CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH B2015,LỄ LÁ,TAM NHẬT THÁNH 2015 VÀ CN5 MÙA CHAY B2015



CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH B2015
Cv 10, 34a. 37-43;Cl 3, 1-4;Ga 20, 1-9
PHÚC ÂM:  Ga 20, 1-9: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phê rô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”.Đó là lời Chúa.

-Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần…đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. (Nguyễn Du):“Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.
-Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh,bơỉ vì Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh.
-Các tín hữu đã tin vào Chúa Phục sinh, nhưng chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống.Người tín hữu không được thoát ly khỏi cuộc sống đời này với nhiều nghĩa vụ như giao ho,giao xư,giao hat,GP…va bao gian nan thử thách…
- Trong bức thư gửi cho tín hữu Côlôssê, Bài đọc 2 : Cl 3,1-4,Thánh Phaolô kêu gọi những ai đã nhờ phép rửa mà được tham dự vào mầu niệm Vượt qua, hãy sống một đời sống tỏa hương thánh thiện: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.
-Sống lại với Chúa Giê-su còn là việc chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giê-su như lời thánh Phao-lô kêu gọi(Rm 13, 13-14): “hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt”.
-Và còn phải lo TRUYỀN GIÁO, vì 2015 này kỷ niệm 50 sắc lệnh TRUYỀN GIÁO của thánh CĐVTC2.Bài đọc 1Cv 10,34.37-43,CT thấy Viên quan bách quản Rôma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về DANH Chúa Giêsu PS, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông vnày niềm tin căn bản này: Đức Giêsu đã phục sinh,Đây là bài giảng đầu tiên và CT hôm nay nữ. Thánh Kinh gọi la bài giảng truyền giáo, là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là :a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.b) Cái chết của Ngài.c) Việc Ngài sống lại.d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.
-Trong TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG,Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ,VỀ VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY,MỞ ĐẦU,1.…Trong Tông Huấn này, tôi muốn khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội Thánh trong những năm tới…3. Tôi mời mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày.
-Mua chay 2015 vua qua,Bản học hỏi Thư mục vụ 2015 của Hội đồng Giám mục Việt Nam&Năm Thánh GP VINH, Hướng dẫn của Giáo Hội, Phúc-âm-hoá gia đình giáo xứ, nghĩa là làm cho giáo xứ được:(1) thấm đẫm tinh thần Phúc Âm -(2) chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.
-Kim chỉ nam cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng của giáo xứ la mời gọi đọc lại Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ 2,42 để khám phá ra 4 đặc tính của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên:“Các tín hữu (1) chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, (2) luôn luôn hiệp thông với nhau, (3) siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và (4) cầu nguyện không ngừng”.
-Để trở thành một “cộng đoàn siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ”, giáo xứ cần lưu ý 2 điều:(1) cần làm cách ý thức và sống động hơn, (2) cần làm không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống của cộng đoàn.
-Một cộng đoàn “hiệp thông” được thể hiện qua 2 khía cạnh:(1) Hiệp thông trong cộng đoàn: Sự hiệp thông trong cộng đoàn: (1) dựa trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy, và được biểu hiện cách cụ thể qua (2a) sự tôn trọng, (2b) sự cộng tác và (2c) sự chia sẻ với nhau trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng.
-Cách đặc biệt, các thành viên hội đồng giáo xứ cần được đào tạo để: (1) hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và (2) cộng tác với các linh mục để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ…hy sinh,tan bien,lot xac…
*-Truyện lien he va ket: Phải biết tan biến đi…Chuyện kể ngụ ngôn Ả RẬP sau đây :Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm : - Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.Dòng suối giận dữ :- Nhưng ta có phải là gió đâu?Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này : nó vẫn chưa hiểu được  tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình ? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân  một cách nguyên vẹn ? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng:- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.Tiếng nói thì thầm giải thích: - Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc:- Vẫn một dòng suối như cũ ư ?Giọng nói giải thích :- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi. Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn…
Chia Sẻ Lời Chúa Thứ 7 Vọng Phục Sinh 2015
 PHÚC ÂM: Mc 16, 1-8/ “…Hết ngày Sabbat, bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và bà Salômê mua thuốc thơm để đi xức xác Chúa Giêsu. Và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời hé mọc, các bà đến mồ, họ bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ cho chúng ta?" Khi đưa mắt nhìn, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra bên cạnh. Mà tảng đá đó rất lớn. Các bà đi vào trong mồ, thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà rằng: "Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đã đặt Người. Các bà hãy nói với các môn đệ Người, nhất là với Phêrô rằng: Người đến xứ Galilêa trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước". Nhưng các bà chạy ra khỏi mồ trốn đi, run rẩy kinh hồn chẳng dám nói gì với ai vì sợ hãi...”Đó là lời Chúa.
- Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa đã chết.” Đã có lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa. Nhưng rồi cho dù nhân loại có tốn bao nhiêu giấy mực, có tốn bao nhiêu công sức bỏ vào các công trình nghiên cứu đồ sộ để loại trừ Thiên Chúa, Ngài vẫn hiện diện trong thế giới,xung quanh ta và trong lòng mỗi người chúng ta. Có thể nói nơi nào có con người là nơi đó có những cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa ,mặc dù có khi là khác nhau.
-Thế nên, niềm tin vào Thiên Chúa đã gắn liền với bản tính con người. Con người là loài vật duy nhất có khả năng nhìn nhận Thiên Chúa và bày tỏ những hình thức tôn thờ Ngài. Đó là một chân lý mà không ai có quyền bác bỏ. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người mà những ai có lương tri đều phải nhìn nhận và tôn trọng.
Cách đây hơn hai ngàn mười lăm năm, những quan chức Do Thái đạo lẫn đời đã từng tưởng rằng: cái chết của Chúa Giêsu sẽ kết thúc mọi lời rao giảng của Ngài, kết thúc mọi công trình mà Ngài đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng. Chính những người Do Thái  tưởng rằng sau cái chết của Giêsu thì mọi sự sẽ tan rã như thân xác của Ngài cũng sẽ tan rã theo quy luật của thiên nhiên. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra,vì Cửa huyệt chôn CHÚA đã bị bật tung.
Chúa đã sống lại thật…Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây đền thờ Giêrusalem  trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại.
 -Cả bốn sách Tin mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các tông đồ và một số phụ nữ,những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu.
-Như vậy: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một định lý,một sự kiện tự nhiên, mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin : phúc cho ai không thấy mà tin.
Nhưng Phải sống theo niềm tin ấy
-Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu : “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa…”. Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh Kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta.Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này!
-Do đó Trong cuộc sống, chúng ta phải chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang như lời Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được  nhiều hạt khác”.
-Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
-Thực ra thì thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói : 
Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau  một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.  
-Vậy Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai  chiến đấu và kiên trì cho đến cùng. Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn và đã sống lại vinh quang sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách.  Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.Amen
BÀI ĐỌC I: Is 52, 13-53, 12;BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9; PHÚC ÂM: Ga 18, 1 - 19, 42
-Hôm nay, ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta kính nhớ Chúa Giêsu chịu chết. Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn ngắm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chân tay đanh nhọn đâm thâu, máu cùng nước chảy ra, làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, trên Thánh Giá…
-Tuy nhiên,Ngày thứ 6 tuần Thánh, ta cũng được mời gọi suy niệm về bài Thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có bài Thương khó là dài nhất trong tất cả các bài Tin Mừng được chọn để suy niệm trong các thánh lễ.Cũng vì thế, chỉ có bài Thương khó là xuất hiện nhiều nhân vật nhất so với tất cả các bài Tin Mừng. Dường như những nhân vật ấy - dù bạo quyền hay hiền lành, dù kiêu ngạo hay khiêm tốn, dù yêu thương hay hận thù, dù có thế lực hay chỉ là một người dân bình thường, dù khiếp sợ hay can đảm, dù kẻ thù hay người thân…được xuất hiện để đại diện cho mọi tầng lớp người, qua bao nhiêu thế hệ, chứng kiến cuộc Thương Khó đau khổ, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.
-Trong đó, ta thấy thánh Phêrô là nhân vật vẽ lên khuôn mặt của mỗi người KTH chúng ta. Chính nơi thánh Phêrô chắc chắn ta sẽ có những bài học cần thiết quý giá cho việc chúng ta sống tuần Thánh và ơn gọi KTH.
-Ngay trước giờ Chúa Giêsu thụ nạn chỉ có vài tiếng đồng hồ, thánh Phêrô còn tuyên bố với Thầy rất khẳng khái, rất trung thành, rất dứt khoát: “Thưa Thầy, dù có vào tù, hay phải chết vì Thầy, con vẫn một mực theo Thầy”.
