CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 T.N NĂM C2013
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 T.N NĂM C2013
Lời Chúa: Xh 32,7-11.13-14; 1Tm
1,12-17; Lc 15,1-32
…Cha Piô là một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới
Rotondo và tình cờ gặp Cesare Festa, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi
gặp ngài, ông ta ngạc nhiên và nói:
- Ngài cũng ở đây với chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay
sao?Cha Piô đáp lại:
- Phải, thế các anh đã
làm gì?Ông ta trả lời:- Chúng tôi chống lại Giáo hội…Cha Piô cầm tay ông ta,
nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe câu chuyện đứa
con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha…Một giờ sau, ông ta
đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng
tuyên xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
…Đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay
nằm trong phân đoạn độc đáo nhất của Tin Mừng Luca là cuộc hành trình lên
Giêrusalem của CHÚA GIÊSU. Trong cuộc hành trình này, có đám đông dân chúng đi
theo Đức Giêsu…Sau khi đã giáo huấn đám đông về những điều kiện để làm môn đệ
Người, bây giờ Đức Giêsu dùng một số dụ ngôn mà ngỏ lời với các người Pharisêu
và các kinh sư, vì họ đã lẩm bẩm trách móc Người khi Người tiếp đón những người
thu thuế và tội lỗi, và cùng ăn uống với những người ấy…Ba dụ ngôn của chương
15 này đã được
Gọi là “trái tim của Tin Mừng III”,
vì được kết cấu rất nghệ thuật để nêu bật được đề tài duy nhất là tình yêu của
Thiên Chúa và lòng thương xót của ngài đối với những kẻ tội lỗi qua lời Đức
Giêsu kêu gọi hoán cải.
Tuy nhiên, tác giả cũng cho thấy có
một sự tiệm tiến: một con chiên trong số một trăm, một đồng bạc trong số mười
đồng, rồi một đứa con trong số hai người. Bản văn càng đi tới càng cho thấy
rằng điều đã mất nay lại tìm thấy càng lúc càng trở nên quí báu hơn.
Hai dụ ngôn đầu nói về việc tìm được cái đã mất, dụ
ngôn thứ ba cũng triển khai cùng một đề tài, nhưng như một tổng hợp với những
hình ảnh được vận dụng rất tài tình. Trước đây dụ ngôn này vẫn được gọi là “Dụ
ngôn đứa con hoang đàng”, nhưng nay gọi là “Dụ ngôn người cha nhân hậu” thì hợp
lý hơn, bởi vì dung mạo trung tâm của truyện chính là người cha.
Hoặc để tương ứng với hai đầu đề của hai dụ ngôn
trước, thì có thể gọi là “Dụ ngôn người con hư mất”, nhưng nhớ rằng nhân vật
chính là người cha, cũng như trong hai dụ ngôn trước, nhân vật chính là người
mục tử và người phụ nữ.
…Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai dụ
ngôn đầu kết “có hậu”, còn dụ ngôn thứ ba có kết mở…Hai kết luận tốt đẹp đầu
nhằm đưa tới chúng ta một câu hỏi: Chúng ta có hết lòng chia sẻ niềm vui của
Thiên Chúa mà đón người tội
lỗi hối cải vào Nước Thiên Chúa hay
không? Trong thực tế, chúng ta vẫn được Thiên Chúa vui lòng đón tiếp,vậy chúng
ta cũng hãy sẵn lòng đón lấy người anh em trở về.
Gợi ý suy nghĩ:
1.Mỗi con người đều có giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa thương tất cả mọi người và muốn cho mọi người đều được cứu
độ. Nhưng “tất cả”
không có nghĩa là một khối người tương đối đông, mà là “từng người”. “Tất cả”
là “từng người” trong thế giới, không bỏ sót một ai. Thiên Chúa chiếu cố đến
từng con người y như chỉ có một mình người ấy trên đời.
3. Chúng ta có thể thấy mình như người con thứ: chúng ta cũng còn biết nói “thưa
cha!”, nhưng khó lòng vui thích được ở với cha, mà chỉ muốn ra đi “ăn chơi” cho
thỏa thích. Và mỗi khi gặp khó khăn, thì chỉ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện
đầy vụ lợi, tính toán…
4. Chúng ta cũng có thể thấy mình như người con cả, không bao giờ trái lệnh cha, nhưng
cũng chẳng thích ở với cha; trái lại chỉ tính toán, mong có ngày “thoát ly” để
đi vui chơi với bạn bè. Đã thế, chúng ta lại tỏ ra khinh bỉ, miệt thị những kẻ
bị coi là “tội lỗi”.
5. Vì không hiểu tình yêu của cha, cả hai người con, đặc biệt anh cả, không
hiểu tiếng gọi kèm theo sự hiểu biết đó: anh chỉ thực sự là con của cha, khi yêu thương anh em
mình. Ta không thể phục vụ Thiên Chúa
như Ngài muốn nếu không yêu mến Ngài và thông chia tình yêu của Ngài cho anh
chị em mình, cho dù họ thế nào đi nữa.
…Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu
và tha thứ cho chúng ta, thì Người cũng muốn chúng ta phải tha thứ cho nhau,
như người cha nhân hậu xin ông anh cả tha thứ cho đứa em lầm lỗi…Quả thật,Người
ta chỉ có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi ý thức được thân phận mỏng dòn
yếu đuối của mình.Nên nhớ là Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả
dạ, đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết:
“Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt”
thì mọi người đều trở nên mù loà”.
Lạy Chúa, nếu Chúa
không tha thứ cho các tội nhân thì thiên đàng sẽ trống rỗng, và thế giới này
chẳng có thánh nhân.
Xin cho chúng con mỗi
lần được Chúa thứ tha lại thấy mình nên giống Chúa hơn, vì đã biết tha thứ cho
anh em. Amen.
Nhận xét