CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM C 2013
CHIA SẺ LỜI CHÚA CN14 THƯỜNG
NIÊN C 2013
Lời Chúa: Is 66, 10-14c; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-12.17-20
...Ngày kia có một người đậu xe bên lề đường, rồi vào
trong một cửa hàng để mua sắm mấy thứ cần thiết, khi quay trở ra thì thấy trên
ghế ngồi có một mẩu giấy với hàng chữ: Thưa ông, tôi đã tính ăn cắp chiếc xe
hơi này, nhưng tình cờ đọc thấy lời cầu phúc “Bình an cho quý vị”, được dán
trên tấm kính. Lời cầu chúc này khiến tôi dừng lại và suy nghĩ. Tôi tin chắc
nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, thì hẳn ông sẽ không còn được bình an và chính tôi
cũng vậy. Vì đây là lần đầu tiên tôi ra nghề. Tôi cũng cầu chúc bình an cho ông
và cho cả tôi nữa.
…Câu chuyện ngộ nghĩnh trên đây khiến
chúng ta nhớ tới Tin Mừng hôm nay: Khi vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con
hãy nói: Bình an cho nhà này. Nếu ở đó có người yêu chuộng sự bình an, thì sự
bình an sẽ ở lại trên người ấy, bằng không sự bình an sẽ trở lại với các con…Áp
dụng lời phán dạy này và câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Tấm bảng gắn trên
kính xe hơi đã đem lại sự bình an của Đức Kitô cho kẻ đang dự tính ăn cắp xe.
Kẻ này có lẽ là người yêu chuộng sự bình an của Đức Kitô, nên sự bình an đã ở
lại trên anh ta chăng?Vậy đâu là sự bình an của Đức Kitô?
…Kinh Thánh thường dùng danh từ bình
an với bốn ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất,
trên bình diện quân sự thì bình an
ám chỉ một tình trạng không có chiến
tranh giữa các dân tộc. Ý nghĩa thứ hai
trên bình diện cá nhân, thì bình an ám chỉ tình trạng yên ổn của từng người. Ý nghĩa thứ ba trên bình diện tôn giáo,
thì bình an là mối liên hệ tình nghĩa tốt đẹp giữa Thiên Chúa và chúng ta. Cuối cùng, bình an còn được Kinh Thánh
dùng để nói lên tình trạng trong đó mọi người trên mặt đất sống hoà thuận với
Chúa, với người khác và với chính bản thân…Đây là sự bình an mà Chúa nói đến
khi Ngài tuyên bố: Ta để lại sự bình an cho các con, Ta ban sự bình an của Ta
cho các con. Đây cũng chính là sự bình an mà các thiên thần đã cầu chúc trong
đêm Giáng sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người
thiện tâm. Sự bình an này chẳng là gì khác ngoài việc thực thi Nước Chúa trên
trần gian. Để thực hiện sự bình an này, Đức Kitô đã xuống thế làm người để hoà
giải con người với Thiên Chúa cũng như hoà giải con người với nhau. Bởi vì sự
bình an đích thực phải là kết quả của sự hoà giải….Như thế, để có được sự bình
an của Chúa, chúng ta cũng phải sống tinh thần hoà giải. Có được sự bình an
trong tâm hồn mà thôi chưa đủ, Đức Kitô còn muốn chúng ta mang sự bình an này
đến cho những người chung quanh chúng ta.
Chính vì thế mà chúng ta hãy cầu
nguyện như lời kinh của thánh Phanxicô Assie: Lạy Chúa, xin hãy biến con thành khí cụ bình an của Chúa, để con đem
yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào
nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Bởi vì như lời Chúa đã
phán: Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
2- Truyền giáo.
…Có
một linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên, giảng dạy tại một trường đại học Công
giáo nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Ngày kia, tình cờ vị linh mục này đi vào một
khu xóm lao động nghèo nàn và gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau một hồi trao
đổi, linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ như sau: Anh ở đây làm gì vậy. Tu
sĩ người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, tôi sống với những
người anh em nghèo trong khu xóm lao động này. Nghe thế vị giáo sư người Mỹ có
lẽ như tiếc rẻ cho sự hy sinh lãng phí ấy, nên mới nói về mình như sau: Tôi
sang đây là để dạy học và thuyết trình, tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những con
người hữu ích cho xã hội.
Qua cuộc đối thoại này, chúng ta thấy
được nhiều điều và những khía cạnh khác nhau của việc truyền giáo trong Hội
Thánh. Vị linh mục người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các
nhà truyền giáo của Hội Thánh trên khắp thế giới, từ thành thị đến nông thôn,
từ học đường đến công sở. Nhưng nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động
rao giảng thì cũng có những nhà truyền giáo âm thầm, sống như những chứng nhân.
Tựu trung, hoạt động hay sống âm thầm, cả hai hình thức đều có chung một sứ
mạng, đó là làm chứng cho Đức Kitô và
nước của Ngài. Cả hai đều được sai
đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi giống nhau, đó là làm chứng cho
Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát.
Đây là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa
Giêsu đã đề ra cho các môn đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin
Mừng. Ngài nói với các ông: Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, áo xống,
giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường.
Nghĩa là Một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải trần gian, đó
là biểu hiện tiên quyết cho chứng nhân Nước Trời.
…Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương
của mình để đến những miền đất xa lạ, nhưng chủ yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với
tha nhân trong tinh thần hoà giải, yêu thương và phục vụ.
Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo,Là
thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu, tự bản chất cũng là một nhà truyền
giáo. Điều đó có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện
trong chính cuộc sống chúng ta hôm nay và mai sau.
Chúng ta phải sống thế nào để những
người chung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như những người Do Thái
ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải kêu lên: Kìa xem họ yêu thương
nhau dường nào.Amen
Nhận xét