-Vậy mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ, thánh Phêrô đã quên mất những lời khẳng định đầy quyết liệt ấy…Trước mặt một đầy tớ gái và những đầy tớ khác của thượng tế Caipha, chính miệng Phêrô đã phăng phắc chối Thầy: “Tôi không biết ông Giêsu”. Lời chối bỏ ấy không phải một nhưng là ba lần; không phải ba lần trong ba năm hay ba tháng, mà chỉ xảy ra cách nhau chưa đầy hai canh gà gáy…Chỉ chối Thầy một lần thôi, đã là điều khó hiểu. Đàng này Phêrô đã liên tục ba lần chối Thầy và chối nhanh đến mức khó tưởng tượng. Đối tượng mà Phêrô phải khiếp sợ đó không phải là người quyền cao chức trọng,mà chỉ là một đứa đầy tớ gái.
- Ba lần chối Thầy là ba vết thương lòng làm Phêrô đau đớn. Bởi đó khi nhận ra mình, khi biết mình tệ bạc bất trung cùng Thầy, thánh Phêrô hối hận và khóc lóc thảm thiết,như ngắm thương khó mùa chay tuần thánh.
+Nhìn ngắm thánh Phêrô để thấy con người chúng ta. Trong thâm tâm mình, ta vẫn khẳng định rằng: Con sẽ theo Chúa. Con quyết tâm trung thành với Chúa. Con muốn giữ Chúa cho con và muốn giữ con ở mãi bên Chúa!..Mong muốn là thế, Kể cả những lần quyết tâm mạnh mẽ. Nhưng không hiểu sao, rất nhiều lần, ta đã thiếu trung thành, đã lỗi phạm. Có khi còn phạm những tội quá sức lớn. Lớn đến mức, khi đủ bình tĩnh để nhìn lại, ta cảm thấy sợ hãi và mất bình an…
-Tấm gương ăn năn tội của thánh Phêrô là bài học lớn cho ta.Vậy ta hãy trở về với Chúa. Hãy dứt khoát ăn năn dốc lòng chừa bỏ tội lỗi của mình. Hãy làm lại những gì đã đánh mất. Hãy lấy lại ơn Chúa trong bí tích giải tội. Những gì thánh Phêrô đã trải qua và cả cuộc đời, thánh nhân hiến dâng cho Thiên Chúa, hiến dâng đến giọt máu cuối cùng, hy sinh làm của lễ hiến tế như Chúa Kitô.Vậy chúng ta cố gắng vươn lên để sống, để tôn thờ Chúa, để ơn cứu độ của Chúa Kitô không trở thành vô ích với chúng ta.
- Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu, tặng quà cho họ; cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, bao gồm sự đau khổ vì người mình yêu…Thì Thiên Chúa đã yêu con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng con người, ban cho con người những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau để cứu chuộc ta.
- Trích bài giảng của Đức Cha Mê-li-ton, giám mục Xác-đê, về mầu nhiệm Vượt Qua/Bài đọc 2 KST5TT/Con Thiên Chúa sát tế đã cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta đến sự sống: “...Người đã hứng chịu những nỗi đau khổ của con người đau khổ trong thân xác phải đau khổ, và đã tiêu diệt những đau khổ của thân xác. Người đã lấy tinh thần không thể chết mà giết cái chết giết người…Người đã dùng Thần Khí của Người mà đóng ấn vào linh hồn chúng ta, và lấy máu mình mà đóng ấn vào các chi thể trong thân xác chúng ta…Chính Người đã làm cho sự chết phải xấu hổ và khiến ma quỷ phải rên la như ông Mô-sê đã làm cho Pha-ra-ô. Chính Người đã trừng phạt sự gian ác và bất công như ông Mô-sê đã lên án cho Ai-cập phải khô cằn…Chính Người đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ để được tự do, khỏi bóng tối mà vào ánh sáng, khỏi phải chết mà được sống, khỏi ách bạo Chúa mà vào vương quốc vĩnh cửu, và làm cho chúng ta thành hàng tư tế mới, thành dân được tuyển chọn, tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Chiên Vượt Qua đem lại ơn cứu độ…”.
-Nguyện xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta, trong tuần Thánh này và trong cuộc đời thật tốt lành. Sống trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “THÁNH THIỆN”, để có thể mừng Chúa Kitô sống lại, và chúng ta xứng đáng đón nhận tràn đầy sức sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh-Amen
CHIA SẺ LỜI CHÚA THỨ NĂM  TUẦN THÁNH 2015
PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15: “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con". Đó là lời Chúa.
