CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM C 2013
CHIA SẺ LỜI CHÚA C.N21
THƯỜNG NIÊN C2013
Lời Chúa: Is. 66,18-21;
Dt. 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30
…Khung cửa hẹp.Trong một buổi chia sẻ lời Chúa,có bác công nhân đã phát biểu như sau:
Đã ba mươi hai năm nay, tôi làm việc cho một công ty. Nhiều lần tôi được đề bạt
thăng chức, nhưng tôi đều từ chối, bởi vì nếu chấp nhận, thì tôi sẽ không có đủ
thời giờ để chăm sóc cho vợ và bốn đứa con trai của tôi. Tình yêu tôi dành cho
vợ con thì quí giá hơn số tiền lương được tăng thêm…Cách đây hai năm, tôi lại
được đề bạt một lần nữa. Và lần này thì tôi chấp nhận, bởi vì các con tôi đều
đã khôn lớn và vợ tôi thì lại không thể đi làm được. Và thế là tôi phải theo
một khóa bồi dưỡng. Rất tiếc là trong thời gian này, bà chị ruột của tôi qua
đời, nên tôi không thể chú tâm vào học hành. Vì thế, tôi bị rớt trong kỳ thi
cuối khóa…Trở về công ty, tôi đã bị ông giám đốc mạt sát một cách thậm tệ. Tôi
cảm thấy ê chề và nhục nhã. Mọi sự bỗng trở nên vô nghĩa, ngay cả quyết tâm
phụng sự Chúa cũng tiêu tan như mây khói…Tại sao lại xảy ra như thế? Hay là
Chúa đã bỏ rơi tôi? Tất cả dường như đã sụp đổ…Thế rồi một Ngày kia, tôi đã
phải thú thực với vợ tôi:Anh không thể sống nhục nhã như thế này…Vợ tôi khuyên
tôi cầu nguyện và rồi sự cầu nguyện đã giúp tôi nhận biết phải chọn lựa bước
theo Đức Kitô bị đóng đinh và bị bỏ rơi. Từ đó, tôi tìm lại sự bình an. Tôi xin
lỗi ông giám đốc. Và cũng từ đó, công việc làm ăn của tôi mỗi ngày một tốt đẹp
hơn.
…Câu chuyện vừa nghe, quả thật đã gợi
lên trong chúng ta hình ảnh về khung cửa hẹp mà đoạn Tin mừng hôm nay đề cập
đến…Riêng về hình thức, dường như bản văn này đa tạp, quy tụ nhiều đoạn không
cùng chiều hướng…Nhưng dù thế nào, khi đưa vào tác phẩm của mình, tác giả Luca
đã làm cho các đoạn văn trở thành bài và trình bày các đòi hỏi phải đáp ứng để
được cứu độ.
- Hãy phấn đấu để qua được cửa hẹp mà vào, “Qua được cửa hẹp” nghĩa là qua
được cái cửa duy nhất của Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu dùng ngôn ngữ của cuộc
tranh tài hoặc chiến đấu để nhấn mạnh rằng cần phải cố gắng để vào được Nước
Thiên Chúa. Chúng ta ghi nhận ở đây Người muốn diễn tả điều ấy bằng việc đi qua
cửa hẹp…Có nghĩa là Ngài đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào con người của
Ngài để nhận biết Ngài. Không gì có thể thay thế được cái biết nội tâm ấy. Cho
nên, ngay cả những người sống gắn bó với Ngài, ăn uống trước mặt Ngài, được nghe
những lời giảng dạy đầy khôn ngoan của Ngài, cũng như được chứng kiến những
việc làm đầy kỳ diệu của Ngài, nếu thực sự họ không nhận biết Ngài, thì rồi họ
cũng sẽ bị loại bỏ ra ngoài.Và như vậy, Ngài chính là cửa, như lời Ngài đã nói
với dân Do Thái rằng:Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi.
Khung cửa được thánh Luca đề cập tới
là chính bản thân Ngài, chứ không thể là bất kỳ một ai khác. Đây cũng là điều
Ngài đã từng xác quyết trong Tin mừng của thánh
Gioan:Thầy là đường, là sự thật và là
sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.Hay như thánh Phêrô đã
công bố trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần, tức là lễ Hiện Xuống
rằng:Chúa Giêsu bị anh em treo lên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa và
làm Đức Kitô. Dưới bầu trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho
nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ.
…Gắng sức/không chỉ trong bài Phúc âm mà cả ba bài sách thánh/đọc đều như muốn nhắc chúng ta nhớ lại hai chiều kích của ơn cứu rỗi.
Chiều kích thứ nhất là chiều kích phổ quát, đó là ơn cứu rỗi của Thiên Chúa
dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Chiều kích phổ quát này được loan báo
nơi sách tiên tri Isaia mà chúng ta nghe trong bài đọc I, và cũng được nhắc lại
nơi đoạn Phúc âm hôm nay, là thiên hạ sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đến
dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
Chiều kích thứ hai của ơn cứu rỗi là chiều kích cá nhân,
nhấn mạnh đến phẩm chất, đến mối
tương quan giữa mỗi tín hữu với Chúa Kitô, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chiều kích
thứ hai này nhắm đến phẩm chất của mối tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa
và được thể hiện nơi bài đọc II trong thơ Do thái rằng: “Thiên Chúa yêu thương
ai thì Ngài càng thanh luyện, càng uốn nắn người đó nhiều
hơn nữa qua những thử thách để người
đó mang lại nhiều hoa trái”.
…Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét
lại đời sống của mình, kiểm điểm lại thái độ sống của mình xem: Vấn đề không
phải là đòi Thiên Chúa nới rộng cửa, nhưng là chính chúng ta phải biết trở
thành bé nhỏ. Nói theo ngôn ngữ đạo đức quen thuộc, là chúng ta phải từ bỏ
chính mình, tức là phải từ bỏ những gì chúng ta thích, chúng ta muốn, nhưng
không đẹp lòng Chúa.Những gì đang là những cái cồng kềnh cản trở chúng ta vào
nước trời. Chúng ta hãy xem: có phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều ông
chủ không? Có những ông chủ rõ ràng như tiền bạc, danh vọng, bia ôm, cà phê đèn
mờ, đua đòi, chưng diện, thú vui không lành mạnh…Có những ông chủ khác như ích
kỷ, thói quen xấu, giữ đạo vụ hình thức, định kiến, thành kiến đối với người
này người khác…Nhiều lắm, mỗi người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là
những cái cồng kềnh khiến chúng ta bị vướng ngoài không qua được cửa hẹp.Vậy Hãy
bước theo Đức Kitô, Hãy trở nên giống Ngài,bằng cách chấp nhận những khổ đau,
những thập giá, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, để
chiếm lấy vinh quang phục sinh.
Thánh Âu Tinh đã nói: “Thiên Chúa tạo
dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu chuộc chúng ta,
Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”…
Nhận xét