CHIA SẺ LỄ CN33TN2014,KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM



Lời Chúa: Kn 3,1-9 hoặc 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29;2Cr 4,7-15;Lc 9,23-26,hoặc Ga 17,11b-19 Hoặc Mt 10,17-22.
-Mt 10,17-22: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng:Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói gì; vì chưng không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét; nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".- Ðó là Lời Chúa.- Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa. 
-…Đoạn Tin Mừng Mt 10, 17-22 này là một trong các đoạn được dành đọc ngày mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhưng để hiểu sâu xa hơn đoạn Tin Mừng nầy chúng ta sẽ đặt nó vào trong phân đoạn trọn vẹn của nó, nghĩa là trong Mt 10,17-25. Trong văn mạch của Tin Mừng Mát-thêu, phân đoạn về những huấn thị bách hại ở đây Khởi đi từ câu 17, những huấn thị được đặt trên một dấu nhấn hoàn toàn khác,là những cuộc bách hại sắp đến. Các môn đệ không chỉ bị thù ghét, nhưng những thử thách của họ được mô tả một cách chính xác, đến nỗi có thể định vị môi trường của chúng nữa.
-Chúng ta có thể phân chia phân đoạn nầy như sau: cuộc bách hại ngoài xã hội ở các câu 17-20, cuộc bách hại trong gia đình ở các câu 21-22, thái độ cần phải có trong hoàn cảnh bách hại ở câu 23, và phần kết luận ở các câu 24-25.
-Trong Cuộc bách hại ngoài xã hội ở các câu 17-20.Câu 17 bắt đầu rằng: “Hãy coi chừng người đời”. Động từ “coi chừng” mặc lấy hai nét nghĩa: hoặc bác bỏ, từ chối điều gì đó, hay đề phòng cảnh giác trong hoàn cảnh khó khăn. Văn mạch nhấn mạnh đến nét nghĩa thứ hai là: Đức Giê-su không khuyên các môn đệ của Ngài nên trốn chạy khỏi “người đời”, nhưng trong những cuộc gặp gỡ của họ với người đời, nên giữ mình khỏi mọi ảo tưởng. Các môn đệ đừng quên rằng Thầy của họ đã bị những người đời nầy tìm cách khai trừ, loại bỏ.
-Phần tiếp theo của câu 17 cho thấy rằng “người đời” nầy không ai khác là người Do thái và các thế lực thù địch của TM.Câu 18 cho thấy bối cảnh của cuộc bách hại có thể vừa ở trong nhưng cũng vừa ở ngoài xứ Pa-lét-tin. Trong xứ Pa-lét-tin, họ có thể bị bắt và bị điệu ra trước mặt vua chúa (như dòng dõi Hê-rô-đê) quan quyền (như chính quyền chiếm đóng Rô-ma) hoặc ngoài xứ Pa-lét-tin, bởi các giới cầm quyền dân ngoại. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, các Kitô hữu đừng quên rằng những cách hành xử đầy bạo lực là dịp là cơ hội để làm chứng cho Đức Kitô và Nước Trời. Lời chứng nầy nêu bật tính chất vừa công chúng vừa chính trị,nghĩa là các vua chúa và dân chúng có dịp nghe nói về Đức Giê-su và Nước Trời.
-Tiếp theo là Lời hứa của Chúa Giê-su ở các câu 19-20,cho các môn đệ trong hoàn cảnh bị bách hại. Chính vì làm chứng cho Thầy mình mà họ không cần  lo nghĩ phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ ban cho họ Thần Khí để giúp đỡ.Câu 21 cảnh báo rằng ngay cả những người thân thuộc trong gia đình cũng có thể sẽ tố cáo môn đệ của ĐKT, vì họ dám chấp nhận sống lý tưởng của ngài. Còn câu 22 đề cập đến việc họ sẽ bị mọi người thù ghét vì ĐKT, nhưng hứa rằng những ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ…
-Sau cùng Câu 23 diễn tả thái độ phải có trong hoàn cảnh bị bách hại. Người Kitô hữu không phải đưa thân mình ra cho những kẻ bách hại làm khổ, nhưng là “khi người ta bách hại anh em trong thành nầy, thì hãy trốn chạy sang thành khác”. Bởi lẽ nếu thành này xua đuổi thì phải đến thành khác để loan báo Tin Mừng. Như vậy, sứ mạng loan báo Tin Mừng vẫn phải luôn là bổn phận của những người môn đệ của ĐKT cho đến cùng.