-Người ta nói rằng: chim Yến là loài chim không thích cạnh tranh với muôn loài, nên đã chọn nơi thâm sơn cùng cốc, hải đảo xa xôi để xây tổ ấm. Chim yến luôn bay theo hướng mặt trời và không hề đậu lại để nghỉ ngơi…Chim Yến cũng không bao giờ uống nước sông suối ao hồ mà uống hơi sương của sáng sớm và chiều tà. Điều đặc biệt của chim Yến là chúng làm tổ bằng cách tiết nước bọt đặc biệt của mình-đôi khi trộn với cả máu, tạo thành sợi, kết làm tổ để chuẩn bị sẵn sàng cho những Yến con sắp ra đời. Với cách làm tổ bằng chất liệu từ ruột gan rút ra, phải có một tình yêu con mãnh liệt lắm, Yến mới không ngại hy sinh cho con sự sống,Chim Yến đã rút ruột mình cho con. Chim Yến dùng mạng sống mình để bảo vệ, che chở và nuôi sống đàn con, trao ban mà không bao giờ mong đền đáp…
-Chiều hôm nay CT cũng phải thấy được tình yêu của CHÚA,chúng ta phải sống lại biến cố Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và cho cả nhân trần cách đây hơn hai nghìn mười lăm năm. Chúa rửa chân cho các môn đệ và ban thịt máu mình cho nhân loại vì yêu thương. Các Tin Mừng nhất lãm không đề cập gì tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nhưng thánh Gioan thì tường thuật lại việc này một cách rất tỉ mỉ, chi tiết…Để diễn tả tình yêu, Đức Giêsu đã chỗi dậy, bỏ áo xuống, thắt lưng mình,rửa chân cho các môn đệ, rồi lấy khăn thắt lưng mà lau.Chúa Giêsu cho thấy cái tương phản giữa sự cao cả của Ngài và sự yếu hèn tầm thường
của các môn đệ. Và việc rửa chân đã xẩy ra giữa bữa ăn chứ không phải ngay từ đầu bữa ăn. Do đó, nó cho thấy tính cách ngôn sứ của việc Ngài làm. Ở đây nói lên sự vượt qua của Ngài, khác nào dân Do Thái khi xưa đi qua biển đỏ. Vượt qua đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là trở về cùng Chúa cha, nhưng còn có nghĩa trao ban thịt máu, là thí mạng vì đoàn chiên. Chính vì thế, thánh Gioan đã tả lại hành vi của Đức Giêsu là:Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra. Đây là hành vi lột bỏ tất cả, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ. Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá. Việc Ngài cầm chậu quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philip: “Người đã lĩnh lấy thân phận tôi đòi”.
-Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả “yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”.“Yêu đến cùng” theo cách của Chúa Giêsu là trao ban tất cả, tận hiến tất cả,đến cả mạng sống mình.  Đó là một tình yêu vô vị lợi, không chút tính toán , không mảy may vụ lợi. “Yêu đến cùng” còn là sống trọn vẹn, là “chơi xả láng”.
-Đó chính là từ ngữ mà Thánh Gioan Tông Đồ diễn tả về cách sống của Chúa Giêsu đối với các Môn Đệ của Mình và cho cả chúng ta. Tình yêu ấy muốn trao ban tất cả những gì là tốt đẹp, là thiện hảo nhất cho người mình yêu.“Yêu đến cùng” là quỳ gối xuống, trở thành kẻ tôi đòi, chấp nhận thân phận của một người phục vụ, để mong cho anh em được lớn lên,“Không còn vẻ hình hài, dáng dấp oai phong”,nhưng trở nên “Con chiên gánh tội trần gian”.
“Yêu đến cùng” còn là trở nên chiếc bánh cho mọi người ăn, trở nên máu cho mọi người uống.Tình yêu của Chúa đã đi đến tuyệt đỉnh, để như hạt lúa bị chôn vùi, thối đi, để con người chúng ta có được mùa gặt bội thu.
-Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra nhân đạo và tự chủ hết mình trước kẻ phản bội.Ở đây chúng ta nhận ra một điểm sâu xa khác là Ngài hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ này của Đức Giêsu cũng đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.
- Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh lễ vượt qua của người Do Thái để tiên báo mầu
nhiệm tự hủy của ngài. Yêu đến cùng là chấp nhận sống cảnh âm thầm, vô danh. Yêu đến cùng là sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi để người khác được nhiều phần lợi hơn. Yêu đến cùng đòi hỏi quảng đại hy sinh như: chủ nhân  trở thành tôi tớ bằng cách tự nguyện phục vụ, Thiên Chúa trở thành “kẻ tội đồ” để mang lại sự sống cho kẻ tin. Yêu đến cùng không chỉ có tấm lòng nhưng là thể bằng hành động cụ thể.Học chữ “yêu” của Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ, chịu thua lỗ, để anh em mình “được lời”. Sống chữ “yêu” của Chúa, chúng ta hãy tập cho mình thái độ “cúi mình, uốn cong lưng xuống” để phục vụ và sống vì, sống cho anh em.
