CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C NĂM
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT
31 THƯỜNG NIÊN C NĂM 2013
Lời
Chúa:Kn 11,22-12,2, 2Tx 1,11-2,2, Lc 19,1 -10
…Tại Boston ở Hoa Kỳ có một đại hội
đặc biệt. Đó là đại hội người lùn. 400 người trong 3000 hội viên đã đến tham dự
đại hội người lùn của nước Mỹ. Người cao nhất của hội chỉ có 1m40 và người lùn
nhất chỉ có 0m70. Đây là đại hội thứ 25, có mục đích để người lùn gặp gỡ vui
chơi với nhau và để cho mọi người bớt thiên kiến với thế giới người lùn...
1/
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu:
Ông
được mô tả bởi thánh sử Lucas không phải chỉ là người thu thuế như Matthew, mà
còn là người đứng đầu những người thu thuế tại Jericho, một vùng rất trù phú của
xứ Judah, rất gần thành Jerusalem. Tên của ông chứng tỏ ông là người Do-thái
hành nghề thu thuế. Đối với người Do-thái, những người thu thuế được xếp ngang
hàng với đĩ điếm, vì đã chạy theo đế quốc Rôma để bóc lột mồ hôi nước mắt của đồng
bào. Tất nhiên, ông là người giàu có.
Vì
tò mò, ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân
chúng thì đông, mà ông ta lại
lùn.
Những người lùn thường khôn vặt, ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây
sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Tại thành phố Jericho hiện nay vẫn
còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ lưỡng cho khách hành hương đến
thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông. Người đi bước trước để
bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm
nay tôi phải ở lại nhà ông!"
2/
Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:
(1)
Đám đông: Họ xầm xì với nhau, "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!".
Đối với người Do-thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những
người tội lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội
lỗi, huống hồ đây là một thủ lãnh của những kẻ thu thuế! Họ quan niệm người
thánh thiện không thể làm bạn với hay vào nhà những người tội lỗi, phải tránh
xa họ kẻo bị lây nhiễm hay bị mang tiếng.
(2)
Ông Giakêu: Ông không ngờ Chúa Giêsu không những chú ý tới ông giữa bao nhiêu
người, Ngài còn gọi đích danh ông, và ngỏ ý muốn đến nhà ông. Từ trước đến
nay,
mọi người Do-thái đều nhìn ông với cặp mắt khinh bỉ, thế mà hôm nay, trước mặt
bao nhiêu người, Chúa Giêsu đã không đối xử với ông như thế, Ngài coi ông như một
người bạn và muốn đến nhà ông, điều không người Do-thái nào muốn làm. Vì thế,
ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.
Khi
nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa Giêsu
rằng: "Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Ông hứa phân phát
ngay phân nửa tài sản (động từ dùng ở thời hiện tại). Lề Luật chỉ buộc phải đền
trả của lấy bất công, nhưng ông xin đền trả gấp bốn…Niềm vui vì được Chúa tiếp
nhận đã biến ông thành một con người mới: Từ trước tới nay, ông chỉ lo tìm mọi
cách để vơ vét của cải từ người khác; hôm nay, ông rộng lượng vung tay phân
phát của cải mình đã gom góp bấy lâu. Khi chấp nhận trở về, ông can đảm từ giã
nếp sống cũ và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Việc làm của
ông có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với niềm
vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm nhà ông.
(3)
Chúa Giêsu: Ngài nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà
này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và
cứu những gì đã mất."
Chúa
Giêsu đến để đem ơn cứu độ cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số người
được tuyển chọn. Tuy Chúa Giêsu
nghe
biết những lời dị nghị nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan
tâm là ông Giakêu và Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa…Ngài thương yêu
tha thứ cho ông Giakêu trước khi ông làm những việc tốt, lý do của sự tha thứ
là vì mọi người đều là con cái của Ngài và là con cháu của tổ phụ Abraham. Nhận
ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, ông Giakêu được thúc đẩy để đáp trả.
Mục
đích của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm và cứu những gì đã mất. Ngài đến
không để cứu những người công chính, vì họ không cần cứu; nhưng để cứu chữa các
tội nhân, họ là những con bệnh đang cần đến Ngài. Đúng ra, chẳng có ai là công
chính, mọi người đều là những tội nhân và đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Những ai tự xưng là công chính, họ đang bị đánh lừa và mất đi cơ hội được Thiên
Chúa tha thứ và ban ơn cứu độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta có bổn phận gìn giữ và bảo vệ muôn loài Thiên Chúa đã dựng nên. Ngài dựng
nên tất cả cho con người xử dụng, chứ không phải để phá hủy và tiêu diệt cách bừa
bãi.- Chúng ta phải trân trọng ơn cứu độ được mang đến cho con người qua Đức
Kitô, và cố gắng để đạt được và mang ơn cứu độ đến cho muôn người qua việc rao
giảng Tin Mừng.- Noi gương Đức Kitô, chúng ta cũng phải có thái độ bao dung với
các người tội lỗi và tìm dịp đưa họ trở về, chứ không ghét bỏ, xua đuổi, hay kết
án.
Nhận xét