CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C 2013
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C 2013
L.C:Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
…Có một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều
là hai đối thủ gay gắt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “Trẫm quyết định một lần này
cho xong để biết ai trong hai khanh là hoạ sĩ giỏi nhất. Hai khanh phải vẽ cùng
một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán xét. Và đề tài là bình an”.Hai
hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ.Hoạ sĩ thứ nhất
giới thiệu bức tranh của mình, Nó cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những
ngọn đồi đều đặn kề bên nhau và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh
nói lên sự hài lòng, bình an, tĩnh lặng. Tuy nhiên, khi nhà vua nhìn vào bức
tranh, ngài không thể giữ cho mình khỏi ngáp. Rồi quay lại hoạ sĩ, ngài nói:
“Bức tranh của khanh đẹp, nhưng nó làm ta buồn ngủ”.Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã
trình bày công trình của mình, Nó cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ
hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của nước khi va vào các tảng
đá ở bên dưới hàng trăm thước. Nhưng nhà vua tức giận nói:“đây không phải là
một cảnh bình an như trẫm đã ra lệnh”. Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua
tiếp tục xem. Rồi nhà vua nhận ra một chi tiết mà trước đó ngài không để ý: ở
giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim
trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con sẻ đang
ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh
bình an hoàn hảo.Và Nhà vua rất thích thú khi nhìn vào đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói:
“Trẫm rất thích bức tranh, khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình
an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của đời
sống”.
…Đức Giêsu đã nói về sự bình an trong suốt bữa Tiệc Ly. Người
nói với các tông đồ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình
an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng
xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.
Vậy thì bình an
của Chúa Kitô là gì? Thưa,Bình an của Chúa Kitô không phải là tình
trạng yên ổn không bị khuấy động vì chống đối, vì chiến tranh. Bình an ở đây là
sự sống tròn đầy, là ân huệ gồm tóm mọi ân huệ của thời đại Chúa Cứu Thế. Chính
vì vậy, bình an nầy gắn liền với Chúa Giêsu và sự hiện diện của Ngài. Sự bình an
mà Chúa Giêsu trối lại hay là chia sẻ cho chúng ta là sự bình an mà Ngài thực
sự có được và nghiệm thấy một cách trọn vẹn, khi Ngài đã chiến thắng được sợ
hãi,khi ngài đứng trước tử thần. Đó là sự bình an của Đấng đã yêu thương đến
cùng.Nói khác đi, đó là bình an mà Chúa Giêsu đã có thể chia sẻ cho chúng ta,
sau khi Ngài đã thực sự chia sẻ chính thân mình Ngài cho chúng ta.
Thánh Phaolô gọi sự bình an đó là “bình an của thập giá” (Cl
1,24): “Nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trởi”. Bình an của thập giá là bình an
mà Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính máu của Ngài để giao hòa nhân loại với
Ngài và nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình để
xóa bỏ tội lỗi
nhân loại, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn
cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại từ nay được hòa giải với Thiên Chúa và
trở nên một thân thể duy nhất. Bởi vậy mà Chúa Giêsu xứng đáng được gọi là
“Bình an của chúng ta”.
Anh chị em thân mến,Bình an là khát vọng của mọi người, ở
mọi nơi và mọi thời. Nhưng thực ra có lẽ chưa bao giờ nhân loại được hưởng một
sự bình an toàn diện và phổ quát. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh,
có thể áp đặt một nền hòa bình, ký kết những bản hòa ước. Nhưng không ai có thể
hiểu thấu lòng người để có thể đem lại được sự bình an vào tận cõi sâu thẳm bên
trong; bởi vì ít ai có được bình an thực sự trong lòng mình để có thể chia sẻ
cho người khác…Con người ta chỉ có thể xây dựng hòa bình bên ngoài, nhưng không
có khả năng chế ngự, điều khiển được những đợt sóng ngầm vẫn luôn sôi sục trong
đáy lòng của mỗi cá nhân. Bởi vậy, hòa bình trên thế giới từ trước đến nay
thường chỉ là những nền hòa bình giả tạo, mong manh, tạm thời. Dĩ nhiên có được
hòa bình đó vẫn còn tốt hơn là không có.
Người Kitô hữu phải là những người tác tạo và tái tạo hào
bình, những người làm chứng cho hoàn bình trong thế giới, bằng cuộc sống không
bạo lực và bằng cách sống đồng tâm nhất trí với nhau. Có Chúa hiện diện trong
chúng ta, chúng ta sẽ không còn lý do nào để phải lo lắng,
sợ hãi. Sợ hãi, lo lắng, chứng tỏ một tâm hồn xao xuyến,
chưa được ổn định, chưa được bình an và là một tâm hồn thiếu vắng Chúa ngự trị…Muốn xây dựng hòa bình của Chúa, chúng ta
phải là những con người hiếu hòa, đã được ổn định và bình an trong tâm hồn.
Nếu bao lâu chúng ta còn để cho dục vọng làm chủ mình; nếu chúng ta còn khư khư
bám víu sự sống mình một cách ích kỷ; nếu chúng ta còn có sợ mất mát những của
cải, hoặc phải bảo vệ chúng để hưởng thụ; nếu chúng ta còn muốn thống trị kẻ
khác, làm sao chúng ta có thể gieo rắc bình an và xây dựng được hòa bình? Muốn
xây dựng hòa bình ở bình diện lớn, thiết tưởng phải bắt đầu từ những bình diện
nhỏ, vừa tầm tay, từ cá nhân, trong gia đình, đến xã hội, đất nước và lan tỏa đến
toàn thế giới.
Cuối cùng, thưa ACE Thánh lễ mỗi ngày và hôm nay là một lời
cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình và là một sự thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân xây
dựng hòa bình. Khi chúng ta chia sẻ bình an của Chúa cho anh chị em, là chúng
ta cam kết sống an hòa, yêu thương và dấn thân đem lại hòa bình, an vui, hạnh
phúc cho mọi người. Và lời chúc cuối mỗi thánh lễ của vị chủ tế là chúc anh chị
em ra đi với sự bình an của Chúa Kitô, ra đi mang theo một cái gì đó của Nước
Thiên Chúa cho mình và cho kẻ khác.Amen
L.M
G.B Nguyễn Ngọc Nga
Địa Chỉ Liên Lạc Hiện Hành:
L.M G.B Nguyễn Ngọc Nga
Nhà Thờ Giáo Xứ Dụ Thành
Thôn Hoàng Dụ. - Xã Kỳ Khang
Huyện Kỳ Anh- Tỉnh Hà Tĩnh - Việtnam
Di động : 0912 487 646 và 0974747108,
nick chat: jbngocnga@yahoo.com
Địa Chỉ Liên Lạc Hiện Hành:
L.M G.B Nguyễn Ngọc Nga
Nhà Thờ Giáo Xứ Dụ Thành
Thôn Hoàng Dụ. - Xã Kỳ Khang
Huyện Kỳ Anh- Tỉnh Hà Tĩnh - Việtnam
Di động : 0912 487 646 và 0974747108,
nick chat: jbngocnga@yahoo.com
https://twitter.com/Nguyen
Ngoc Nga@NguyenNgocNga1
http://thuongvietngheo.blogspot.com
Nhận xét