-Hôm nay, cũng là ngày kỷ niệm CHÚA GIÊSU thiết lập chức linh mục để ngài ở lại với loài người, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều linh mục biết đến để phục vụ chứ không để người khác phục vụ…Tuy nhiên,CT cũng có dịp để tự hỏi mình hay là phải xem lại thái độ của CT đối với các linh mục/thay mặt CHÚA,nhất là đức vâng lời của CT đối với linh mục quản xứ của mình…
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu rõ những hành vi, cử chỉ của Chúa để cố thực hành.Nguyện xin Chúa là Đấng đã cúi mình phục vụ xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn để phục vụ nhau. Amen

CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B2015
Lời Chúa:Is 50, 4-7;Pl 2, 6-11;Bài Thương Khó: Mc 14, 1 - 15. 47(bài dài)
-Một trận lở đất nhỏ tại khi vực núi San Francisco thuộc Putumayo, Colombia vào thứ 7 ngày 21.03 vừa qua đã vô tình tạo nên cảnh tượng rất giống gương mặt của Chúa Jesus trên nền đất…Chỉ sau hai ngày những hình ảnh về vụ lở đất được đăng lên mạng, đã có rất nhiều du khách, bao gồm cả các giáo dân và người bình thường kéo tới đây xem vì tò mò…Ximena Rosero Arango, một nhiếp ảnh gia tới đây chụp ảnh đã nói với phóng viên:“Nếu bạn tin vào Chúa, bạn sẽ nhìn thấy được hình ảnh đó”.Gương mặt trên nền đất bao gồm đầy đủ hai mắt, mũi và miệng được tạo thành hoàn toàn tự nhiên bởi đất đá xung quanh…Tuy vậy, vẫn có không ít người hoài nghi rằng hình ảnh trên được tạo ra từ bàn tay con người với mục đích nào đó, còn với những người theo đạo Thiên Chúa, họ tin rằng đây là một phép màu diệu kỳ hiện hữu ngay trong đời sống của chúng ta…
-BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MACCÔ HÔM NAY CŨNG LÀ MỘT TRÌNH THUẬT KỲ DIỆU VỪA XẢY RA VỚI CHÚNG TA…
1- Một trình thuật có sự liên kết rất chặt chẽ.Trình thuật Cuộc Khổ Nạn chiếm một khoảng lớn trong Tin Mừng Maccô, bởi vì nó chiếm đến hai chương, gồm một đoạn nhập đề và hai phần, tất cả đều liên kết với nhau rất chặt chẽ.
-Nhập đề (14,1-11) mở đầu trình thuật bằng ba phối cảnh, hướng dẫn độc giả vào cuộc, đó là:+ Âm mưu chống Đức Giêsu, nguồn gốc của tấn thảm kịch,+ Xức dầu tại Bêtania, cử chỉ có tính tiên tri báo trước việc táng xác,+ Giuđa phản bội, khai mào thảm kịch.
- Phần thứ nhất (14,12-52) của trình thuật xoay quanh bữa tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu với các môn đệ,Chuẩn bị bữa Tiệc ly,Thông báo việc Giuđa phản bội,Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể,Tiên báo việc Phêrô chối Người,Lời cầu nguyện trong vườn Ghetsêmani,Đức Giêsu bị bắt.
- Phần thứ hai dẫn chúng ta vào giữa tấn thảm kịch, qua việc Xét Xử và Lên án Tử cho Đức Giêsu,Vụ Xét Xử diễn tiến trong hai giai đoạn:Toà án Do Thái, trước Thượng Hội Đồng,Toà án Rôma, trước tổng trấn Philatô. Trong hai giai đoạn này, có kèm hai sự cố,Phêrô chối Thầy,Quân lính nhạo cười Chúa.Thi hành án tử cho Đức Giêsu, Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.Đức Giêsu chết trên thập giá(15,33-41): trọng tâm của trình thuật,Và Sau cùng, Đức Giêsu được mai táng.
2-Chóp đỉnh của trình thuật là: một người ngoại giáo tuyên xưng đức tin…- Những biến cố được thuật lại cách hờ hững,có thể làm chúng ta bực bội. Như thế, cùng với Maccô và các môn đệ, ta có thể nhận thức được rằng: việc thực thi kế hoạch của Thiên Chúa làm cho con người cảm thấy hụt hẫng. Thập giá đúng là cớ vấp phạm.Vậy mà chính ở đó mầu nhiệm Con Thiên Chúa được mạc khải!
