CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA,CN 1TNC20&CHÚA HIỂN LINH NĂM C2016

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA,CN 1TNC2016
Lời Chúa:Is42,1-4.6-7;Cv10,34-38;Lc 3,15-16.21-22
PHÚC ÂM: Lc 3, 15-16. 21-22:Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!" .Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Đó là lời Chúa. 
-Cả ba bài LỜI CHÚA ta nghe đọc hôm nay đều qui chiếu về Đức Giêsu.Tất cả đều trình bày cho ta những hình ảnh đẹp về cuộc đời và sứ mạng của Người.1:là Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ.2: là Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời.Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối,trong thân phận bụi đất.Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên,vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn,Thiên Chúa đến ở với con người, Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.3:là Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.Trong giây phút cảm động ấy,cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống.Chúa Thánh Thần là tình yêu,ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng:“Đây là Con Ta yêu dấu”.4:là Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.Hôm nay,Đức Giêsu đã nhận lãnh sứ mệnh cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường.
-Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m.Suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống.Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó, sông chảy vào biển hồ Galilê,nơi Chúa Giêsu thường qua lại,và các tông đồ thường chài lưới.Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
-Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa,Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội.Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội,Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn.Tuy đến để cứu độ người tội lỗi,nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ.Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
-Hôm nay,bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu,để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi.Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng,dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.
+/Trích bài giảng lễ Hiển Linh,được coi là của thánh Hipôlytô, linh mục:"...Chúa Giêsu đến với ông Gioan và đón nhận phép rửa của ông. Biến cố thật lạ lùng: con sông vô tận làm hoan hỷ thành đô Thiên Chúa, Đấng có mặt khắp nơi và không vắng mặt nơi nào, Đấng thiên thần không hiểu thấu và loài người không nhìn thấy được, lại đến lãnh phép rửa, vì Người muốn thế.Vì vậy, tôi long trọng tuyên bố: Hỡi mọi chi tộc trong khắp chư dân, hãy đến lãnh phép rửa mang lại ơn bất tử. Đó là nước kết hợp với Thần Khí tưới gội vườn địa đàng, làm cho đất ra 
mầu mỡ, cây cối mọc lên, sinh vật lan tràn. Tắt một lời, nhờ nước, con người được tái sinh và được sống, trong nước, Chúa Kitô làm phép rửa, và trên nước, Thánh Thần lấy hình bồ câu ngự xuống. Ai tin mà lãnh phép rửa ban ơn tái sinh này thì từ bỏ ma quỷ và kết hợp với Đức Kitô; người ấy chối bỏ địch thù mà tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, cởi bỏ ách nô lệ mà mặc lấy ơn làm nghĩa tử. Sau khi lãnh phép rửa, người ấy rạng rỡ như mặt trời, phản ảnh đức công chính. Nhưng điều lớn lao nhất là họ trở thành con Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô, Đấng đầy vinh hiển quyền năng cùng với Chúa Thánh Thần chí thánh, nhân hậu và ban sự sống, bây giờ và mãi mãi đến muôn thuở muôn đời. Amen.".
+/Trích bài giảng của thánh Pơróclô, giám mục Côngtăntinốp"...Vậy, nào anh em, chúng ta hãy nhìn xem những điều kỳ diệu mới mẻ này: mặt trời công chính tắm trong sông Giođan, lửa dìm trong nước, và Thiên Chúa để cho con người thánh hoá...anh em hãy nhìn xem trận hồng thuỷ vừa mới, vừa lạ này, trận hồng thuỷ có ảnh hưởng lớn lao rộng rãi hơn trận hồng thuỷ thời ông Noê. Xưa kia, nước hồng thuỷ đã giết chết loài người;hôm nay nước thanh tẩy, nhờ quyền năng của Đấng chịu thanh tẩy,đã đưa kẻ chết về cõi sống. Xưa kia, chim bồ câu ngậm cành ôliu chỉ hương thơm của Đức Kitô, còn hôm nay, Thánh Thần hiện đến dưới hình chim bồ câu cho thấy Người là Chúa nhân từ..."
-Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại phép Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận.Chúng ta nên nhớ: vào cuối nghi thức Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm Áo Trắng (tượng trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô). Khi trao Tấm Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô.Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta:“Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống 
như con cái Sự Sáng, để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người cùng với toàn thể các Thánh trên trời.”.
-Thực ra, chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu.Khiêm nhưng là một phép rửa.Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi.Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói(Tv 50): “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”.
