CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM C 2013



CHIA SẺ LỜI CHÚA CN20 THƯỜNG NIÊN C2013
Lời Chúa: Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53
 


…Chuyện kể rằng: một dũng sĩ Ba Tư đã dùng một hòn đá lớn để ném con rồng, nhưng vì ném không trúng đích, hòn đá rớt trên một phiến đá khác và tẹt ra lửa. Hầu hết các chuyện thần thoại đều kết luận: lửa là một món quà quí giá Tạo Hóa đã ban tặng cho con người. Một số người xưa lại tưởng rằng: lửa là một vị thần, nên đã tôn thờ gọi là “ Bái Hỏa”.
…Nói đến lửa, ai cũng biết tầm quan trọng và công dụng của nó là sáng, nóng, sưởi ấm, đốt cháy, thiêu hủy. Ai trong chúng ta cũng cần lửa. Lửa rất có ích lợi, nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó dùng để nấu nướng thức ăn và chế biến nhiều thứ khác, nhưng nó cũng có thể đốt cháy nhà cửa và thiêu rụi tài sản của chúng ta. Vì thế, đâu đâu cũng có sở cứu hỏa,chữa cháy, và nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác: phòng cháy, chữa cháy, đừng đùa giỡn với lửa
…Ngoài lửa vật chất ra, trong lòng mỗi người còn có một thứ lửa khác, là lửa dục, lửa tham. Lòng dục và lòng tham đó còn bén nhạy và mãnh liệt mạnh mẽ hơn lửa vật chất. Chẳng hạn: có phải mỗi khi trong lòng chúng ta muốn gì thì như có một sức mạnh như lửa không ngăn cản nổi không? Hoặc là khi chúng ta bực tức điều gì, thì có phải lòng chúng ta sôi sục lên không? Vì thế người ta nói: “Người gì mà nóng như lửa”, hay “nóng như lửa đốt”… Nhất là khi chúng ta để cho lòng dục lòng tham bùng lên, có lẽ  nó sẽ gây nhiều tai hại?
Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều lần nói đến lửa với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong Cựu ước, lửa được dùng để chỉ Thiên Chúa hiện diện, chỉ sự tinh luyện xấu xa tội lỗi, và cũng ám chỉ hình phạt của Thiên Chúa. Trong Tân ước, cũng nhiều lần nói đến lửa, đặc biệt thánh Giacôbê đã mô tả cái lưỡi của con
người là một ngọn lửa, vì tác dụng của nó có thể hại hơn cả lửa. Cái lưỡi ở đây ám chỉ những lời nói độc địa, ghê gớm, chẳng hạn: một lời nói vu oan có thể giết hại cả một con người. Một lời hành tỏi, nói hành nói xấu làm cho người khác phải buồn phiền, đau khổ, mất ăn mất ngủ…
Đặc biệt hơn nữa, ngọn lửa còn được dùng để diễn tả tình yêu. Đây chính là ý nghĩa của ngọn lửa mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu đến trần gian như ngọn lửa cứu độ. Ngọn lửa cứu độ đó là tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đối với loài người là ngọn lửa không bao giờ tắt, như trong kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu có câu: “Trái Tim Đức Chúa Giêsu là lò lửa mến hằng cháy liên”. Thực vậy, khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài đem ngọn lửa tình yêu từ trời xuống trần gian. Lửa đó đã thắp lên tại Bêlem, lửa đó không ngớt thiêu đốt Chúa ba mươi năm ẩn dật ở Nagiaret, lửa đó đã bừng cháy trong hồi thương khó để lan tỏa cho hết mọi người. Nói rõ hơn, vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đem lửa tình yêu xuống thế gian. Ngài muốn mọi người tiếp nhận được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Vì thế, Chúa nói: Ngài mong muốn biết bao ngọn lửa tình yêu của Ngài được bùng cháy lên.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Như lửa có khả năng tẩy luyện, hoạt động của Đức Giêsu có thể thanh luyện con người chúng ta khỏi những tâm tình bất chính, và ban cho chúng ta Thánh Thần để Thánh Thần tiếp tục sưởi ấm và soi sáng chúng ta.
2. Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó, tâm hồn Người khắc khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Nhận ra được điều này, chúng ta được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ
dãi, những phương tiện to lớn chúng ta đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể tránh né “phép rửa” Đức Giêsu đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua tình trạng tự truất hữa và thất bại, chấp nhận hiến tặng cuộc sống chúng ta.
3. Qua cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh, các thần khí bị phân chia ra. Thánh Phaolô sẽ viết: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Tất cả công trình và cuộc hành trình của Đức Giêsu nhắm đến một cuộc gặp gỡ mãnh liệt. Nhưng chính từ đây phát sinh chia rẽ và bất thuận.
4. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các dây liên kết trong gia đình; trái lại Người vẫn khẳng định rằng hiếu thảo với cha mẹ là một điều răn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong cuộc sống làm môn đệ Người, chúng ta phải tôn trọng một bậc thang các giá trị, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự muốn ngăn cản chúng ta bước đi theo Người.
…Khi Tin Mừng của Chúa được rao giảng, có người hoan hỉ đón nhận và có người ra sức chống đối, nghĩa là Tin Mừng của Chúa đem lại an bình và yêu thương, nhưng nó vẫn phải va chạm với thái độ của một số người chống đối. Những người chống đối lại va chạm với những người theo Chúa, thế là có sự chia rẽ nhau. Ngay cả trong gia đình
cũng có thể xảy ra sự chia rẽ, vì có người theo và có người không theo Chúa,có người muốn sống tin mừng có người chiều theo lối sống buông thả. Đây là sự chia rẽ vì niềm tin, vì lối sống đạo. Tình trạng này đã xảy ra thời Giáo Hội sơ khai, và vẫn xảy ra luôn mãi trong giáo hội và cộng đoàn CT. Lịch sử các vị tử đạo cũng đã chứng minh: những người theo đạo thường hay bị chính quyền và đồng bào mình ghét bỏ.
Chúa Giêsu đem lửa yêu thương đến trần gian và Ngài mong muốn ngọn lửa ấy bùng cháy lên. Đó là tâm nguyện của Chúa và cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Nếu con người cần cơm bánh để sống, thì họ cũng cần tình yêu để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm.
Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MÔ HÌNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ TÀI CHÍNH GIÚP TÂN XỨ ĐẠO TÂN SƠN VÀ GIÚP XÂY DỰNG LINH ĐỀN ĐỨC MẸ LAVANG

ĐIỆN THƯ MỜI LỄ 25 NLM-XIN GIÚP TÀI CHÍNH ĐỂ IN QUYỂN SÁCH: NGÀY CỦA CHÚA SUY NIỆM CÁC LỄ TRỌNG!

THƯ NGỎ XIN TIỀN GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ, BỆNH TẬT & NEO ĐƠN!!!