3- Sự Thinh Lặng của Đức Giêsu thật đáng kinh ngạc.-E. Charpentier giải thích: "Đức Giêsu biết rằng mầu nhiệm của Người vượt quá tầm hiểu biết của loài người. Người biết rằng: chúng ta bị "tắc nghẽn”.Bởi vậy, trong cuộc đời công khai, Người đã từ chối nói ra Người là ai. Trong cuộc thương khó, Người chịu vén mở một chút bức màn thinh lặng bởi vì Người đã bị kết án tử và không còn nguy cơ diễn dịch danh hiệu của Người theo nghĩa ham muốn quyền lực, " .
-Mặc dù bị thúc bách bởi những câu thẩm vấn, Người chỉ mở miệng ba lần sau khi bị bắt:-1/Khi vị thượng tế hỏi Người có phải là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa không, Người đáp: Phải, chính thế. Rồi Người giới
thiệu mình là "Con Người”, Đấng mà ngôn sứ Đaniel đã loan báo sẽ đến vào ngày tận thế, để phán xét chung.-2/Khi Philatô hỏi với ẩn ý chính trị rằng Ngài có phải "Vua dân Do Thái" không, Đức Giêsu xác nhận lời ông: “Chính như ngài nói đó”. Nhưng rồi Ngài thinh lặng("Đức Giêsu không trả lời gì nữa"), ngay cả khi liên quan đến số phận của Ngài.
-Điều đó nhắc ta nhớ "Người Tôi Tớ đau khổ trong sách Ngôn sứ Isaia(Is 53, 7): "Bị ngược đãi Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xé lông ".-3/Sau cùng, trên thập giá, Người mượn lời kêu than của người vô tội bị bách hại trong TV 21: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con" để nói lên tiếng than van trong cơn nguy khốn và kết thúc bằng lời ca hy vọng tuyệt vời.
-Chính trong giờ phút Đức Giêsu chết bị mọi người bỏ rơi, trong khi gánh mọi đau khổ, mọi tang tóc của nhân thế, chúng ta nghe vang lên Lời Tuyên Xưng Đức Tin của viên sĩ quan Rôma, chóp đỉnh của Tin Mừng: Quả thật người này là Con Thiên Chúa”…
- J. Hervieux nhận xét:"… Trong nhân vật sĩ quan Rôma, (người đứng trông coi việc thi hành án tử), ông nhìn thấy các dân ngoại đang ăn năn trở lại. Ngay lập tức, người ngoại này đã tặng Đức Giêsu danh hiệu cao cả trên mọi danh hiệu. Ngài không những là Đấng Mêsia dân Do thái trông đợi mà còn là "Con Thiên Chúa"
+Ngày lễ hôm nay, khi nghe bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Có người đã viết như thế này:“Giữa Chúa nhật lễ lá và thứ Sáu
Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu: Hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa: vạn tuế, vạn tuế, ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét: đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh hắn vào thập giá. Hôm nay chúng ta yêu thương, ngày mai chúng ta oán ghét. Hôm nay chúng ta hân hoan, ngày mai chúng ta buồn sầu. Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ. Hôm nay chúng ta tin tưởng, ngày mai chúng ta hoài nghi…”.
-Cành lá dừa xanh tươi tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa nhật lễ lá, như hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng. Tuy nhiên,cũng đề cập đến khía cạnh tiêu cực của cuộc sống như khước từ, oán ghét, buồn phiền, hung dữ, hoài nghi, nếu diễn giả tuốt bỏ phần lá xanh, chỉ còn để lại cọng của cành lá dừa.Và có thể biến thành một bó roi có thể CT dùng để hành hạ CHÚA,sát phạt lẫn nhau, biến thiên đàng thành địa ngục…
-Bắt đầu Tuần Thánh,Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta nhìn vào thánh giá CHÚA để thấy những ý nghĩa sâu xa này:Thấy đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chúa bên trong, sự chết của con người và sự sống lại của Thiên Chúa, bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, sự ích kỷ của ta và sự hy sinh của Thiên Chúa, sự kiêu căng của ta và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự bất lực của ta và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa, sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa,như lời thánh Phaolô đã dạy: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa”.Amen
 
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY B 2015
Lời Chúa: Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
(Ga 12,20-33) : “Vào dịp lễ Vượt Qua năm ấy, 20 trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. 21 Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu". 22 Ông Philipphê đi nói với ông Anrê. Ông Anrê cùng với ông Philipphê đến thưa với Ðức Giêsu. 23 Ðức Giêsu trả lời: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy". 27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha". Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta Ta sẽ còn tôn vinh nữa!" .29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: " Ðó là tiếng sấm!" Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!" 30 Ðức Giêsu đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi". 33 Ðức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
*Với Phụng vụ LỜI CHÚA hôm nay, Giáo hội đọc lại cho chúng ta những lời ca thán của tiên tri Giêremia nơi BĐ1, những lời não nuột thống thiết khi đạo quân Babylone bao vây Giêrusalem, dân Chúa lâm cảnh lưu đày. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa tình thương,nên giữa đêm tối vẫn lóe lên ánh sáng, giữa bao đổ vỡ thất vọng vẫn tái xuất niềm hy vọng: "Đây tới ngày Ta ký kết với dân Ta Giao ước mới, Ta sẽ là Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta...Ta sẽ tha tội ác của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa.". Những lời ấy sẽ thực hiện nơi Chúa Giêsu khi Ngài cho "chúng ta uống vào chén tân ước vĩnh cửu, chén máu của Ngài sẽ đổ ra cho chúng ta và nhiều người được tha tội.".