-Tại một xứ cùng quê nước Pháp, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên là Alix. Ông bị bại liệt. Mỗi buổi sáng bà vợ đặt ông vào một ghế bành ngoài hiên nhà rồi đi làm. Ông bà không con, không cháu.Ông Alix không phải là người công giáo, nhưng thỉnh thoảng cha sở vẫn tới thăm, cha còn khuyên giáo dân tới giúp đỡ ông. Các em nhỏ tới chơi quanh ông, đem sách cho ông đọc và giúp ông mở sách. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện tới chăm sóc ông.Giáng sinh năm đó, ông Alix đột ngột thưa cha sở:- Thưa cha, xin cha cho con rước lễ.Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa là tín hữu. Nhưng ông thưa:- Trước đây con không tin gì vào Thiên Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu quá tốt với con nên con thấy hạnh phúc như mình được gặp Chúa vậy. Chỉ có Chúa mới làm cho cha, bác sĩ và anh chị em bỏ công sức giúp đỡ một người xa lạ như thế này...Có lẽ chúng ta cũng nhận ra cha sở và các anh chị em giáo hữu Pháp đó, không phải đã làm một việc truyền giáo vĩ đại, nhưng họ chỉ thi hành những bổn phận mà Chúa đòi buộc mọi môn đệ Chúa, khi đã tự nguyện sống theo giáo lý của Ngài. Ngược lại nếu không thi hành những nghĩa vụ nhỏ bé đó thì họ không thể là môn đệ Chúa được.Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CN LỄ CHÚA HIỂN LINH NĂM C2016
Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Mt 2, 1-12:"...Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:"Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình..." Đó là lời Chúa.
+/Henry van Dyke có thuật lại câu chuyện nhan đề: “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa”, kể về một nhà đạo sĩ thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị Vua vừa sinh ra ở Bêlem. Nhà đạo sĩ này tên là Artaban.Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban đã chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông để dâng tặng Hài Nhi Giêsu. Thế nhưng trên đường đến gặp ba nhà đạo sĩ kia để cùng đi, gặp bất cứ ai xin, ông cũng đem ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp được là một bà cụ già rét run vì lạnh. Động lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ già viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính toan làm nhục cô gái. Ông đành đem viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lình do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Ông đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.Tìm được Hài Nhi Giêsu, nhà đạo sĩ thứ tư này chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Ông bối rối và kể lại cuộc hành trình của mình. Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra nhận quà của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.
+/Một linh mục thừa sai Pháp tên là Henri, đi truyền giáo ở 
Gabon,Phi Châu. Nhân dịp lễ Giáng sinh, cha Henri về nghỉ ở nhà người chị ruột thuộc gia đình Delvart. Ngài đem theo một đứa bé da đen mồ côi được ngài nuôi từ nhỏ và rửa tội với tên thánh là Giacôbê. Trong gia đình chị của ngài cũng có đứa con trai tên là Giacôbê, đồng trang lứa với cậu bé Giacôbê da đen. Hai đứa trẻ quen nhau dễ dàng và người lớn chỉ còn phân biệt chúng qua hai màu da: Giacôbê đen và Giacôbê trắng. Đứng bên hang đá, Giacôbê trắng cố gắng giải thích cho bạn Giacôbê đen của mình hiểu được vẻ đẹp của mầu nhiệm Giáng sinh, từ Bêlem cho đến chuồng bò, máng cỏ chiên lừa, đến cả giấc mộng của Thánh Giuse, rồi kết thúc với hình ảnh Mẹ Maria, Mẹ của hết mọi người.Giacôbê đen nghe Giacôbê trắng một cách chăm chỉ. Nhưng cậu bé da màu sầm mặt xuống, thoáng lộ vẻ buồn. Cậu hỏi như than thở với bạn:- Bạn trắng ơi! Bạn thật may mắn.- Sao vậy?- Bạn có Chúa Giêsu da trắng, có một người mẹ ở nhà đây rồi lại có thêm một người mẹ ở trên Thiên đàng nữa.- Nhưng ăn thua gì, bạn trắng đáp lại. Chúa Giêsu là Chúa của hết mọi người và Mẹ Maria cũng là Mẹ của hết mọi người kia mà. Nhất là Mẹ của những đứa con thơ ấu côi cút như bạn.Nhưng Giacôbê đen không yên tâm.Cậu bé vừa đưa tay chỉ tượng Đức Mẹ vừa buồn rầu nói: Đức Mẹ trắng tinh, còn mình thì đen thui!- Bạn trắng nói: Có hề gì, Đức Mẹ đâu có căn cứ vào màu da.- Chứ còn gì nữa, bạn đen cãi lại. Người mẹ trắng thì làm sao có đứa con đen.Thế rồi sáng ngày 24 tháng 12 người ta thấy Giacôbê trắng một mình từ dưới kho đi lên, tay cầm một cái lon nhỏ và một cây cọ, tiến về phía nhà thờ. Cậu bước ngay tới máng cỏ, tại đây với lon sơn đen, cậu biến tượng Chúa Hài Đồng da trắng thành một Chúa Hài Đồng da đen, y như màu da của bạn Giacôbê đen vậy.Giáng Sinh năm ấy, cả họ đạo vừa ngạc nhiên thích thú, vừa vui vẻ sốt sắng đón mừng Chúa Giáng Sinh có sắc da màu. Còn Giacôbê đen không ngớt nở nụ cười để lộ hai hàm răng trắng toát. Em sung sướng nghĩ rằng: với Chúa Hài Đồng da màu, em cũng có được một bà mẹ da màu trên Thiên đàng.
