CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2A MÙA VỌNG NĂM 2013
Lời Chúa: Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12- Ăn năn sám hối
…Cách đây không lâu có một bài báo viết về một chương trình rất
đặc biệt. Chương trình nói về việc tẩy xóa những vết xăm không còn muốn giữ lại
trên thân mình. Một điều rất ngạc nhiên xảy ra là sau khi bài báo xuất hiện, đã
có trên 1000 lá thư từ các bạn trẻ khắp nơi gửi về tòa soạn hỏi thêm chi tiết về
chương trình. Nhờ sự đáp ứng đáng kể đó mà một cơ quan giáo dục tại Los Angeles-USA
đã phối hợp với một hãng truyền hình địa phương sản xuất một cuốn phim gọi là
“Untatoo You”/“Tẩy vết xăm cho bạn”…Cuốn phim nói về những nguy hiểm của việc
xăm mình và trình bày sự khó khăn của việc tẩy đi những dấu xăm nhỏ trên những
cánh tay, khuôn mặt, và những vết xăm lớn hơn trên ngực và sau lưng. Các tài tử
đóng phim này chính là những bạn trẻ đã xăm mình. Họ nói một cách thành thật về
lý do tại sao lúc ban đầu họ đã xăm, và bây giờ tại sao họ lại muốn tẩy xóa đi.
Sau cùng, cuốn phim đã chiếm được giải thưởng quốc gia, và đã được phát hành
trên khắp nơi.
Giống như những người trẻ
vui mừng khi khám phá ra cách tẩy xóa những dấu xăm không còn muốn giữ nữa,
chúng ta, những người Kitô hữu, cũng vui mừng vì Chúa Giêsu Kitô đã cho chúng
ta một cách để tẩy xóa những vết xăm vết nhơ tội lỗi của mình.
Chủ đề chính của Chúa nhật
thứ II mùa vọng hôm nay là sự sám hối chân thành và lòng ăn năn trở về với
Thiên Chúa. Sự sám hối chân thành được thể hiện bằng những thái độ, sự lựa chọn
và cách sống phù hợp với những giảng huấn của Chúa Giêsu và Giáo Hội. Điều này
được thực hiện trong Bí tích Giải tội với những tên gọi khác nhau như Bí tích của
sự trở lại, Bí tích sám hối, Bí tích của ơn tha thứ, Bí tích hòa giải.
Tiên tri Isaia trong Bài đọc
1 hôm nay đã mô tả thời đại Thiên Sai như một thời đại thái bình, bằng những
hình ảnh thật là thi vị: “Chó sói chung sống
với chiên con, sư tử gặm cỏ với bò và trẻ em chơi chung với rắn lửa…”.Tiên
tri Isaia muốn nói đến một thời đại chung sống hoà bình trên trái đất,nói đến
các dân tộc trên trái đất đã trở thành bạn hữu thân thiết, thành anh em. Còn đối
với Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng, kêu gọi Dân Chúa hãy sám hối tội lỗi.
Khác hẳn với giọng điệu dịu hiền trong Tin Mừng của Chúa Kitô, Gioan Tẩy Giả
còn đưa ra “cái rìu và cái nia” để hù
doạ dân chúng: “Đây cái rìu để sẵn dưới gốc
cây: cây nào không sinh trái tốt, sẽ bị chặt đi và quẳng vào lửa”. Và đây nữa:
“Tay Ngài cầm cái nia, Ngài sẽ rê lúa
trong sân. Lúa chắc hạt thì thu vào kho lẫm, còn lúa lép thì làm mồi cho lửa,
thứ lửa không hề tắt!”. Gioan Tẩy Giả còn tố cáo sự giả hình của lối sống đạo
thuần tuý bên ngoài. Ông chống lại óc vụ luật, thái độ tự mãn, tự trấn an mình
là con cháu Abraham. Ông kêu gọi sự hối cải đích thực, đòi hỏi sự phát sinh hoa
trái bên ngoài.