-Trong BĐ2,Thư gửi Giáo đoàn DO THÁI/Hebrô, niềm hy vọng ấy lại được nhắc lại cho nhóm giáo dân tiên khởi, cũng đang hoang mang run sợ khi nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Từng đoàn người bị phát lưu đi cùng đế quốc, sau biến cố năm 70 thành Giêrusalem bị bình địa, đền thờ bị phá hủy, "không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào." .
*Một vài người Hy Lạp đã muốn gặp Đức Giêsu, không phải chỉ để nhìn thấy Người, nhưng là để biết Người, khám phá ra "căn cước" của Người. Câu 20 của Tin Mừng hôm nay dường như cho hiểu rằng những người ngoại quốc kia đang thực hiện một hành trình thiêng liêng dài, và bây giờ cần "gặp" Đức Giêsu.Họ không đến gặp Đức Giêsu trực tiếp, trước hết họ đến gặp các môn đệ.Họ ngỏ lời với Philípphê, ông này lại nói với Anrê, và cả hai đã đến thưa với Đức Giêsu. Những người kia đã ngỏ lời với Philípphê vì ông (cũng như Anrê) có tên gọi Hy Lạp và phát xuất từ vùng giáp ranh của Galilê với thế giới Hy Lạp.Philípphê và Anrê đã ở trong số những môn đệ đầu tiên, vì muốn biết Đức Giêsu, đã đến với
Người và đã là những người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm và đưa những người khác đến với Người. Trong truyện này, ta thấy được bổn phận họ,cũng như của người KTHCT phải chu toàn trong đời sống là: làm trung gian để cho nhân loại có thể gặp Đức Giêsu.Bản văn chỉ cho thấy Đức Giêsu không ngỏ lời trực tiếp với họ. Nhưng bây giờ, chỉ còn ít ngày nữa trước khi Người chịu chết, và bởi vì những người này đã đến với Người, Người xác định tầm quan trọng và hiệu năng của cái chết của Người trên thập giá và gửi đến dân Do Thái lời kêu gọi cuối cùng.
-Như vậy, ta hiểu việc người ngoại đi tìm một trung gian dường như có một ý nghĩa biểu tượng. Thế giới ngoại giáo chưa hề biết trực tiếp Đức Giêsu, mà chỉ nhờ lời rao giảng của các tông đồ: người ngoại đã "thấy" Đức Giêsu nhờ Tin Mừng được rao giảng cho họ.
-Nhưng giữa ước muốn được "thấy" Đức Giêsu và việc "gặp" Đức Giêsu, tức đi vào Vương quốc nhờ lời rao giảng của các tông đồ, còn có cuộc Thương Khó-Chết-Phục Sinh của Đức Giêsu, tức là "giờ" của Người. Chỉ khi đó mọi hàng rào được dựng lên bởi các chủ trương đặc thù bè phái mới đổ hết.
*Theo từ ngữ Thánh Kinh, "Giờ của Chúa Giêsu" là giờ tử nạn, vì là giờ Ngài hoàn tất sứ mạng cứu chuộc. Hình ảnh hạt lúa vùi xuống đất, bừng lên đầy nhựa sống, là hình ảnh mầu nhiệm phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng phục sinh.Kể từ câu 23, tác giả TM IV chẳng còn nói gì đến những người ngoại kia nữa, hay là đến thỉnh nguyện của họ có được thoả mãn hay không. Ta gặp kiểu viết tương tự trong cuộc gặp gỡ của Nicôđêmô: đến một lúc nào đó, bài tường thuật thôi nói về ông, để nhường chỗ cho những lời nói của Đức Giêsu và những suy tư của tác giả.Sự xuất hiện của những người ngoại giáo và thỉnh nguyện của họ khiến Đức Giêsu hiểu rằng giờ mà Người hằng
mong đợi, mà TM IV cho thấy thực sự đã đến. Đây là giờ của "Con Người", giờ Đức Giêsu chiến thắng bằng cách đi qua thập giá, giờ Người được "tôn vinh". "Giờ" của Người đã được Chúa Cha quyết định.
