôm nay kể về một trong ba dụ ngôn,là:“Người cha nhân hậu”. Nội dung câu chuyện đều hướng đến tình cha “ấm áp như vầng thái dương”, cao vời vợi và thật xúc động ân tình của người cha.
-Đại văn hào người nước Anh, Charles Dickens, xem dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là câu chuyện hay nhất, là hạt ngọc đẹp nhất của Tin mừng.Tình thương của cha đối với hai con, nổi bật nơi người con thứ.
1. Người con thứ, biểu tượng người tội lỗi.Người con thứ đòi cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình. Rời quê nhà, nơi sinh trưởng, Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nổi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà.Bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo,không phải để học hành, tìm kiếm việc làm. Nó đi ăn chơi đàng điếm, phung phí hết tài sản và sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Nó trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Khi trở về nó chẳng còn gì cả, tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng…mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí.
-Động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn.Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi.Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời, nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin. Nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp.Nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời.
2. Người con cả, biểu tượng của người biệt phái.Hiếu thảo, vâng phục cha, không đi hoang, không ăn chơi. Con người cả lao động cần cù có tinh thần trách nhiệm, không rượu chè trác táng, chỉ lo ruộng rẫy nương vườn,Anh là con người mẫu mực.
-Thế nhưng,biến cố đứa em trở về đã bộc lộ con người thật của anh ta.Tuy ở trong nhà cha nhưng lại xa trái tim cha. Anh tức giận vì thấy quyền lợi bị xúc phạm,anh ta chẳng học được lòng nhân hậu của cha mình.
3. Người cha trong dụ ngôn TM là hình ảnh Thiên Chúa.Khi chia gia tài cho con, lòng cha đau đớn vô cùng. Vì tôn trọng tự do của con chứ không vì người cha nhu nhược.
-Con thứ trở về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc, đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm.Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!
-Ở đời, Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái. Cha mẹ mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm hay đã có sự nghiệp thành công.Thế mà, người cha ở đây lại mở tiệc lớn,Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi.Người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha.
-Dung mạo người cha đó,chính là Thiên Chúa,Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi của con người.Ngài yêu con dù con hư hỏng, bất trung, cũng không vì con cái ngoan hiền được việc,nhưng vì con là con.Chúa không muốn mất một đứa con nào.Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.
+/Trong Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn ta đã nghe đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Vì Nhiều lần ta nghe theo cám dỗ của thế gian xác thịt rồi nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa.
-Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức, nên lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Sám hối là trở về với tình Chúa, với tình anh em. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui và sự sống.
-Cả hai người con đều ở ngoài nhà cha mình.Con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào nhà,khi trong nhà đang có ĐẠI HỶ. Anh thiếu bao dung và thiếu tha thứ cho em. Thái độ của người con cả là thái độ tiêu biểu của người biệt phái, luật sĩ ngày xưa và hôm nay là chính ta. Như Ích kỷ cho quyền lợi riêng mình,Tự mãn về cách giữ luật, tự hào tự phụ về cách sống đạo.
-Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận/Chân Phước, tác giả tập sách "Đường Hy Vọng" cũng đã khuyên: "...Trên đường hy vọng, thỉnh thoảng con phải dừng chân nơi bóng mát để kiểm điểm lại những bước lệch lạc, rút kinh nghiệm để bước tiến, chuẩn bị thêm hành trang.Kiểm điểm mỗi lần xưng tội, kiểm điểm mỗi lần tĩnh tâm.Xe tốt cũng làm máy lại. Sức khoẻ tốt cũng khám tổng quát, nếu muốn tránh sự sụp đổ bất ngờ không thể cứu vớt được...".
-TLHHNTLTXC,số 57,hỏi:Chúng ta được mời gọi làm gì trong Năm Thánh này?.Một mặt chúng ta được mời gọi nhìn ra những nỗi khốn cùng của thế giới, lắng nghe tiếng kêu cứu của những người cùng khổ, quan tâm và chăm sóc cho những người bị bỏ rơi với tình bằng hữu; mặt khác chúng ta được mời gọi phá đổ những rào cản được dựng lên do sự thờ ơ lãnh đạm, giả hình và ích kỷ.
-Số 58 hỏi:Chúng ta còn được mời gọi làm gì nữa trong Năm Thánh này?.Chúng ta còn được mời gọi khám phá lại các mối thương thể xác như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết;cũng như các mối thương linh hồn như lấy lời lành mà khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết...Amen
Nhận xét