CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7A THƯỜNG NIÊN 2014
CHIA SẺ LỜI
CHÚA CHÚA NHẬT 7A THƯỜNG NIÊN 2014
Lời Chúa:
Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48
…Tích xưa kể
rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà
có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm
tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình…Một hôm, có tên đồ
tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:Chú thường mang gươm, chả
biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó
hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi…Hàn Tín chẳng chút do
dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: "Giết thằng này thì được
rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!"…Sau Hàn
Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy
giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không
những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung
Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: "Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ,
đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn
dám mong đâu ban chức tước?
Hàn Tín ôn tồn bảo: "Ta chẳng phải
là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy
quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà
hãy nhận chức ta ban".
…Lối báo đền
ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với
người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.
Cổ nhân có dạy: "Một sự nhịn chín sự lành". Trong Kinh Pháp
Cú, Đức Phật có dạy: "Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo
oán, oán nghiệp tiêu tan".
Còn Tin
Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta không sống theo “luật rừng”…Vấn đề được
minh nhiên cứu xét trong phân đoạn Tin Mừng/TM 5,20-48 là bản văn nói về sáu
“cặp đối nghĩa”. Phân đoạn này cho thấy tính cách mới mẻ trong giáo
huấn của Đức Giêsu so với chính các bản văn Cựu Ước…
Bản
văn này đề cập đến hai cặp đối nghĩa cuối cùng: chớ trả thù (5,38-42) và phải
yêu kẻ thù (cc. 43-48).
* Chớ trả thù (38-42).Luật báo phục (“mắt đền mắt, răng đền răng”) hình thái
triệt để nhất và cũng sơ khai nhất của luật hình sự; luật báo phục chính là
việc hợp pháp hóa sự công bình riêng tư. Thật ra, vào thời Đức Giêsu,
người ta không còn áp dụng luật này cách cứng ngắc nữa, vì đã tạo ra những hình
thức khác để nộp phạt (đóng tiền…). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã lấy luật
báo phục làm điểm xuất phát để giáo huấn: với năm ví dụ cụ thể (cc.
39b-42), Người mời gọi các thính giả đi xa hơn thái độ cam chịu thụ động:
không những không đáp lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng còn phải đáp lại sự dữ bàng
sự lành, sự thiện. Bằng các ví dụ đó, Đức Giêsu cho các môn đệ hiểu rằng Thiên
Chúa Cha chờ đợi họ sẵn sàng cho đi trọn vẹn, cho đến mức tối đa, nếu hoàn cảnh
đòi hỏi. Do đó, không phải là cứ áp dụng sát mặt chữ những ví dụ của Đức Giêsu,
nhưng là hiểu cho đúng để áp dụng cho đúng.
Vấn đề không phải chỉ là đưa má kia cho người ta tát
tiếp, nhưng là cống hiến một không gian để kẻ gian ác có thể suy nghĩ về các
lầm lạc của họ…Chịu vả vào cả hai má, nhường cả áo ngoài cho kẻ đòi áo trong,
đi hai dặm với một người bắt anh đi một dặm, anh muốn vay mượn, thì hãy cho vay
mượn, tất cả đều là những hành vi diễn tả thái độ của Kitô hữu, nhưng không
đúng ý Chúa Kitô nếu người bị khổ không chịu khổ vì tình yêu đối với những kẻ
gây bất công cho mình.
* Phải yêu kẻ thù (43-48).Với cặp đối nghĩa cuối cùng này, Đức Giêsu cho hiểu rằng sự hoàn thiện của Chúa Cha, đó là tình yêu…Kẻ thù đầu tiên được
kể ra, đó là “những kẻ ngược đãi”. Đây hẳn là những kẻ thù chống lại lối sống
Kitô giáo. Yêu kẻ thù không có nghĩa là trở thành bạn hữu của họ, nhưng là tỏ
ra thông cảm, nhân ái, và sẵn sàng trợ giúp.
Đức Giêsu đã yêu thương mọi người, nhưng không phải
không có những sự ưu ái đối với một số người, và cũng không ngại nói lên lời
răn đe và trách mắng các đối thủ…Đức Giêsu đưa điều răn yêu thương về
lại với ý hướng của Đấng Lập pháp đầu tiên. Tình yêu buộc phải cung
cấp cho mọi người những gì phải làm như: sự tín nhiệm, sự trân trọng, sự trợ
giúp. Cũng như trong những cặp đối nghĩa khác, Đức Giêsu không chỉ cho một lời
khuyên, nhưng ban một lệnh mới cho các tương quan giữa con người. Người môn đệ
chỉ trở thành con của Chúa Cha trong mức độ người ấy mô phỏng lối xử sự của
mình theo cách ứng xử của Chúa Cha, nghĩa là yêu thương người khác, kể cả kẻ
thù, y như Chúa Cha vẫn yêu thương. Khi yêu thương mọi người không phân biệt kỳ
thị, người Kitô hữu chứng tỏ cách chắc chắn và trung thực nhất dây quan hệ họ
hàng với Thiên Chúa.
(Lc 23, 34)Chúa Giêsu dạy yêu thương, và chính Ngài đã sống yêu thương.Trên
thập giá, trước khi tắt thở, Chúa vẫn dùng chút hơi tàn lực kiệt để cầu nguyện
cho kẻ đóng đinh Người “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
(Cv 7, 59-60)Thánh Tê-pha-nô đã thực hành lời Chúa dạy, noi gương Thầy
Chí Thánh yêu thương và cầu nguyện cho những kẻ giết mình: Lạy Chúa, xin đừng
chấp họ tội này…Thánh Phaolô dạy cho ta biết rằng:Kẻ thù của ngươi có đói hãy
cho nó ăn,có khát hãy cho nó uống,và “ Đã yêu thương thì không làm hại người
đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật”.
Vậy Chúng ta hãy sống lời Chúa dạy, yêu thương hết mọi người, một tình
yêu không có giới hạn, không chỉ yêu thương những người thân cận, những người
đồng hương, những người cùng tôn giáo, những người cùng quan điểm, những người
đem lại lợi ích cho mình… Mà yêu thương cả thù địch, cả những người ghen ghét,
hãm hại, nói xấu, phỉ báng mình nữa, yêu thương cả những người tội lỗi.
*CHUYỆN
THAY LỜI KẾT:Truyện cổ Trung Hoa kể câu
truyện về sự hòa giải và kết bạn: Ngày xưa ở Trung Quốc, có một người nông dân
và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn
rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của
người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn
chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng
rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này,
người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị
quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói: “Ta có thể phạt người
thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người
bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù
làm hàng xóm của mình?” Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn
hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:“Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa
bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”. Người nông dân bèn
nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan phủ. Vừa về đến nhà, người nông dân liền thử
làm theo những gì vị quan phủ đã bày cho anh ta. Anh ta bắt ba con cừu tốt nhất
của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ
rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ chơi mới của
lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó trở
đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa. Cảm kích
trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con của mình, người thợ săn
thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được sang cho người nông dân. Người
nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời
gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
Nhận xét