-Đức Giêsu nhắc lại kinh nghiệm sống mỗi ngày: Chỉ khi một hạt lúa mì bị hủy đi, nó mới trở thành một khối lượng lúa lớn. Chính là vì Người đã chịu cái chết và đã tỏ chính mình ra trong cái chết, mà Đức Giêsu sẽ quy tụ lại quanh Người một đoàn người đông đảo.
*Chúa Giêsu không muốn chúng ta sống như hạt lúa đơn độc trên vệ đường, chỉ biết sống cho mình rồi rốt cuộc phải tiêu vong. Ngài muốn chúng ta bước theo Ngài để chuyển hoá gấp trăm…Để được như thế, chúng ta hãy nên như hạt lúa bị chôn vùi, nghĩa là hãy chấp nhận hy sinh quên mình vì hạnh phúc người khác; hãy cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu, cùng vác thập giá hằng ngày với Ngài, chấp nhận cống hiến tài sức của mình để phụng sự Chúa và phục vụ muôn người.
*Tĩnh tâm mùa chay 2015,Bản học hỏi Thư mục vụ 2015 của Hội đồng Giám mục Việt Nam - I. TÂN PHÚC-ÂM-HOÁ ĐỜI SỐNG CÁC GIÁO XỨ,A. Hướng dẫn của Giáo Hội:-4. Kim chỉ nam cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng của giáo xứ,Thư mục vụ mời gọi CT đọc lại Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ 2,42 để khám phá ra 4 đặc tính của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, khi cố gắng chu toàn sứ mạng Loan báo Tin Mừng:“Các tín hữu (1) chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, (2) luôn luôn hiệp thông với nhau, (3) siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và (4) cầu nguyện không ngừng”;+4a) Thế nào là một cộng đoàn “siêng năng tham dự thánh lễ và cầu nguyện không ngừng”?
-Để trở thành một “cộng đoàn siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ”, giáo xứ cần lưu ý 2 điều:-(1) cần làm cách ý thức và sống động hơn, -(2) cần làm không những để chu toàn lề luật, mà còn để gặp
gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống của cộng đoàn.Việc thực hiện như thế sẽ đem lại 2 hiệu quả:(1) Phụng vụ sẽ trở thành nguồn lực thánh hoá bản thân và (2) tinh thần Phúc Âm sẽ được đem vào môi trường sống trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.-4c) Thế nào là một cộng đoàn “hiệp thông”? .Một cộng đoàn “hiệp thông” được thể hiện qua 2 khía cạnh:(1) Hiệp thông trong cộng đoàn: Sự hiệp thông trong cộng đoàn: (1) dựa trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy, và được biểu hiện cách cụ thể qua (2a) sự tôn trọng, (2b) sự cộng tác và (2c) sự chia sẻ với nhau trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng.Cách đặc biệt, các thành viên hội đồng giáo xứ cần được đào tạo để:(1) hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và (2) cộng tác với các linh mục để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.B. Thực trạng mục vụ nổi bật.6. Đâu là đặc tính nổi bật và quan trọng của cộng đoàn dân Chúa?.-Hai tính chất quan trọng mà cộng đoàn dân Chúa cần thực hiện là hiệp nhất và yêu thương.Khi giáo xứ sống và nêu gương về hai điều này, thì (a) vẻ đẹp và niềm vui của Phúc Âm sẽ được lan tỏa rộng rãi và (b) thu hút nhiều người đến với Chúa.Phải có rất nhiều can đảm mới có thể đáp lời mời gọi này.
-Thánh Phanxicô Xaviê khi rao giảng cho dân chúng luôn luôn cầm trong tay một cây Thánh giá lớn. Một hôm đang giảng cho dân từng từng lớp lớp đứng trên bãi biển, mệt quá cây Thập giá rời khỏi tay và rơi tỏm xuống biển. Ngài buồn rầu cầu nguyện. Thì bỗng có một con cua từ dưới biển bò lên, hai càng gậm cây Thánh giá. Ngài vui mừng cám tạ ơn Chúa. Vị Thánh Quan Thầy xứ truyền giáo ấy đã rửa tội gần một triệu người.
-Thiết tưởng, mùa chay,mùa làm phúc,mùa tĩnh tâm, là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Hãy hy sinh những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho tha nhân cho giáo hội…Amen

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!