-Một vài câu chuyện nhỏ nhưng lại mang một ý nghĩa lớn chúng ta trong ngày lễ Hiển Linh hôm nay.Có thể nói, lễ Hiển Linh là Lễ Thiên Chúa đến với mọi người.Với biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh làm người trong hang đá Bêlem, Thiên Chúa như phá đổ mọi hàng rào ngăn cách mà con người đã xây dựng nên: hàng rào kỳ thị, kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp.
-Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.
-Có điều mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh đến trong đại lễ hôm nay là: các đạo sĩ, có thể là các nhà bác học hay thiên văn học, đã từ Phương Đông mà tới(Phương Đông vẫn thường được coi là phương trời của những dân ngoại),họ là những người ở ngoài Dân riêng của Chúa,không thuộc dân Do Thái nhưng họ đã tìm đến và được lãnh nhận ơn cứu độ.Có thể nói, đoạn Tin Mừng này đã diễn tả tất cả tấn bi kịch của công cuộc cứu chuộc đối với Dân riêng của Chúa và đồng thời cũng nói lên tấm lòng đại độ của Thiên Chúa,bởi vì:-Hêrôđê tượng trưng cho quyền lực, một thứ quyền lực xảo quyệt chỉ biết khư khư giữ lấy ngai vàng của mình như một lẽ sống.-Còn dân thành Giêrusalem đáng lý ra phải vui mừng khi hay tin“Vua người Do Thái mới sinh”,Đấng họ trông chờ như Vị Cứu Tinh, thì trái lại, họ đã hoảng hốt cùng với Hêrôđê người cai trị trên họ.Dường như họ ngại phải dấn mình vào một sự đổi thay, dù họ tin rằng sự đổi thay đó đem lại sự giải thoát cho họ.
-Còn những Tư Tế và những nhà thông luật, biết rõ nơi Vị Cứu Tinh ra đời, nhưng chẳng ai màng đến với Ngài.Để rồi cuối cùng, chỉ có những người bị liệt vào hàng “dân ngoại” lại hăm hở đến với“Vua người Do Thái”,cũng là Vị Cứu Tinh của nhân loại.
+/Thời đại chúng ta, Chúa không dùng lời ca của các thiên thần hoặc ánh sao của ngôi sao lạ để giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới.Chính mỗi người chúng ta được mời gọi đóng vai “nhà đạo sĩ”để chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu rồi loan truyền về Ngài cho anh em khác.Phương thức tốt nhất để làm điều đó là nói và hành động như Đức Giêsu. Cha mẹ là “nhà đạo sĩ” thích hợp nhất để trình bày khuôn mặt Chúa Giêsu cho con cái mình. Các thầy, cô giáo lý viên là những người cộng tác với “các nhà đạo sĩ”,đi đây đó để giới thiệu Chúa Giêsu cho những người khác.Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa làm bừng sáng lên mầu nhiệm này. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho người ta đến với Chúa.
-Các nhà đạo sỹ/bác học đã dâng tiến cho Chúa Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng để chỉ Hài Nhi Giêsu là vua, nhũ hương để chỉ Hài Nhi Giêsu là Chúa và mộc dược để chỉ đến cái chết đau khổ của Hài Nhi Giêsu sau này.Những lễ vật này có ý nghĩa gì đối với chúng ta.Vàng nói lên lòng yêu mến của chúng ta, một lòng yêu mến tinh ròng, Nhũ hương nói lên tâm tình thờ lạy của chúng ta đối với Đức Kitô,trong những nghi thức phụng vụ, nhũ hương thường được dùng khi đọc Phúc âm, khi dâng Mình Thánh, khi chầu Thánh Thể.Mộc dược còn nói lên những hy sinh trong cuộc sống. Hãy chấp nhận những khổ đau vì lòng yêu mến Chúa và hãy dâng tiến Chúa như một lễ vật nhỏ mọn, bấy giờ những đau khổ của chúng ta sẽ trở nên là một góp phần vào những đau khổ của Đức Kitô, là những giọt máu tử đạo chúng ta có thể đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa.
-Ba lễ vật của các đạo sỹ là vàng-nhũ hương và mộc dược nói trong TIN MỪNG hôm nay, theo cắt nghĩa tốt trong truyền thống lâu đời của Công Giáo ta cũng tượng ba nhân đức đối thần là TIN-CẬY-MẾN,là ba cột trụ đỡ tòa nhà đức tin của người Ki Tô Hữu chúng ta.Cho nên ta phải trau dồi bồi dữơng để chúng thật vững mạnh,ngõ hầu đời sống thiêng liêng của chúng ta rực sáng lên trong đêm tối thế giới này như ngôi sao sáng ban đêm,để thu hút nhân loại về với TIN MỪNG CỨU ĐỘ LÀ ĐỨC GIÊ SU KI TÔ CHÚA CHÚNG TA-AMEN
Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ XIN GIÚP TÀI CHÍNH XÂY DỰNG TÂN XỨ ĐẠO THƯỢNG ÍCH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG/ TRUYỀN GIÁO

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

XIN GIÚP KINH PHÍ ĐỔ BÊ TÔNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN THÁNH GIUSE XỨ ĐẠO TÂN SƠN