-Vậy, cùng với 2 câu cuối là 24-25,đoạn TM này đã cho thấy Các môn đệ của Đức Giê-su không mong đợi một vận mệnh nào khác ngoài vận mệnh của Thầy mình. Thầy và trò, chủ và tớ được đặt vào trong cùng một thân phận là:“Trò được như thầy, tớ được như chủ”. Tuy nhiên, diễn ngữ nầy không nhằm đưa ra một sự so sánh, cho bằng bày tỏ căn tính đồng nhất giữa Thầy và trò về vận mệnh trần thế. Nếu cả hai đều chia sẻ cùng một vận mệnh là: chịu đau khổ, bị bách hại và bị kết án tử, điều đó không muốn nói rằng Thầy khai mở cho môn đệ của mình sống
lại cuộc mạo hiểm mà chính Thầy đã kinh qua; bởi vì tuy cả hai giống nhau trong những diễn biến bên ngoài, nhưng lại khác nhau trong ý nghĩa và tầm mức.Vì Đau khổ của Đức Giê-su là đau khổ của Đấng mà ở nơi Ngài Nước Trời đã đến, trong khi đau khổ của người môn đệ là đau khổ của một chứng nhân về Nước Trời.
-Đó chính là Tinh thần TỬ ĐẠO. Tử đạo là chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng.Có thể nói rằng đạo CG ta đã lớn lên trong máu và nước mắt,từ đầu cho đến ngày hôm nay, khi Giáo Hội đã hầu như đã có ở tận cùng bờ cõi của trái đất.
-Riêng Ở VN CT,Tin mừng được chính thức loan truyền vào thời Hậu Lê/thế kỷ 16. Hơn 400 năm, lịch sử Giáo Hội Việt Nam Ước tính ra có trên 130 ngàn anh hùng tử đạo.Trong này mới chỉ có 117 vị được phong thánh,vào ngày 19.06.1988, bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong đó có 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thày giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân,và có 1 phụ nữ duy nhất, là mẹ của 6 người con, Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.
-Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.Lời khai của cô con gái út trước giáo quyền rằng:"Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ." .
-Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang lổ đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng rằng:"Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?" .Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.
-Đúng là Danh từ “Tử Đạo” cũng có nghĩa là kẻ chứng nhân, và dùng đau khổ, tử hình bách hại để bảo đảm cho lời chứng . Mỗi vị tử đạo VN có thể đã chết bằng nhiều hình khổ giống hoặc khác nhau, nhưng tất cả các ngài đều hiên ngang dùng lời nói và mạng sống mình để rao giảng
một đạo thật bởi trời.Và cái chết của các ngài là một câu trả lời hùng hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ đạo CG các ngài tin theo.
-…Ngày đại lễ Hôm nay thực sự là một ngày giỗ tổ, làm cho mọi tâm hồn con dân đất Việt phấn khởi vui mừng hiển hách, Đồng thời, những người Công giáo Việt Nam cũng hân hoan tự hào.Máu các thánh tử đạo VN Trước hết là nói lên niềm tin mãnh liệt, sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông đối với  Chúa và Giáo Hội. Đối với các ngài đức tin là một cái gì cao quí vô cùng, phải bảo vệ bằng mọi giá. Các ngài đặt chữ “trung” với CHÚA với Giáo Hội lên trên hết.
-Máu các ngài cũng nói lên đức hy sinh can đảm phi thường.Làm Người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ham sống sợ chết. Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo VN đã thắng vượt hết.Kìm kẹp, xiềng xích, voi giày, thiêu sinh, trầm hà, trảm quyết, lăng trì, bá đao không làm các ngài nao núng.
-Ngạn ngữ VN ta thường nói: “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay: “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta là con cháu các ngài, chúng ta được thừa hưởng một di sản đức tin phong phú, được chiêm ngưỡng một Giáo Hội đang phát triển trong khó khăn như  hiện nay, chúng ta phải nhớ ơn ghi ơn, công lao to lớn của tiền nhân và cố gắng đáp đền cho xứng đáng, và ra công phát huy di sản quí báu đức tin. Nhưng chúng ta còn phải để cho dòng máu tử đạo được tuôn chảy trong mình, và khám phá ra những cách thức Tử Đạo/Hy Sinh mới,những chứng tá sống động cao quí trong đời sống hiện tại.
-Cũng cần phải biết thêm tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tùy ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho bất cứ ai. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh hiện tại và tương lai vững vàng và ổn định.-Trong Mỗi ngày sống, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa của thập giá Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo VN ta ngày xưa, nhưng có thể chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, chối Chúa bằng cuộc sống phản đạo.Càng có nhiều tự do dân chủ, ta lại càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn đã đang và sẽ là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại đạo có khi êm ái nhưng cũng có khi khủng khiếp ở mỗi ngày sống của CT.Amen







Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!