Trong tiếng Hy Lạp chữ sám hối/metanoia,
vừa có nghĩa một cảm xúc hối tiếc về những tội lỗi quá khứ làm xúc phạm đến
Thiên Chúa, vừa là việc xét mình tỉ mỉ những tội đã phạm, từng tội một, để xin
Chúa tha thứ, vừa là một sự đòi hỏi hoán cải sâu xa trong tâm trí và cuộc sống.
Sự biến đổi cuộc sống là dấu chỉ của lòng sám hối đích thật.
Ông Khấu Chuẩn thuở nhỏ tính hay du đãng, không giữ lễ phép,
lại thích chơi chim chơi chó. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc thấy con như thế
thì quở phạt luôn mà cậu vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận
lắm, cầm quả cân ném trúng chân ông máu chảy đầm đìa. Từ bấy giờ ông không dám
lêu lổng, phóng túng, chỉ chuyên cần học tập. Về sau ông thi đỗ làm quan đến chức
tể tướng. Lúc ông quí hiển thì mẹ ông đã tạ thế rồi. Mỗi khi ông sờ đến vết
thương ở chân thì ông lại nức nở khóc lóc mà nói rằng:“Chính vết thương này đã
làm cho ta nên người”.
Sám hối là bước khởi đầu và
là nền tảng của đời sống đức tin. Càng nhận ra sự nhỏ bé yếu đuối của mình, con
người càng lớn lên trong ân sủng và tình thương của Chúa.Càng nhận ra thân phận
tội lỗi của mình, con người càng dễ cảm thông trước vấp ngã của anh em. Thiên
Chúa không mong chờ nơi con người điều gì khác hơn là tấm lòng sám hối(Tv
33,19):“Chúa ở bên những người sám hối,
và cứu chữa những ai sầu khổ”.Hơn nữa,Nước mắt sám hối khép lại quá khứ để
mở cửa tương lai. Nước mắt sám hối rửa sạch tội lỗi để lộ ra ân sủng.
Tuy nhiên, lòng sám hối đích
thực đòi hỏi con người phải có một quyết định dứt khoát,đòi hỏi người ta phải
triệt để thay đổi: từ tư tưởng cho đến hành động, từ hướng đi cho đến cách sống.
Sám hối không chỉ là công việc của cá nhân mà là của cộng đoàn,cả Giáo hội. Đặc
biệt, trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã liệt
kê rất nhiều lỗi lầm của Giáo hội trong hai thiên niên kỷ qua. Ngài đã công khai
cử hành nghi thức sám hối và xin tha thứ hôm 12 tháng 3 năm 2000.
Mùa vọng
đã đi được 2 tuần,CT tiếp tục được mời gọi sống tỉnh thức và hy vọng đón chờ
CHÚA ĐẾN,và để kết thúc,xin được trính lời bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện
phụ như sau: “…Chúng
ta biết có ba lần Chúa đến. Lần thứ ba ở giữa hai lần kia. Hai lần kia thật là
rõ ràng, còn lần thứ ba ở giữa thì không. Lần đầu, Người xuất hiện trên mặt đất
và ở với người phàm, như chính Người quả quyết, họ đã thấy và ghét Người. Còn lần
cuối, mọi xác phàm sẽ nhìn thấy ơn
cứu độ của Thiên Chúa chúng ta và chúng sẽ nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu. Lần giữa thì ẩn khuất, chỉ
có những ai được tuyển chọn mới thấy Người trong lòng mình, và linh hồn những
người ấy được cứu độ. Vậy lần đầu, Người đến mang xác phàm và phận mỏng manh ;
lần giữa, Người đến với thần khí và sức mạnh ; còn lần cuối, Người đến trong
vinh quang và oai hùng.Chính lần giữa là đường đưa từ lần đầu tới lần cuối : lần
đầu, Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, lần cuối Người sẽ làm cho chúng ta được sống,
và lần giữa này, Người cho chúng ta được nghỉ ngơi và an ủi…”Amen
Nhận xét